3.2.1 Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về phòng chống rửa tiền
Rửa tiền là một vấn nạn mang tính toàn cầu mà để đấu tranh với vấn nạn này thì các quốc gia cần phải xây dựng cho mình một khuôn khổ pháp lý phù hợp. Các cơ quan lập pháp cần tiếp tục nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định hiện hành nhằm đảm bảo tính khả thi, đáp ứng cao nhất thực tế; bên cạnh đó các văn bản quy phạm pháp luật về phòng chống rửa tiền được xây dựng theo thông lệ quốc tế, cần thể hiện được nội dung khuyến nghị của FATF, khuyến nghị của APG đánh giá về cơ chế phòng chống rửa tiền của Việt Nam, song cũng cần đặt trong những đặc thù của Việt Nam như: tình trạng sử dụng tiền mặt còn rất phổ biến; việc công khai tài sản, minh bạch các giao dịch vẫn còn khó khăn; nhận thức về công tác chống rửa tiền chưa đồng đều... Đối với báo cáo giao dịch đáng ngờ và giao dịch có giá trị lớn, Chính phủ nên giao cho NHNN quy định phù hợp với tình hình kinh tế từng thời kỳ, tuy nhiên NHNN nên có công văn mật gửi từng tổ chức tín dụng, tránh tình trạng công bố công khai để tội phạm lợi dụng.
Tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện quy định về xử phạt vi phạm trong việc tuân thủ quy định về phòng chống rửa tiền áp dụng chung cho tất cả các đối tượng chịu sự điều chỉnh của Luật Phòng, chống rửa tiền ở mọi lĩnh vực trong nền kinh tế, theo hướng tăng nặng mức độ xử phạt nhằm đảm bảo tính răn đe, tương thích với rủi ro.
Đối với pháp luật hình sự, cần quy định rửa tiền là tội phạm riêng để nâng cao hiệu quả áp dụng trong quá trình phòng chống tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia nói chung và phòng chống rửa tiền nói riêng. Bộ luật hình sự cũng cần hình sự hoá những hành vi đã được quy định trong các điều ước quốc tế liên quan đến hoạt động rửa tiền như: tội làm giàu bất minh, để buộc các cá nhân có tài sản tăng đáng kể so với thu nhập của mình mà không giải thích được nguồn gốc của nó phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Bên cạnh đó cần xây dựng các quy định về biện pháp tịch thu tiền và tài sản do phạm tội mà có. Các biện pháp tịch thu là sự nối tiếp tất yếu của các biện pháp trấn áp tội phạm rửa tiền. Bên cạnh đó, cần sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện văn bản pháp luật liên quan mang tính chất bổ trợ như: Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật quản lý thuế, Luật thuế tài sản, pháp luật về đăng ký giao dịch… cần đưa ra những quy định hợp lý góp phần kiểm soát thu nhập và tài sản của cá nhân, tránh hiện tượng cá nhân có tài sản tăng lên một cách bất hợp pháp nhưng không được kiểm soát và không chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cần xây dựng cơ quan với chức năng và vai trò theo khuyến nghị số 26 của FATF: "Các quốc gia phải thành lập các cơ quan tình báo tài chính hoạt động như trung tâm quốc gia để tiếp nhận (và yêu cầu, nếu được phép), phân tích và phổ biến cáo giao dịch nghi ngờ và các thông tin khác về việc rửa tiền và tài trợ khủng bố có nguy cơ xảy ra. Cơ quan tình báo tài chính phải được tiếp cận, trực tiếp hoặc gián tiếp, một cách kịp thời các thông tin tài chính, hành chính và hành pháp mà cơ quan yêu cầu để thực hiện đúng đắn chức năng của mình bao gồm cả phân tích báo cáo giao dịch nghi ngờ". Hiện nay, Cục Phòng, chống rửa tiền chưa có vị trí độc lập như của các quốc gia khác đồng thời Cục không có quyền yêu cầu các cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp các thông tin về giao dịch nghi vấn mà phải thực hiện đề xuất thông qua Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng.
3.2.2 Thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt
Ở Việt Nam, tỷ lệ sử dụng tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán trong những năm qua mặc dù đã giảm nhưng vẫn còn cao so với thế giới. Có thể thấy,
việc sử dụng tiền mặt quá lớn trong thanh toán ở nước ta là điều kiện lý tưởng cho tham nhũng, trốn thuế và các gian lận tài chính khác. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại thì quy định về hạn chế thanh toán bằng tiền mặt vẫn chưa được nhiều người dân biết đến và việc quản lý, xử phạt hành vi vi phạm vẫn còn bị bỏ ngỏ. Do đó, Nhà nước cần thực hiện:
Đối với khuôn khổ pháp lý: Bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý và các cơ chế chính sách hạn chế thanh toán bằng tiền mặt. Các cơ chế, chính sách thanh toán không dùng tiền mặt phải được chỉnh sửa, thay thế cho đồng bộ, đầy đủ, đặc biệt là những vấn đề liên quan đến thanh toán điện tử để phù hợp với thông lệ quốc tế và nhu cầu người sử dụng.
