Các biện pháp quản lý bồi dưỡng

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động bồi dưỡng kĩ năng giao tiếp công vụ cho cán bộ, công chức cấp phường thành phố thái nguyên​ (Trang 74 - 77)

8. Cấu trúc của luận văn

3.2. Các biện pháp quản lý bồi dưỡng

3.2.1. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức cấp phường về tầm quan trọng của bồi dưỡng kĩ năng giao tiếp công vụ cho cán bộ, công chức. Viết giáo trình về bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp công vụ cho cán bộ, công chức cấp phường

Nâng cao nhận thức về vai trò và tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp công vụ trong quá trình công tác nhằm nâng cao uy tín của cán bộ, công chức cấp phường, giúp cho hiệu quả công việc được nâng cao. Thông qua nhận thức đúng về tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp công vụ, giúp cán bộ công chức cấp phường tự ý thức về vai trò, trách nhiệm, hành vi giao tiếp trong quá trình ứng xử với nhân dân, đồng nghiệp và giải quyết công việc. Mời các chuyên gia về viết giáo trình bồi dưỡng kỹ năng giao tiếp công vụ cho cán bộ, công chức cấp phường.

Nhận thức của cán bộ, công chức về vai trò, tầm quan trọng của kỹ năng giao tiếp có ý nghĩa quan trọng trong việc rèn luyện nâng cao kỹ năng giao tiếp của cán bộ, công chức. Kỹ năng giao tiếp là một khả năng không thể chuyển từ người này sang người khác, nó không giống như những tri thức khoa học khác. Một người muốn có kỹ năng giao tiếp tốt, bên cạnh việc nắm được nội dung và cách thức vận dụng chúng thì còn phải trải qua quá trình rèn luyện, vận dụng vào quá trình giao tiếp hàng ngày. Do đó đòi hỏi phải có một sự chú tâm, kiên trì luyện tập, phải có một ý chí bền bỉ. Muốn làm được điều đó, đòi hỏi người cán bộ, công chức phải được đào tạo, bồi dưỡng thường xuyên để họ nhận thức được vai trò quan trọng của kỹ năng giao tiếp trong giải quyết công việc cho người dân tốt hơn, tạo được niền tin của người dân đối với bản thân cán bộ, công chức.

ii. Nội dung, cách thực hiện

Để nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức về kỹ năng giao tiếp cần tổ chức thường xuyên các buổi sinh hoạt của đơn vị, hoạt động tuyên truyền, thông qua các báo cáo chuyên đề, các hoạt động tập huấn về kỹ năng giao tiếp cho cán bộ, công chức, giúp họ thấy được những lợi ích của việc vận dụng hiệu quả kỹ năng giao tiếp công vụ trong quá trình thi hành nhiệm vụ.

Cần quán triệt tư tưởng nền hành chính Nhà nước đang chuyển mạnh mẽ từ nền hành chính “cai trị” sang nền hành chính “phục vụ”. Hành chính công trở thành những “dịch vụ” được tiêu chuẩn hóa, đòi hỏi cán bộ công chức phải có kỹ năng mang tính chuyên nghiệp.

Đi cùng với các dịch vụ là thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức là những người thường xuyên tiếp xúc trực tiếp với nhân dân, với đồng nghiệp. Để giao tiếp tốt với những khách hàng của mình cần có kỹ năng giao tiếp tốt, những tư tưởng tôn trọng đối tượng giao tiếp cần phải ăn sâu trong tâm trí của mỗi cán bộ công chức với những lời nói, ánh mắt, quyết định mang tính thân thiện: “ Xin chào”, “Xin mời”; “ Xin lỗi”; “ Xin cảm ơn” vv…

Tuyên truyền, phổ biến về cách thức giao tiếp, phong cách giao tiếp, các nguyên tắc cơ bản đòi hỏi cán bộ công chức phải quán triệt trong quá trình giao tiếp với công dân, đồng nghiệp.

Cùng với việc tuyên truyền, tự nâng cao kỹ năng giao tiếp, cần quán triệt sâu sắc đến từng cán bộ, công chức cấp phường những tài liệu đã được quy định trong các văn bản Quy phạm pháp luật như: Quy chế văn hóa công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước, ban hành kèm theo Quyết định 129/2007/QĐ-TTg ngày 02/8/2007 của Thủ tướng Chính Phủ; Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương, ban hành kèm theo Quyết định 03/QĐ-BNV ngày 26/02/2007 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ.

Ban hành quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong bộ máy chính quyền địa phương đã quy định rất cụ thể chuẩn mực xử sự của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ cũng như trong quan hệ xã hội, quy định rõ những việc phải làm, không được làm trong khi tham gia các quan hệ nêu trên. Đây cũng là căn cứ để xử lý trách nhiệm khi cán bộ, công chức, viên chức vi phạm các chuẩn mực xử sự, đồng thời là căn cứ để nhân dân giám sát việc chấp hành các quy định pháp luật của cán bộ, công chức, viên chức.

Ban hành và tổ chức thực hiện quy chế văn hoá công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước quy định về trang phục, giao tiếp và ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành nhiệm vụ, bài trí công sở tại các cơ quan hành chính Nhà nước. Mục đích của Quy chế này là xây dựng phong cách ứng xử chuẩn mực của cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ,

hướng tới mục tiêu xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có phẩm chất đạo đức tốt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đây cũng là một thước đo cho mọi cán bộ, công chức, viên chức, đặc biệt đối với những cán bộ, công chức thường xuyên giao tiếp với nhân dân, đồng nghiệp, cấp trên.

Thường xuyên tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, qua đó có cái nhìn khách quan về thực trạng kỹ năng giao tiếp, ứng xử của cán bộ, công chức khi giải quyết công việc cho nhân dân, tổ chức. Cần mạnh dạn nêu lên những hạn chế, khuyết điểm, phản ánh của nhân dân về những hạn chế, khuyết điểm của cán bộ, công chức cấp phường trong giao tiếp, ứng xử với người dân, đồng nghiệp, cấp dưới hay cấp trên. Chỉ ra những hậu quả do lối ứng xử lệch chuẩn của cán bộ, công chức. Đặc biệt, là những tác động tiêu cực đến mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.

Nên có chế độ giám sát về thái độ của cán bộ công chức trong quá trình giao tiếp công vụ trong những tình huống giao tiếp cụ thể cần rút kinh nghiệm cho họ và để làm tư liệu cho các lớp huấn luyện kỹ năng giao tiếp công vụ.

iii. Điều kiện thực hiện biện pháp

Cán bộ quản lý cấp phường phải là những người mẫu mực về kỹ năng giao tiếp để cấp dưới học tập và làm theo.

Để cải thiện hiệu quả nhận thức của cán bộ, công chức cấp phường về các nội dung trên thì những biện pháp vừa nêu cần được thực hiện một cách thường xuyên, tích cực. Nhất là khi cán bộ, công chức chưa có sự tự giác thì nhất thiết phải đề ra những tiêu chuẩn và quy định bắt buộc nhằm thực hiện triệt để, vì mục tiêu cải thiện chất lượng phục vụ nhân dân trong bối cảnh công cuộc cải cách hành chính đang diễn ra mạnh mẽ và thu được những kết quả tích cực.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) quản lý hoạt động bồi dưỡng kĩ năng giao tiếp công vụ cho cán bộ, công chức cấp phường thành phố thái nguyên​ (Trang 74 - 77)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(111 trang)