5. Bố cục luận văn
2.2.3. Phương pháp phân tích thông tin
2.2.3.1. Phương pháp phân tổ thống kê
Phương pháp này căn cứ vào một (hay một số) tiêu thức nào đó để phân chia tổng thể thống kê thành các tổ (tiểu tổ) có tính chất khác nhau. Ví dụ, phân chia NL thành các tổ nam và nữ (căn cứ vào giới tính), thành các tổ có độ tuổi khác nhau (căn cứ vào độ tuổi), v.v... Đây là phương pháp cơ bản của tổng hợp thống kê, là một trong những phương pháp quan trọng của phân tích thông tin, đồng thời là cơ sở để vận dụng các phương pháp phân tích thống kê khác.
Trong luận văn tác giả sẽ sử dụng một số tiêu thức phân tổ chủ yếu như: phân tổ theo giới tính, theo độ tuổi, theo trình độ chuyên môn được đào tạo, theo cấp hành chính, theo loại hình tổ chức, theo số năm công tác, theo tình trạng sức khỏe vv.. hoặc có thể phân tổ dựa trên 2 tiêu thức như phân tổ theo giới tính và độ tuổi.
2.2.3.2. Phương pháp đồ thị thống kê
Phương pháp đồ thị thống kê là phương pháp trình bày và phân tích các thông tin thống kê bằng các biểu đồ, đồ thị và bản đồ thống kê. Phương pháp đồ thị thống kê sử dụng con số kết hợp với các hình vẽ, đường nét và màu sắc để trình bày các đặc điểm số lượng của hiện tượng. Chính vì vậy, ngoài tác dụng phân tích giúp ta nhận thức được những đặc điểm cơ bản của hiện tượng bằng trực quan một cách dễ dàng và nhanh chóng, đồ thị thống kê còn là một phương pháp trình bày các thông tin thống kê một cách khái quát và sinh động, chứa đựng tính mỹ thuật; thu hút sự chú ý của người đọc, giúp người xem dễ hiểu, dễ nhớ nên có tác dụng tuyên truyền cổ động rất tốt. Đồ thị thống kê có thể biểu thị: Kết cấu của hiện tượng theo tiêu thức nào đó và sự biến đổi của kết cấu; Sự phát triển của hiện tượng theo thời gian; So sánh các mức độ của hiện tượng; Mối liên hệ giữa các hiện tượng; Trình độ phổ biến của hiện tượng; Tình hình thực hiện kế hoạch.
2.2.3.3. Phương pháp phân tích dãy số biến động theo thời gian
Dãy số biến động theo thời gian (còn gọi là dãy số động thái) là dãy các trị số của một chỉ tiêu thống kê được sắp xếp theo thứ tự thời gian, dùng để phản ánh quá trình phát triển của hiện tượng.
Trong dãy số biến động theo thời gian có hai yếu tố: thời gian và chỉ tiêu phản ánh hiện tượng nghiên cứu. Thời gian trong dãy số có thể là ngày, tháng, năm,... tuỳ
mục đích nghiên cứu; chỉ tiêu phản ánh hiện tượng nghiên cứu có thể biểu hiện bằng số tuyệt đối, số tương đối hay số bình quân.
Căn cứ vào đặc điểm của dãy số biến động theo thời gian ta có thể vạch rõ xu hướng, tính quy luật phát triển của hiện tượng theo thời gian và từ đó có thể dự đoán khả năng hiện tượng có thể xảy ra trong tương lai.
Các trị số của chỉ tiêu trong dãy số thời gian phải thống nhất về nội dung; phương pháp và đơn vị tính; thống nhất về khoảng cách thời gian và phạm vi không gian nghiên cứu của hiện tượng để bảo đảm tính so sánh được với nhau.
2.2.3.4. Phương pháp chuyên gia, chuyên khảo
Để có thể đảm bảo tính chính xác của vấn đề cần nghiên cứu, tác giả tham khảo ý kiến của các chuyên gia trong ngành, những người am hiểu sâu các lĩnh vực liên quan đến đề tài, thu thập thêm thông tin của các nhà khoa học, các nhà quản lý ở địa phương, cán bộ cơ sở, những tài liệu sách báo đã được công bố. Tác giả dùng trong giai đoạn nghiên cứu ban đầu và trong quá trình đưa ra định hướng, giải pháp. Tác giả áp dụng phương pháp này để tham khảo ý kiến của lãnh đạo các đơn vị đối với nhận xét đánh giá về NL do các đơn vị quản lý.