6. Bố cục của luận văn
3.2.4. Giải pháp về Năng lực cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ
Căn cứ đề xuất giải pháp
Thực trạng về Năng lực cạnh tranh của sản phẩm và dịch vụ của BIDV-CN Đồng Nai ở chương 2 cho thấy còn yếu hơn với các đối thủ cạnh tranh và cần nhiều biện pháp để khắc phục và cải thiện.
Nội dung giải pháp
* Chú trọng nâng cao chất lượng của các sản phẩm dịch vụ hiện có, nâng cao sức cạnh tranh qua việc đổi mới phong cách phục vụ, chất lượng sản phẩm.
Tiếp tục tập trung khai thác tối đa các dòng sản phẩm chủ lực, có nguồn thu tốt nhằm định vị sản phẩm của BIDV trong hệ thống ngân hàng.
Chú trọng chất lượng dịch vụ và phục vụ, tăng thêm các tiện ích mới, cải thiện các quy trình, thủ tục cho vay, thanh toán chuyển tiền, tiền gửi cho khách hàng theo hướng đơn giản, thân thiện, dễ tiếp cận, tiết kiệm chi phí và thời gian cho khách hàng, đảm bảo mọi giao dịch đều được thực hiện nhanh chóng, an toàn, chính xác để nâng cao sự hài lòng của khách hàng - tập trung giao dịch một cửa - giao dịch trọn gói - thực hiện bán chéo các sản phẩm dịch vụ. Yếu tố thời gian có tác động rất lớn trong việc cạnh tranh giữa các Ngân hàng.
* Phát triển sản phẩm dịch vụ mới nhằm gia tăng tiện ích cho khách hàng: Đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ là một trong những yếu tố nâng cao tính cạnh tranh của Chi nhánh trên địa bàn. Có thể những sản phẩm dịch vụ được các ngân hàng cung cấp thực sự không khác nhau nhiều về tính năng, nhưng về tên gọi hoặc cách thức triển khai đều đánh dấu thương hiệu của mỗi ngân hàng. Về phía khách hàng, có thể họ không sử dụng hết những sản phẩm dịch vụ mà một ngân hàng cung cấp nhưng đối với những ngân hàng có nhiều loại hình sản phẩm dịch vụ đa dạng thì vẫn được họ ưu ái và đánh giá cao hơn so với các ngân hàng khác, đây chính là mục tiêu mà các ngân hàng đã, đang và sẽ phấn đấu đạt đến để thống lĩnh thị trường.
Để BIDV-CN Đồng Nai luôn có một danh mục sản phẩm dịch vụ đa dạng, đa tiện ích, linh hoạt đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng, thì những việc mà BIDV Đồng Nai cần phải quan tâm được kể đến như sau:
- Nghiên cứu, xây dựng và phát triển sản phẩm dịch vụ mới mang tính đặc thù, phù hợp với từng phân khúc thị trường về đối tượng khách hàng từng vùng, từng địa phương,…
- Xác định rõ đối tượng, nhóm khách hàng có ảnh hưởng lớn tới hoạt động kinh doanh dịch vụ và cần tập trung chăm sóc trên cơ sở đánh giá lại nền khách hàng (khai thác tối đa nền khách hàng bán lẻ) nhằm xác định rõ nhóm khách hàng quan trọng, khách hàng thân thiết; phân tích chuyên sâu nhu cầu, độ hài lòng của nhóm khách hàng này để có sản phẩm, sản phẩm và chính sách khách hàng phù hợp từng bước đáp ứng tối đa nhu cầu của khách hàng.
- Huy động vốn : Đa dạng hóa các hình thức huy động vốn để tối đa nguồn tiền nhàn rỗi trong dân cư bằng cách hoàn thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm tiền gửi hiện có, nghiên cứu và sớm đưa vào triển khai các sản phẩm huy động vốn mới kèm theo các hình thức khuyến mãi phong phú và hấp dẫn như : tiền gửi tích lũy kết hợp với các ưu đãi và điều kiện vay mua xe, mua nhà, tiết kiệm an sinh nhà ở, tiết kiệm an sinh giáo dục, ….. Đồng thời triển khai huy động vốn và chi trả tại nhà để tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng, đặc biệt rất hữu ích đối tượng hưu trí có nguồn tiền nhàn rỗi.
- Triển khai nhiều chính sách ưu đãi hơn cho các KHQT, khách hàng thân thiết và khách hàng truyền thống. Bên cạnh đó cũng cần có những chương trình chăm sóc đối với nhóm khách hàng phổ thông trong toàn hệ thống, từ đó tạo điều kiện để Chi nhánh giữ chân và đẩy mạnh phát triển nhóm khách hàng này, cũng như đẩy mạnh quảng bá hình ảnh và thương hiệu của BIDV đến khách hàng
- Kết hợp giữa các sản phẩm cùng một lúc như: cho vay với thanh toán, kết hợp giữa trả lương với thanh toán, kết hợp giữa môi giới kinh doanh bất động sản với cho vay, …
* Luôn đảm bảo tính cạnh tranh về giá của sản phẩm, dịch vụ
BIDV luôn hướng đến mục tiêu chất lượng sản phẩm dịch vụ. Thời gian vừa qua, khách hàng chưa hài lòng về giá cả và có sự so sánh giữa các ngân hàng khác
nhau. Để khách hàng hài lòng hơn, BIDV-CN Đồng Nai nên cải thiện chính sách giá cả theo hướng đảm bảo tính cạnh tranh nhằm giữ chân khách hàng cũ và thu hút khách hàng mới như:
Chính sách phí dịch vụ đã được HSC quy định theo khung chung cho toàn hệ thống, trên cơ sở đó, chi nhánh đưa ra mức áp dụng phù hợp, cạnh tranh trên địa bàn của mình. Trong quá trình triển khai, các cán bộ cần linh hoạt nắm bắt nhu cầu của khách hàng cũng như cơ chế của các ngân hàng khác, chủ động trình lãnh đạo xem xét áp dụng chính sách ưu đãi đổi với những khách hàng tiềm năng để thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ.
BIDV cần điều chỉnh các loại phí liên quan đến dịch vụ KHCN theo hướng cạnh tranh, linh hoạt để dịch vụ của BIDV trở thành sự lựa chọn của khách hàng chẳng hạn BIDV nên giảm phí chuyển tiền, có nhiều chương trình khuyến mãi miễn phí phát hành, miễn phí thường niên năm đầu sử dụng thẻ, tặng 50% mức phí thường niên vào các năm tiếp theo cho các khách hàng có doanh số giao dịch cao, giảm phí chuyển khoản, giảm phí chuyển đổi ngoại tệ, phí phạt chậm thanh toán, miễn phí rút tiền, in sao kê, tặng quà cho khách hàng đăng ký phát hành thẻ, …phù hợp cho từng đối tượng khách hàng như: khách hàng VIP, quan trọng, truyền thống, thường xuyên và khách hàng vãng lai, khách hàng là nông dân, là cán bộ công chức, hộ kinh doanh, doanh nghiệp,…có như thế mới mang lại sự hài lòng cho số đông khách hàng, đảm bảo giữ vững được nền khách hàng và phát triển khách hàng mới, khách hàng tiềm năng nâng cao năng lực cạnh tranh của ngân hàng.