Sự liên doanh, liên kết giữa kinh tế tư nhân trong nông nghiệp với các doanh nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ

Một phần của tài liệu Luận án Phan Thị Huê (Trang 65 - 66)

với các doanh nghiệp chế biến và thị trường tiêu thụ

Trong xu thế toàn cầu hóa như hiện nay, với sự cạnh tranh ngày càng gay gắt thì việc liên kết, liên doanh giữa các nhà sản xuất là một yêu cầu khách quan, tất yếu. Để hàng hóa sản xuất ra được tiêu thụ một cách nhanh nhất, với giá thành tốt nhất thì bản thân từng hộ nông dân, từng TT không thể làm được. Đòi hỏi phải có sự liên kết giữa các nông hộ dưới tổ chức HTX, liên kết giữa các hộ nông dân, TT với DN, đặc biệt là DN chế biến thì mới có thể đủ năng lực đưa sản phẩm Việt Nam ra thị trường quốc tế và tăng giá trị cho chuỗi sản xuất NN. Với một lượng nông sản hàng hóa lớn, chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn nội địa hoặc quốc tế; giao hàng đúng lúc, giá thành cạnh tranh, thì chỉ có DN mới làm được. Muốn vậy, đòi hỏi các hộ nông dân phải có được sự thống nhất cao, để thực hiện quy trình sản xuất chung theo từng cánh đồng lớn, từng TT hoặc vùng chăn nuôi gồm nhiều hộ nông dân với quy mô đủ lớn để có sản phẩm chăn nuôi hàng hóa. Quy trình sản xuất, thu hoạch, bảo quản và hoạt động thương mại của nông dân phải được thiết lập trên cơ sở yêu cầu của DN, thị trường cả về khối lượng cung ứng, chất lượng hàng hóa đến mẫu mã… Việc liên kết giữa nông dân với DN sẽ giúp tránh thông qua các khâu trung gian, tạo thị trường ổn định minh bạch và tránh bị ép giá, ép cấp làm thiệt hại cho người sản xuất. Các hợp đồng sản xuất, cung cấp nguyên liệu giữa người sản xuất và DN thực hiện minh bạch, công bằng và tránh sự tranh mua, tranh bán trong phân phối thu nhập cho từng khâu trong chuỗi sản xuất. Trong thực tế, hàng nông sản ở nước ta sản xuất ngày càng nhiều, nhiều mặt hàng có chất lượng cao, được người tiêu dùng ưa chuộng, nhưng vẫn luôn rơi vào thảm cảnh “được mùa rớt giá”. Khiến thu nhập của người nông dân không ổn định, người sản xuất không mấy mặn mà với NN. Một trong những nguyên nhân là do thiếu tính liên kết này.

Như vậy, việc liên kết, sản xuất theo chuỗi giá trị có ý nghĩa vô cùng to lớn, nhất là nước ta đang hội nhập sâu rộng với quốc tế, sản phẩm NN chủ yếu là xuất khẩu. Do đó, từng người dân nhỏ lẻ không thể tự thực hiện được chuỗi sản xuất và tiêu thụ ở thị trường quốc tế. Liên kết chuỗi không chỉ giúp nâng cao giá trị nông sản mà còn đưa nền NN Việt Nam bước sang một giai đoạn mới, phát triển theo chiều hướng hội nhập sâu rộng vào chuỗi nông sản toàn cầu.

Một phần của tài liệu Luận án Phan Thị Huê (Trang 65 - 66)