Phân bổ hợp lý nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ chi

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại trường cao đẳng nghề vĩnh phúc (Trang 105 - 107)

Chương 2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

4.2. Một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại trường cao

4.2.4. Phân bổ hợp lý nguồn kinh phí cho các nhiệm vụ chi

Trong thời gian qua, các khoản chi của trường được thực hiện theo dự toán được duyệt, phù hợp với các chế độ, định mức chi tiêu NSNN và quy chế chi tiêu nội bộ của trường. Tuy nhiên, cơ cấu các khoản chi này còn chưa hợp lý, một số khoản chi chưa được quản lý chặt chẽ, vẫn còn tình trạng lãng phí, thất thoát. Do đó, trong thời gian tới cần thực hiện các giải pháp đổi mới cơ cấu chi tiêu, nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực tài chính. Chiếm tỷ trọng rất lớn trong chi hoạt động thường xuyên của Trường CĐN Vĩnh Phúc là chi cho con người (chi thanh toán cho cá nhân). Do đó, nhà trường cần sắp xếp lại tổ chức bộ máy, biên chế và nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ tiền lương, tiết kiệm những khoản chi hành chính, nâng cao tỷ trọng nội dung chi trực tiếp cho giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học và tăng cường cơ sở vật chất cho đào tạo. Các giải pháp cụ thể được đưa ra là:

Thứ nhất, Thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế theo hướng tinh gọn và hoạt động hiệu quả. Trường thực hiện xây dựng chức năng nhiệm vụ từng phòng ban, chủ động thực hiện khoán biên chế và kinh phí quản lý hành chính cho từng phòng ban.

Thứ hai, triệt để thực hiện tiết kiệm các khoản chi về quản lý hành chính như: điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, công tác phí…hạn chế tổ chức các cuộc họp, hội nghị không cần thiết.

Thứ ba, tăng chi cho công tác giảng dạy, học tập.Đây là một trong những yếu tố quan trọng đảm bảo chất lượng đào tạo của nhà trường.

- Chính sách đối với giảng viên:

+ Cần có chính sách ưu đãi xứng đáng, đảm bảo thu nhập tương xứng với sức lao động của giảng viên, đồng thời cần khuyến khích, có chính sách hỗ trợ thích hợp cho việc đào tạo thường xuyên, đào tạo lại đội ngũ cán bộ giảng dạy, khuyến khích nâng cao trình độ và cập nhật thông tin trong nước cũng như quốc tế. Chính sách tiền lương cần phù hợp với trình độ chuyên môn của từng bậc đào tạo chứ không chỉ phụ thuộc vào thời gian làm việc như hiện nay. Dành phần thoả đáng cho đào tạo, bồi dưỡng sau đại học, khắc phục tình trạng thiếu người thay thế cán bộ, giảng viên có trình độ cao sắp nghỉ hưu, xử lý tốt mối quan hệ giữa quy mô, chất lượng và hiệu quả.

+ Nghiên cứu chế độ bồi dưỡng phù hợp cho những người có trách nhiệm hướng dẫn sinh viên thực tập tại cơ sở thông qua cơ chế hợp đồng trách nhiệm giữa các bên; cần có chế độ ưu đãi cho những giảng viên giảng thực hành; có cơ chế khuyến khích giảng viên tham gia giảng dạy ở các phòng học theo phương pháp giảng dạy tích cực.

+ Quy định khối lượng giảng dạy thích hợp đối với cán bộ giảng dạy, đặc biệt là cán bộ trẻ phải có thời gian tự bồi dưỡng, học sau đại học, tham gia nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ, tận dụng có hiệu quả quan hệ quốc tế trong bồi dưỡng đào tạo đội ngũ cán bộ giảng dạy.

+ Hướng dẫn sinh viên tham gia nghiên cứu khoa học với sự trợ giúp của giảng viên, đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong đào tạo, nghiên cứu khoa học.

+ Việc cấp học bổng cho sinh viên có thành tích học tập và rèn luyện tốt, cần tính đến yếu tố sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

+ Đối với chính sách cấp tín dụng cho sinh viên, nhà trường cần phối hợp với Ngân hàng chính sách để tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên. Nhà trường cần thông báo kịp thời về thủ tục vay vốn theo thời hạn quy định, hướng dẫn các thông tin cần thiết để làm hồ sơ vay vốn. Đồng thời, nhà trường cũng cần có các biện pháp quản lý chặt chẽ để tránh sinh viên sử dụng vốn sai mục đích và đảm bảo trả nợ sau khi ra trường.

Ngoài ra, việc phân phối kết quả hoạt động tài chính trong năm để tăng thu nhập cho người lao động phải được thực hiện trên nguyên tắc phân bổ theo mức độ cống hiến của cán bộ, giảng viên đối với trường. Hiện nay, tại trường CĐN Vĩnh Phúc, sự phát triển giữa các ngành nghề đào tạo là không đồng đều, do đó, khối lượng công việc của cán bộ, giảng viên ở các lĩnh vực là không giống nhau. Vì vậy, để khuyến khích cán bộ, giảng viên ở những khoa, ngành đào tạo có khối lượng công việc lớn, cần có chính sách phân phối thu nhập hợp lý, đảm bảo công bằng trong phân phối thu nhập, tạo động lực cho cán bộ, giảng viên tích cực tham gia công tác giảng dạy, học tập và NCKH.

Để thực hiện tốt giải pháp này, trường CĐN Vĩnh Phúc cần xây dựng được một hệ thống các tiêu chí xác định mức độ cống hiến của giảng viên đối với hoạt động đào tạo của trường. Có thể căn cứ vào mức độ thực hiện nhiệm vụ, chất lượng công tác giảng dạy theo đánh giá của học viên,…để từ đó xác định mức thu nhập tăng thêm hằng quý được hưởng đối với cán bộ giảng viên.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại trường cao đẳng nghề vĩnh phúc (Trang 105 - 107)