Tình hình kinh tế vĩ mô:
Tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2013 ước tính tăng 5,42% so với
năm 2012, trong đó quý I tăng 4,76%; quý II tăng 5,00%; quý III tăng 5,54%; quý IV tăng 6,04%. Mức tăng trưởng năm nay tuy thấp hơn mục tiêu tăng 5,5% đề ra nhưng cao hơn mức tăng 5,25% của năm 2012 và có tín hiệu phục hồi. Trong bối cảnh kinh tế thế giới những năm qua có nhiều bất ổn, sản xuất trong nước gặp khó khăn, lạm phát tăng cao, Chính phủ tập trung chỉ đạo quyết liệt các ngành, các cấp thực hiện ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô nên đây là mức tăng hợp lý, khẳng định tính đúng đắn, kịp thời, hiệu quả của các biện pháp, giải pháp được Chính phủ ban hành.
Trong mức tăng 5,42% của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và
thủy sản tăng 2,67%, khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,43%, khu vực dịch vụ tăng 6,56%. Như vậy mức tăng trưởng năm nay chủ yếu do đóng góp của khu vực dịch vụ, trong đó một số ngành chiếm tỷ trọng lớn có mức tăng khá là: Bán buôn và bán lẻ tăng 6,52%; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,91%; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,89%.
Ước tính năm 2013, tổng số DN đăng ký thành lập mới là 76.955 DN, tăng 10,1% so với năm 2012 với tổng vốn đăng ký là 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%. Số DN gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm nay là 60.737 DN, tăng 11,9% so với năm trước, trong đó số DN đã giải thể là 9.818 DN, tăng 4,9%; số DN đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803 DN, tăng 35,7%; số DN ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116 DN, tăng 8,6%.
Về hoạt động của các DNNN, theo kết quả điều tra tại thời điểm 01/01/2013
cả nước có 3135 DNNN, bao gồm: 405 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản, chiếm 12,9%; 1401 doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng, chiếm 44,7% và 1329 doanh nghiệp dịch vụ, chiếm 42,4%.
Đến ngày 12/12/2013, tổng phương tiện thanh toán tăng 14,64%; huy động
vốn tăng 15,61%; tăng trưởng tín dụng tăng 8,83% so với cuối năm 2012 và dự kiến sẽ cao hơn mức tăng của năm 2012 nhưng vẫn thấp hơn mức kế hoạch đặt ra là khoảng 12%; thanh khoản của hệ thống NHTM được cải thiện, đảm bảo khả năng thanh toán và chi trả của hệ thống; tỷ giá ngoại tệ ổn định, dự trữ ngoại hối tăng cao.
Hệ số tín nhiệm của Việt Nam trong thời gian qua: Định hạng tín nhiệm cho trái phiếu (bond rating) là việc các tổ chức xếp hạng đưa ra "đánh giá" của mình về khả năng thanh toán nợ và "sức khỏe" tài chính của các nhà phát hành các công cụ nợ... Việc xếp hạng tín nhiệm không chỉ cho thấy sự đáng tin cậy của công ty phát hành trái phiếu (hoặc các công cụ nợ khác) mà còn là công cụ cho thấy nhà phát hành có cần những hình thức bảo đảm khác như là sự bảo lãnh bởi bên thứ 3 hay các khoản ký quỹ đi kèm với trái phiếu.Theo đó, S&P quyết định giữ nguyên xếp hạng nợ dài hạn của Việt Nam ở mức BB- và nợ ngắn hạn ở mức B. Trong tương quan với các nước ASEAN khác, xếp hạng dài hạn của Việt Nam vẫn được giữ ở mức axBB+ và xếp hạng ngắn hạn duy trì ở axB. S&P cũng đặt triển vọng ổn định cho Việt Nam. Mức xếp hạng
mà S&P đặt cho Việt Nam phản ánh Việt Nam vẫn là một nền kinh tế có thu nhập thấp, vị thế tài khóa yếu, khung tiền tệ và tài chính vẫn đang trong quá trình hoàn thiện. Đồng thời, khung chính sách vẫn còn nhiều thay đổi có thể khiến các chỉ số xếp hạng yếu đi. Theo chuyên gia phân tích đến từ S&P Agost Benard, các điều kiện kinh tế vĩ mô của Việt Nam phản ánh sự lựa chọn chính sách của chính phủ. Chính phủ Việt Nam đang tập trung vào sự ổn định và giải quyết những điểm yếu mang tính cấu trúc trong hệ thống ngân hàng và các DNNN. Các biện pháp bình ổn được thực hiện kể từ năm 2011 đã làm giảm đáng kể những điểm mất cân đối trong nền kinh tế vĩ mô, tăng niềm tin vào đồng nội tệ cũng như chính sách.
Thị trường chứng khoán (TTCK): có mối liên hệ chặt chẽ với thị trường mua bán nợ và việc tái cấu trúc nền kinh tế. Doanh nghiệp sau khi được mua bán sẽ được đầu tư vốn để khôi phục hoạt động sản xuất - kinh doanh, đến khi có đủ điều kiện, chủ nợ mới sẽ tiến hành phát hành cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) và đưa doanh nghiệp lên niêm yết trên sàn chứng khoán để thu hồi vốn. Đây là cách phổ biến được các nước phát triển áp dụng để xử lý nợ xấu, trường hợp tiêu biểu nhất gần đây chính là Công ty General Motors đã niêm yết trở lại TTCK Mỹ sau hơn 1 năm nộp đơn tuyên bố phá sản (Chính phủ Mỹ đã bỏ ra gần 50 tỷ USD và tiếp nhận 61% cổ phần của Công ty). Một TTCK minh bạch, tăng trưởng tốt sẽ là thước đo chính xác sức khỏe của các doanh nghiệp niêm yết nói riêng và nền kinh tế nói chung, đồng thời làm tăng niềm tin của các NĐT mua nợ, bởi TTCK là một trong những biện pháp thu hồi vốn đầu tư.