Các nhân tố bên ngoài

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại ngân hàng thương mại cổ phần công thương việt nam chi nhánh thành phố hồ chí minh (Trang 29 - 32)

Môi trường pháp lý

Xuất phát từ chức năng đặc thù của ngân hàng là kinh doanh tiền tệ cho nên hoạt động kinh doanh ngân hàng chịu sự chi phối chặt chẽ bởi pháp luật và sự giám

sát của các cơ quan quản lý Nhà nước. Môi trường pháp lý có tác động mạnh mẽ đến sự tồn tại và phát triển của mỗi ngân hàng cũng như tác động đến tất cả các mặt hoạt động như: huy động vốn, cấp tín dụng, thanh toán, phát triển mạng lưới chi nhánh…nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các ngân hàng và thực thi chính sách tiền tệ quốc gia.

Môi trường kinh tế - xã hội

Hoạt động của mọi doanh nghiệp nói chung đều chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các hoạt động kinh tế chung của nền kinh tế xã hội. Việc cung ứng, lưu thông tiền tệ và tiêu dùng dịch vụ tài chính nói chung, dịch vụ ngân hàng bán lẻ nói riêng đều chịu ảnh hưởng rất lớn vào sự thay đổi của các hoạt động sản xuất, lưu thông, tiêu dùng sản phẩm vật chất. Mọi sự thay đổi này có tác dụng trực tiếp đến các cá nhân, các doanh nghiệp trong nền kinh tế, làm thay đổi cầu của họ đối với các sản phẩm dịch vụ ngân hàng. Do vậy, chiến lược phát triển hệ thống ngân hàng phải được đặt trong mối quan hệ biện chứng với sự phát triển kinh tế - xã hội, với sự phát triển tổng thể hệ tài chính, thị trường tài chính và tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, thực hiện các cam kết quốc tế trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Môi trường công nghệ

Hoạt động của ngân hàng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại. Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ cho phép các ngân hàng gắn kết với nhau dễ dàng hơn. Công nghệ thông tin được xem như một xu hướng chính trong hoạt động ngân hàng hiện đại. Các giải pháp kỹ thuật công nghệ được lựa chọn phù hợp bảo đảm cho sự phát triển công nghệ tin học ngân hàng đúng hướng, là yếu tố giúp các ngân hàng tăng khả năng cạnh tranh thông qua việc đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ, chiếm lĩnh thị phần bằng các thiết bị giao dịch tự động, tăng cường năng lực và hiệu quả hoạt động kinh doanh cho các ngân hàng thương mại; đẩy nhanh tốc độ thanh toán, tăng vòng quay tiền tệ, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả đồng vốn xã hội.

Tập quán tâm lý – xã hội

Hoạt động kinh doanh của các ngân hàng chịu sự ảnh hưởng rất lớn bởi tập quán tâm lý xã hội của khách hàng. Nó có tác động vào khuynh hướng tiêu dùng, tiết kiệm, đầu tư, thị hiếu của người dân đối với các loại hình dịch vụ ngân hàng. Lòng tin của người dân vào giá trị đồng tiền, chất lượng dịch vụ ngân hàng hay hoạt động kinh doanh ngân hàng không phải chỉ bởi bản thân ngân hàng đó tạo ra mà còn bị chi phối rất lớn bởi hệ thống chính trị xã hội, sự ổn định kinh tế thúc đẩy khuynh hướng tiêu dùng cởi mở đối với các dịch vụ ngân hàng.

1.2.6.2. Các nhân tố bên trong

Trình độ ứng dụng khoa học – công nghệ ngân hàng

Ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động kinh doanh ngân hàng trở thành một trong những yếu tố quyết định trong cuộc cạnh tranh giữa các ngân hàng. Hệ thống quản trị ngân hàng tập trung đã được ứng dụng phổ biến ở phần lớn các ngân hàng, giúp cải thiện đáng kể hiệu quả của hoạt động nội bộ ngân hàng như kế toán thanh toán, quản trị rủi ro, đánh giá xếp hạng tín dụng khách hàng...; các dữ liệu trong hoạt động được nối mạng trực tuyến giữa các phòng, ban tại Trụ sở chính, chi nhánh đảm bảo kiểm soát, phát hiện kịp thời các vấn đề phát sinh trong hoạt động. Ứng dụng công nghệ thông tin, đồng thời còn giúp các ngân hàng hiện đại hóa hệ thống thanh toán, đa dạng hóa hình thức huy động vốn, cho vay, với những sản phẩm tiện ích ngân hàng hiện đại, cung ứng cho doanh nghiệp và dân cư, mở rộng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt và thanh toán qua ngân hàng.

Năng lực tài chính của ngân hàng

Năng lực tài chính của một ngân hàng, được thể hiện ở quy mô vốn tự có, chất lượng tài sản, chất lượng nguồn vốn, khả năng sinh lời và đảm bảo an toàn trong hoạt động kinh doanh. Năng lực tài chính mạnh cũng giúp các ngân hàng tạo dựng được lòng tin đối với khách hàng và đối tác, giúp các ngân hàng dễ dàng trong việc mở rộng hoạt động NHBL, giữ vững khách hàng hiện có và thu hút các khách hàng mới.

Chất lượng nguồn nhân lực

Trong bất cứ hoạt động nào, con người luôn là chủ thể sáng tạo, là nguồn lực chủ yếu và là yếu tố quyết định sự phát triển ổn định và bền vững của một tổ chức. Khi các sản phẩm dịch vụ đều có sự đa dạng tương tự nhau, công nghệ như nhau thì cạnh tranh về chất lượng dịch vụ trở thành yếu tố nổi trội ở mỗi ngân hàng. Với hoạt động ngân hàng bán lẻ, khách hàng bị chi phối rất nhiều bởi chất lượng dịch vụ thì yếu tố con người lại càng trở nên quan trọng. Chính vì vậy, đòi hỏi các nhân viên giao dịch trực tiếp với khách hảng phải có những kỹ năng nhất định, đặc biệt là kỹ năng giao tiếp, tư vấn và khả năng nắm bắt nhu cầu khách hàng.

Chiến lược phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ

Các ngân hàng ngày nay đều phát triển theo xu hướng ngân hàng đa năng, cung cấp cả dịch vụ ngân hàng bán buôn và bán lẻ. Tuy nhiên, mỗi ngân hàng lại có những thế mạnh khác nhau và chiến lược phát triển khác nhau trong từng giai đoạn. Chiến lược phát triển dịch vụ NHBL được xây dựng tùy thuộc vào từng ngân hàng và từng thời kỳ. Nó quyết định quy mô, cách thức hoạt động đối với dịch vụ NHBL của mỗi ngân hàng. Việc phân tách hoạt động ngân hàng bán lẻ thành một mảng riêng sẽ giúp các NHTM thực hiện việc chuyên môn hóa để nâng cao hiệu quả của hoạt động NHBL.

Chính sách khách hàng

Chính sách khách hàng được các ngân hàng áp dụng để thể hiện chiến lược marketing ở những cấp độ khách hàng hoặc phân khúc khách hàng khác nhau nhưng mục đích cuối cùng là làm hài lòng khách hàng.

Xây dựng chính sách khách hàng đòi hỏi phải có sự nhất quán, hợp lý, đủ sức cạnh tranh nhằm duy trì và phát triển mối quan hệ với khách hàng.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ tại ngân hàng thương mại cổ phần công thương việt nam chi nhánh thành phố hồ chí minh (Trang 29 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(124 trang)