Thiếu kiến thức, thiếu tầm nhìn kinh nghiệm trong hoạt động mua bán nợ là một nhược điểm làm cho DN Việt Nam sẽ gặp khó khăn, thua thiệt khi tham gia vào thị trường mua bán nợ. Trong quá trình tiến hành mua bán nợ, các chủ thể này đã bộc lộ một số hạn chế sau:
Đối với các chủ thể trong nước:
Về phía các doanh nghiệp có nhu cầu xử lý nợ (bên bán nợ): Người Việt Nam còn mang nặng tâm lý Á Đông, coi công ty là đứa con của mình nên ít khi muốn bán. Chính vì vậy, mà nhiều DN trong nước vẫn còn dè dặt với hoạt động mua bán nợ. Điều này khiến cho các thương vụ mua bán nợ vẫn còn hạn chế. Vấn đề đặt ra hiện nay là phải làm cho các DN trong nước có cái nhìn thoáng hơn về hoạt động mua bán nợ, nhằm đem lại những lợi ích về kinh tế và xã hội, cả cho bản thân họ và cho đất nước. Sự thiếu hiểu biết cơ bản về mua bán nợ khiến cho các chủ thể lúng túng khi muốn tham gia vào thị trường. Các chủ thể cũng không có nhiều kinh nghiệm trong việc thẩm định giá trị và hồ sơ pháp lý. Hơn nữa, các chủ thể cũng thiếu thông tin về thị trường cũng như về các đối tác để có thể tự mình đưa ra các quyết định. Ngoài ra nhiều DN muốn bán nợ ngại tiếp xúc với công ty mua bán nợ là vì thông qua các hoạt động mua bán nợ thì các thông tin tài chính của DN sẽ được công bố rộng rãi và điều này sẽ ảnh hưởng không tốt cho công việc kinh doanh của DN.
Đối với các nhà đầu tư nước ngoài, sự am hiểu về phong tục, văn hoá, thị
trường, pháp luật VN chưa cao, điều này làm phát sinh nhiều vấn đề trong và sau quá trình mua bán nợ.
Đối với các nhà đầu tư chuyên nghiệp, các tổ chức tư vấn, môi giới, đây là những chủ thể đóng vai trò dẫn dắt, làm trung gian thiết lập thị trường cho hoạt động mua bán nợ. Bản thân các tổ chức này chưa có đủ năng lực cũng như đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm và trình độ chuyên sâu để cung cấp dịch vụ trọn gói cho thị trường mua bán nợ.