Đẩy mạnh các giải pháp hỗ trợ: Nhà nước cần sớm ban hành và áp dụng chính sách hỗ trợ tài chính cụ thể (giảm, hoàn thuế đối với phần doanh thu phát sinh từ hoạt động thanh toán không dùng tiền mặt) để từ đó khuyến khích người dân và doanh nghiệp thực hiện thanh toán không bằng tiền mặt.
Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thông tin và hướng dẫn người dân: Đặc biệt là người dân tại khu vực nông thôn có thói quen sử dụng tiền mặt trong hoạt động thanh toán hàng ngày. Do đó ý thức của người dân, doanh nghiệp có ý nghĩa rất lớn trong việc hạn chế thanh toán bằng tiền mặt, mỗi người cần phải hy sinh lợi ích trước mắt để hướng tới lợi ích chung của toàn xã hội.
3.2.3 Tăng cường công tác phòng, chống các loại tội phạm nguồn, đặc biệt là tội phạm tham nhũng biệt là tội phạm tham nhũng
Để công tác phòng chống rửa tiền hiệu quả thì việc phòng, chống các loại tội phạm nguồn như: ma túy, buôn lậu, trốn thuế … và đặc biệt là tham nhũng cần phải được quan tâm đúng mức. Tình trạng tham nhũng tại Việt Nam không được cải thiện trong những năm qua. Ngày 28/01/2016, Tổ chức Minh bạch quốc tế (Transparency International - TI) công bố Chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam năm 2015 xếp thứ 112/168 nền kinh tế, với điểm số 31/100 không đổi từ năm
2012 đến nay. Trước đó, năm 2014, Việt Nam xếp thứ 119/176 quốc gia nằm trong danh sách điều tra về cảm nhận tham nhũng của TI. Như vậy, nếu xét trên thứ hạng, năm 2015, Việt Nam đã tăng được 7 bậc, từ thứ 119 lên thứ 112. Tuy vậy, về bản chất, việc thăng hạng như trên gần như là vô nghĩa bởi tình trạng tham nhũng của Việt Nam vẫn chưa hề được cải thiện trong cảm nhận của cộng đồng doanh nghiệp và giới chuyên gia nghiên cứu. Do đó việc phòng chống tham nhũng cần phải được thực hiện đồng bộ giữa các cấp, các ngành từ Trung ương đến địa phương:
Chính phủ tập trung xây dựng và củng cố các chính sách nhằm đảm bảo tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của các cơ quan công quyền, đồng thời giảm tham nhũng trong các lĩnh vực công được coi là thường xảy ra tham nhũng nhất.
Cần có sự điều phối tốt hơn và phân định rõ ràng hơn về chức năng và quyền hạn của các cơ quan chuyên trách trong lĩnh vực phòng, chống tham nhũng nhằm đảm bảo các cơ quan này hoạt động hiệu quả.
Việt Nam cần sớm ban hành và đảm bảo thực thi hiệu quả Luật tiếp cận thông tin. Bộ luật này cần phải đáp ứng được các tiêu chuẩn và nguyên tắc quốc tế, đảm bảo khả năng tiếp cận thông tin của người dân đối với hoạt động của các cơ quan công quyền.
Trong bối cảnh Việt Nam đang sửa đổi Bộ Luật Hình sự và có kế hoạch đánh giá 10 năm thực hiện Luật Phòng, chống tham nhũng, mọi thay đổi đối với hai văn bản luật này cần đảm bảo tính nhất quán và phù hợp với các yêu cầu trong Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng mà Việt Nam là một thành viên.
Các cơ quan chuyên trách về phòng, chống tham nhũng cần được gia tăng quyền hạn, đồng thời phải đảm bảo trách nhiệm giải trình. Chính phủ nên cân nhắc việc chỉ định một cơ quan với đầy đủ chức năng, thẩm quyền, sự độc lập và năng lực để điều hành, điều phối và chịu trách nhiệm giải trình về công tác thực thi pháp Luật Phòng, chống tham nhũng.
Thực hiện cơ chế giám sát dư luận xã hội, giám sát của công chúng: xây dựng cơ chế phát hiện, tố giác hành vi tham nhũng từ nhân dân, báo chí, đảm bảo an toàn cho người tố giác. Đồng thời xây dựng cơ chế khuyến khích, khen thưởng người tố cáo, tố giác hành vi tham nhũng.
Đánh giá, xem xét điều chỉnh thu nhập đối với cán bộ công viên chức Nhà nước phù hợp với tình hình kinh tế. Một khi thu nhập của cán bộ được đảm bảo thì sẽ hạn chế tình trạng tham nhũng.