CHƯƠNG 1 : CƠ SỞ LÝ THUYẾT VỀ NĂNG LỰC CẠNH TRANH
1.3 Các yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh cho NHTM
1.3.2. Năng lực tài chính
Năng lực tài chính của doanh nghiệp được thể hiện ở quy mô vốn, khả năng huy động và sử dụng vốn có hiệu quả, năng lực quản trị tài chính… trong doanh nghiệp. Năng lực tài chính gắn với vốn là một yếu tố sản xuất cơ bản và là đầu vào của doanh nghiệp. Do đó, sử dụng vốn có hiệu quả, quay vòng vốn nhanh có ý nghĩa rất lớn trong việc làm giảm chi phí vốn, giảm giá thành sản phẩm. Đồng thời, vốn còn là tiền đề đối với các yếu tố sản xuất khác. Việc huy động vốn kịp thời nhằm đáp ứng vật tư, nguyên liệu, thuê nhân công, mua sắm thiết bị, công nghệ, tổ chức hệ thống bán lẻ …(Nguyễn Minh Tuấn, 2010).
Năng lực tài chính đóng vai trò hết sức quan trọng trong hoạt động của các NHTM. Năng lực tài chính là tiền đề để phát triển thị trường, để quyết định có nâng cao chất lượng và phát triển dịch vụ hay không và từ đó quyết định năng lực cạnh tranh của NHTM. Ngoài ra, một ngân hàng có tiềm lực tài chính mạnh còn tạo được sự an tâm cho khách hàng khi họ quyết định giao dịch hoặc gửi gắm tiền vốn của mình vào ngân hàng. Do vậy, để tăng quy mô hoạt động, tăng đầu tư vào tài sản cố định, hiện đại hoá công nghệ nhằm nâng cao chất lượng cũng như phát triển thêm dịch vụ cho khách hàng, tăng niềm tin của khách hàng, các NHTM thường phải tăng năng lực tài chính. Để đánh giá năng lực tài chính của một NHTM người ta đánh giá qua quy mô vốn tự có và tỷ lệ an toàn vốn của ngân hàng.
- Vốn tự có:
Theo quy định của Basel, vốn tự có của ngân hàng thương mại được chia thành hai cấp:
+ Vốn cấp I (core capital – tier 1) bao gồm: vốn điều lệ và dự trữ được công bố.
+ Vốn cấp II (supplementtary – tier 2): Dự trữ không được công bố; dự trữ tài sản đánh giá lại; dự phòng chung/dự phòng tổn thất cho vay chung; các công cụ vốn lai (nợ/vốn chủ sở hữu); nợ thứ cấp..
Vốn cấp I là vốn nòng cốt của ngân hàng. Tổng vốn cấp II được đưa vào tính toán tỷ lệ đủ vốn không được vượt quá 100% vốn cấp I; nợ thứ cấp tối đa bằng 50% vốn cấp I; dự phòng chung tối đa bằng 1,25% tài sản có rủi ro; dự trữ tài sản đánh
giá lại được chiết khấu 55%; thời gian đáo hạn còn lại của nợ thứ cấp tối thiểu là 5 năm; vốn ngân hàng không bao gồm vốn vô hình (goodwill).
Vốn điều lệ và vốn tự có đóng vai trò rất quan trọng trong hoạt động của các ngân hàng. Vốn điều lệ cao, ngân hàng tạo được uy tín trên thị trường, tạo được lòng tin trong công chúng. Vốn tự có thấp đồng nghĩa với sức mạnh tài chính yếu, khả năng chống đỡ rủi ró trong kinh doanh kém vì đó là điều kiện đảm bảo an toàn trong kinh doanh ngân hàng.
- Hệ số đủ vốn (CAR):
Theo yêu cầu của Ngân hàng thanh toán quốc tế (BIS) và chuẩn mực an toàn hoạt động ngân hàng của Ủy ban Basel, tỷ lệ an toàn vốn được đánh giá qua hệ số đủ vốn.
Một ngân hàng được xem là đủ vốn khi tỷ lệ vốn cấp I chia cho tài sản có đã điều chỉnh rủi ro tối thiểu bằng 4% và tổng vốn cấp I và cấp II chia cho tài sản có đã điều chỉnh rủi ro tối thiểu bằng 9% (Thông tư số 13/2010/TT-NHNN).