Australia là một quốc gia phát triển với GDP bình quân đầu người năm 2012 là 67.000 USD và có nhiều kinh nghiệm trong quản lý thu, mua nợ. Australia đã giao hai cơ quan chịu trách nhiệm ban hành pháp luật và quản lý, giám sát thu, mua nợ xấu là Ủy ban Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (ACCC) và Ủy ban Đầu tư và Chứng khoán (ASIC). ACCC chịu trách nhiệm về các khoản nợ phát sinh từ việc cung cấp các hàng hóa và dịch vụ phi tài chính. ASIC chịu trách nhiệm về thu, mua các khoản nợ phát sinh từ các dịch vụ tài chính.
Hai cơ quan này giám sát và báo cáo định kỳ về hoạt động của tất cả các chủ thể liên quan thu, mua như Hiệp hội các tổ chức thu, mua nợ, Hiệp hội các cơ quan điều tra, Hiệp hội thương mại… Hai cơ quan này chịu trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan để đề xuất những giải pháp tối thiểu hóa những hành vi thu, mua nợ bất hợp
pháp. Để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của hệ thống, hai cơ quan này có trách nhiệm công khai các luật và quy định về thu, mua nợ.
Đồng thời, hai cơ quan này tiếp nhận và xử lý những khiếu nại, ví dụ như khiếu nại của các cơ quan mua nợ về việc không được cung cấp đầy đủ thông tin liên quan tới khoản nợ. Đặc biệt, để giám sát hoạt động thu mua, khuyến khích việc đưa ra nhiều sáng kiến về thu, mua nợ xấu, năm 2008, hai cơ quan này còn cung cấp dịch vụ đường dây nóng để mọi người gọi điện, phán ánh các hành vi và vấn đề phát sinh trong quá trình thu mua nợ...
Như vậy, từ kinh nghiệm của Australia, Việt Nam có thể tham khảo áp dụng một số giải pháp như: xây dựng pháp luật, hướng dẫn về thu, mua nợ; phân công rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan đến thu mua nợ; quy định các hành vi bị cấm như hù dọa, cố tình làm con nợ hiểu sai về hậu quả của việc không thanh toán…. Đồng thời, xây dựng quy chế tiếp nhận và giải quyết nhanh chóng các đơn khiếu nại về các hành vi phạm pháp trong thu, mua nợ; đảm bảo nguyên tắc minh bạch thông qua việc công khai các quy định về thu, mua nợ; đặc biệt là xây dựng đường dây nóng để giải đáp các mắc thắc trong các quy định thu, mua nợ và giải quyết các bức xúc liên quan tới thu, mua nợ và để tiếp nhận các góp ý của mọi người về việc hoàn thiện hệ thống thu, mua nợ. Đường dây nóng là một biện pháp quan trọng để Chính phủ nâng cao hiệu quả hoạt động thu, mua nợ, thể hiện kiên quyết của Chính phủ trong vấn đề này và nâng cao niềm tin của xã hội đối với quyết tâm này của Chính phủ.