Lý thuyết chi phí đại diện

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa cấu trúc vốn và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 30 - 32)

6. KẾT CẤU CỦA LUẬN VĂN

1.2.3. Lý thuyết chi phí đại diện

Năm 1976, Jensen và Meckling là những người chính thức đưa khái niệm chi phí đại diện vào lý thuyết tài chính doanh nghiệp. Hai ông đã phát triển lý thuyết này trên một nghiên cứu trước đây của Miller và Fama. Theo đó, chi phí đại diện được định nghĩa là các chi phí phát sinh do xung đột lợi ích giữa chủ doanh nghiệp (principal) và các nhà đại diện (agents), cả hai đều nỗ lực để tối đa hóa những mục tiêu riêng của họ trên chi phí của người khác. Jensen và Meckling xác định hai loại xung đột lợi ích tồn tại giữa chủ doanh nghiệp và các đại diện: một mặt là mâu thuẫn giữa cổ đông và các nhà quản lý, mặt khác là mâu thuẫn giữa cổ đông (equity holder) và chủ nợ (debt holder). Cụ thể như sau:

Thứ nhất, Chi phí đại diện giữa cổ đông và nhà quản lý

Lý thuyết chi phí đại diện đề cập đến mối quan hệ hợp đồng giữa một bên là người chủ quyết định công việc và một bên là nhà quản lý – người đại diện thực hiện các công việc. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để người đại diện làm việc vì lợi ích tối ưu cho người chủ. Theo đó, Jensen và Meckling đã kết luận rằng trong một thị trường thông tin không hoàn hảo (phát sinh tình trạng bất cân xứng thông tin) sẽ dẫn đến hai vấn đề về đại diện: một là, sự lựa chọn bất lợi (là trường hợp chủ doanh nghiệp không thể biết chắc chắn liệu rằng nhà quản lý được thuê điều hành doanh nghiệp có đủ khả năng để đảm nhận tốt công việc hay không, và liệu rằng số tiền bỏ ra để thuê người đại diện có xứng đáng hay không); hai là, mối nguy đạo đức (là trường hợp chủ doanh nghiệp không chắc chắn liệu người đại diện có phát huy tối đa khả năng khi đảm nhận công việc hay không, hay là họ sẽ đưa ra các quyết định mạo hiểm và rủi ro để tối đa hóa giá trị riêng của mình).

Để hạn chế phần nào hành vi không được phép này của các nhà quản lý, các cổ đông có thể yêu cầu đưa những khoản nợ vào hoạt động của doanh nghiệp để tăng hiệu suất quản lý. Các thỏa thuận về trả lãi và gốc định kỳ khi đi vay nợ buộc các nhà quản lý chú trọng hơn trong việc đánh giá các kế hoạch chi tiêu vốn. Ngoài ra, các cổ đông có thể cho các nhà quản lý sở hữu số lượng đáng kể cổ phần trong công ty. Hành động này sẽ làm cho các nhà quản lý trung thành và thực thi nhiều quyết định đầu tư có trách nhiệm và thận trọng, đó là điều cần thiết để tăng lợi nhuận cho các cổ đông.

Thứ hai, chi phí đại diện giữa cổ đông và chủ nợ

Chi phí đại diện cũng có thể phát sinh do các cuộc xung đột giữa chủ nợ và cổ đông. Những xung đột này được giải thích qua các khái niệm về rủi ro đạo đức, rủi ro giữa các bên và các chi phí liên quan đến việc tài trợ cho doanh nghiệp.

Cổ đông được hưởng phần lợi nhuận còn lại của doanh nghiệp sau khi thanh toán nghĩa vụ cho các chủ nợ. Trong khi, chủ nợ nhận được khoản thu nhập cố định trên khoản đầu tư của họ cho dù các doanh nghiệp đạt kết quả tốt hay rơi vào tình trạng buộc phải phá sản. Điều hiển nhiên là khi doanh nghiệp xảy ra các khó khăn dẫn đến kiệt quệ tài chính, các cổ đông và nhà quản lý sẽ có xu hướng lao vào thực hiện các trò chơi nhằm tối đa hóa giá trị lợi ích riêng của mình mà phần thiệt sẽ rơi vào các chủ nợ. Theo xu hướng đó, doanh nghiệp càng vay nhiều nợ thì sự hấp dẫn của các trò chơi sẽ càng lớn. Vì thế, khi các chủ nợ nhận thức được rằng các trò chơi sẽ mang đến nhiều thiệt hại, họ sẽ tìm cách tự lập bức tường phòng chắn bảo vệ mình bằng cách yêu cầu các điều kiện ràng buộc khắc khe hơn, tốn nhiều chi phí hơn cho việc giám sát (Trần Ngọc Thơ và các tác giả, 2007). Hay nói cách khác, các chủ nợ sẽ tăng chi phí nợ để bù đắp cho rủi ro mà họ phải đối mặt. Các nhà quản lý sắc sảo trong những tình huống này sẽ sử dụng vốn chủ sở hữu nhiều hơn vốn nợ trong việc tài trợ các hoạt động của họ cho dù họ sẽ từ bỏ các lợi ích của việc sử dụng vốn nợ (Gatsi và Akoto, 2007).

Là tâm điểm của cuộc tranh luận, tuy nhiên, chủ nợ lại chịu mọi hậu quả nếu đầu tư thất bại, bởi vì các cổ đông được che chắn bởi bức màn của trách nhiệm hữu hạn. Do

đó, họ sẽ phản ánh điều này vào mức lợi tức mà họ yêu cầu để bù đắp lại những tổn thất. Từ các cuộc thảo luận ở trên, có thể kết luận rằng các doanh nghiệp với chi phí đại diện cao hơn do xung đột giữa cổ đông và chủ nợ nên sử dụng mức độ nợ thấp hơn trong cấu trúc vốn của họ để tối đa hóa giá trị của doanh nghiệp (Gatsi và Akoto, 2007).

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) mối quan hệ giữa cấu trúc vốn và hiệu quả hoạt động của các ngân hàng thương mại cổ phần việt nam (Trang 30 - 32)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(107 trang)