Học thuyết kỳ vọng của Victor Vroom giải thích về việc người lao động muốn gì mà thúc đẩy họ dồn hết nỗ lực để hoàn thành công việc. Đây là học thuyết cho rằng cường độ của xu hướng hành động theo một cách nào đó phụ thuộc vào độ kỳ vọng rằng hành động sẽ đem đến một kết quả nhất định và tính hấp dẫn của kết quả đó đối với cá nhân. Lý thuyết này bao gồm ba biến số sau đây:
+ Tính hấp dẫn: tầm quan trọng mà cá nhân đặt vào kết quả hay phần thưởng tiềm tàng có thể đạt được trong công việc. Biến số này xem xét các nhu cầu không được thỏa mãn của cá nhân
+ Mối liên hệ giữa kết quả và phần thưởng: Mức độ cá nhân tin rằng thực hiện công việc ở một mức độ cụ thể nào đó sẽ dẫn đến việc thu được một kết quả mong muốn
+ Mối liên hệ giữa nỗ lực và kết quả: Khả năng một cá nhân tin rằng thực hiện công việc ở một mức độ cụ thể nào đó sẽ dẫn đến việc thu được kết quả mong muốn.
Lý thuyết này của Victor Vroom có thể được áp dụng trong quản lý nhân viên tại các cơ quan, doanh nghiệp, theo đó các nhà quản lý nên hoạch định các chính sách quản trị nhân lực sao cho các chính sách này phải thể hiện rõ mối quan hệ giữa nỗ lực và thành tích, giữa kết quả và phần thưởng, đồng
thời tạo nên sự hấp dẫn của các kết quả, phần thưởng đối với người lao động. Khi thực hiện được những điều này, động lực lao động của người lao động sẽ được tạo ra.
Lựa chọn học thuyết nghiên cứu cho Luận văn:
Nhân lực trong mỗi Doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng, Doanh nghiệp có tồn tại và phát triển được hay không chính là nhờ vào nhân lực của Doanh nghiệp đó có ổn định và vững mạnh hay không. Và để làm được điều đó thì công tác tạo động lực cho người lao động là vô cùng cần thiết và quan trọng. Vấn đề là trong mỗi Doanh nghiệp, làm thế nào để nhận ra, đánh giá được thực trạng công tác tạo động lực cho người lao động đã đủ và hợp lý chưa, và nếu chưa thì phải làm như thế nào và từ đâu. Đây luôn là nỗi băn khoăn của các nhà quản trị trong mỗi Doanh nghiệp.
Với cách nhìn nhận, đánh giá theo mô hình học thuyết hai yếu tố của Herzberg và học thuyết nhu cầu của Abraham Maslow, cách nhận biết và đánh giá nhu cầu của con người rất dễ hiểu. Với học thuyết hai yếu tố của Herzberg, động lực làm việc của người lao động phân thành hai yếu tố cụ thể rõ ràng. Người lao động trong Doanh nghiệp thỏa mãn hay không thỏa mãn là do hai yếu tố thúc đẩy và duy trì. Đó là các yếu tố về vật chất và phi vật chất. Còn học thuyết Abraham Maslow thì phân chia nhu cầu của con người theo các bậc phân tầng từ thấp đến cao, rõ ràng, dễ hiểu. Từ đó mang áp dụng vào công tác quản trị trong Doanh nghiệp, nhất là công tác tạo động lực cho người lao động vì thế cũng sẽ dễ dàng áp dụng hơn. Với đơn vị là Hội sở chính Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương, tác giả sẽ sử dụng hai học thuyết trên làm phương pháp chính để quan sát, nhận diện, đánh giá và đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện công tác tạo động lực tại đây.