hiệu quả kinh tế cao
Theo kết quả điều tra của tác giả, chỉ có 12% số hộ và 25% số TT được hỏi có liên kết với DN, tham gia vào một phần trong chuỗi cung ứng sản phẩm, đó là các hộ trồng rau màu như nấm, cải bắp, hay TT chăn nuôi lợn. Các hộ, TT nhận con
giống, thức ăn và kỹ thuật chăm sóc từ DN, sau đó bán sản phẩm cho DN theo hợp đồng ban đầu, với mô hình này các hộ yên tâm sản xuất mà không phải lo đầu ra cho sản phẩm của mình, đảm bảo luôn có lãi, thậm chí được DN cho nợ vốn đầu vào, sau mỗi kỳ thu hoạch sẽ trừ vào tiền vốn. Hiện trên địa bàn tỉnh Hải Dương có 100 TT chăn nuôi lợn ở các xã: Nam Hồng, Đồng Lạc huyện Nam Sách; xã Cẩm Chế, Thanh An, Thanh Lang, Việt Hồng, Hợp Đức, Thanh Khê huyện Thanh Hà; xã Hồng Phong, Hồng Thái huyện Thanh Miện; xã Bình Xuyên huyện Bình Giang liên kết hợp đồng với Công ty Công ty cổ phần thực phẩm sạch Lebio Việt Nam, với tổng số lợn theo hợp đồng khoảng 18.000 con [58]. Bước đầu công ty bán thức ăn sinh học cho hộ, TT chăn nuôi, cử cán bộ kỹ thuật xuống từng hộ, từng TT hướng dẫn chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật của công ty, toàn bộ số lợn đã ký hợp đồng đươc Công ty thu mua theo giá thị trường tại thời điểm bán lợn đã ký trong hợp đồng và cộng thêm hai giá.
Gia đình chị Nguyễn Thị Ngoan, xã Liên Mạc, huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương hiện tại có 20 lợn nái ngoại, mỗi năm cung cấp từ 100 - 150 con lợn thịt. Cuối tháng 10/2016, đã ký hợp đồng với công ty về tiếp nhận quy trình công nghệ tổ chức chăn nuôi theo chuỗi giá trị, quy trình kỹ thuật chăn nuôi lợn sạch được cán bộ kỹ thuật của công ty tận tình hướng dẫn. Tại thời điểm giá thịt lợn hơi trên thị trường giảm sâu, có nơi bị thương lái ép xuống chỉ còn 17.000 đồng/1kg nhưng công ty Lebio vẫn thu mua 35.000 đồng/kg thịt lợn hơi cho bà con. Với cách làm trên đây, chị hoàn toàn yên tâm đầu tư vào sản xuất.
Nguồn: Tác giả phỏng vấn sâu chủ hộ, nữ, nông dân, xã Quyết Thắng, huyện Thanh Hà
Không chỉ hộ NN, các TT liên kết với DN cũng đạt hiệu quả kinh tế cao và đứng vững ngay cả khi có dịch bệnh giá cả và lên xuống thất thường.
Trang trại nuôi lợn của anh Bùi Huy Hạnh là một trong những TT chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp có quy mô lớn nhất tỉnh Hải Dương đã thành công trong liên kết với DN nước ngoài. Với tổng diện tích 4ha, nuôi 1200 con lợn nái đẻ, và 25.000 lợn con xuất chuồng, 2000 m2 mặt
nước thả cá. Từ khi thành lập TT đã liên kết chặt chẽ với tập đoàn CP của Thái Lan theo hình thức gia công đặt hàng với hợp đồng chặt chẽ. Phía công ty cung cấp lợn nái giống, thức ăn, thuốc phòng bệnh và cử chuyên gia giám sát kỹ thuật, đồng thời bao tiêu sản phẩm đầu ra cho TT. Vì vậy, dù thị trường có bất ổn về giá hay dịch bệnh gia tăng thì TT lợn của anh Hạnh vẫn hoạt động tốt. Năm 2016, 2017 là hai năm ngành chăn nuôi lợn lao đao do thị trường Trung Quốc ngừng thu mua, TT vẫn xuất bán 28.000 - 30.000 lợn con, sau khi trừ đi chi phí anh thu lãi 2,5 - 3 tỷ đồng.
Nguồn: Tác giả thăm quan và phỏng vấn trực tiếp chủ trang trại, nam, nông dân, tại trang trại lợn, thuộc xã Tái Sơn, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương, ngày 12 tháng 12 năm 2017, có hình ảnh kèm theo phụ lục.