hưởng đến kinh tế tư nhân trong nông nghiệp
- Thể chế chính sách: Đối với bộ máy hành chính nhà nước, mặc dù có rất nhiều chủ trương được đưa ra nhằm cải cách nền hành chính công theo hướng có lợi cho các chủ thể KT nhằm phục vụ phát triển, nhưng sự thay đổi về chất trong nền hành chính diễn ra còn chậm. Thực tế cho thấy, những cải cách về thể chế chưa thực sự tạo ra động lực cho khu vực KTTN phát triển, nhiều quy định pháp luật còn là trở ngại đối với hoạt động KTTN, những ngành nghề bị cấm kinh doanh, hoặc kinh doanh có điều kiện vẫn còn tồn tại; thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất còn phức tạp.
- Chất lượng nguồn nhân lực: Trình độ văn hóa của nông dân phổ biến mới tốt nghiệp phổ thông, 58,3% là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo, nên hạn chế nhiều đến năng lực tiếp cận khoa học công nghệ và tiến bộ kỹ thuật. Tỷ lệ được đào tạo thấp (13,9%) cả về thể lực và trí lực, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp còn hạn chế [79, tr.24]. Mặc dù các cấp, ngành, các tổ chức chính trị -xã hội thường xuyên mở lớp các lớp tập huấn, đào tạo nghề cho nông dân, nhưng do trình độ văn hóa hạn chế, nhiều lao động bỏ dở khóa đào tạo, không tiếp cận được với nghề. Trong những năm qua công tác giáo dục dù đã được chính quyền tỉnh quan tâm, số lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật có bằng cấp tăng nhưng không đáng kể (19,4% năm 2015); số lao động có trình độ đại học và trên đại học tăng mạnh nhưng lực lượng này chủ yếu làm việc trong khu vực nhà nước; lực lượng chưa qua đào tạo và công nhân kỹ thuật không bằng vẫn chiếm tỷ trọng khá cao (61,6% năm
2015). Đây là một hạn chế lớn của nguồn nhân lực tỉnh nhà, không những không đáp ứng yêu cầu về nhân lực cho nền kinh tế mà còn làm chậm lại quá trình CNH, HĐH. (Xem Phụ lục 2)
So với các tỉnh có điều kiện tương đồng như Hưng Yên, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc thì số lượng lao động đã qua đào tạo đang làm việc trong nền kinh tế của tỉnh Hải Dương có tỷ lệ thấp nhất. Mặc dù xuất phát điểm năm 2008, Hải Dương có tỷ lệ lao động qua đào tạo cao hơn mức trung bình của cả nước, cao hơn cả Hưng Yên và Vĩnh Phúc, sau 8 năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có tăng nhưng không đáng kể. Năm 2016 chỉ đạt 19,1%, thấp hơn mức trung bình của cả nước (20,6%), trong khi Hưng Yên đạt 21,3%, Bắc Ninh đạt 23,4%, cao hơn mức trung bình của cả nước. (Xem phụ lục 3)
- Tâm lý, thói quen của người lao động: đó là tâm lý của người tiểu nông, sản xuất nhỏ, chỉ biết đến lợi ích trước mắt mà quên đi lợi ích lâu dài, chạy theo thị hiếu của người tiêu dùng mà không quan tâm đến chất lượng và an toàn của sản phẩm. Câu chuyện về thực phẩm bẩn có lẽ không còn xa lạ với mỗi người dân, chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại gần đến thế. Một bộ phận nông dân còn dành riêng luống rau, mảnh ruộng cho gia đình để phục vụ tiêu dùng còn phần để bán thì theo một quy trình chăm bón khác. Người ta bón đủ loại kích thích từ bón lá, kích thích ra hoa, đậu quả, tăng trưởng, chín; trong chăn nuôi cũng vậy, hàm lượng kháng sinh, thuốc tăng trọng, chất tạo nạc v.v. cũng được sử dụng bừa bãi không được kiểm soát. Việc lạm dụng phân hóa học, bón dư thừa các yếu tố dinh dưỡng không chỉ gây lãng phí mà còn là nguyên nhân của hiện tượng lúa lốp, cây dễ nhiễm sâu bệnh, dễ bị đổ ngã. Tâm lý và thói quen này cần phải được thay đổi và loại bỏ ngay nếu nông dân muốn hội nhập và nông sản Việt Nam mới có thể cạnh tranh được với hàng nông sản của các nước.