Đổi mới phương pháp lập kế hoạch tài chính

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại trường cao đẳng nghề vĩnh phúc (Trang 98 - 99)

Chương 2 PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

4.2. Một số giải pháp hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại trường cao

4.2.1. Đổi mới phương pháp lập kế hoạch tài chính

Hiện nay, Trường CĐN Vĩnh Phúc áp dụng phương pháp lập dự toán ngân sách dựa trên cơ sở số liệu quá khứ. Đây là phương pháp truyền thống được áp dụng ở các đơn vị sự nghiệp có thu. Theo phương pháp này, dự toán năm sau sẽ được lập trên cơ sở số thực hiện của các nhiệm vụ năm trước và thực hiện điều chỉnh theo sự biến động của tỷ lệ lạm phát và tốc độ tăng trưởng. Lập dự toán theo phương pháp quá khứ phù hợp với các đơn vị có các nhiệm vụ ổn định, không có sự thay đổi qua các năm. Tuy nhiên, là một đơn vị sự nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo, trong điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, hội nhập quốc tế và khu vực ngày càng sâu rộng thì các nhiệm vụ của trường sẽ ngày càng thay đổi. Chính vì thế, lập dự toán theo phương pháp quá khứ sẽ không bao quát hết được các nhiệm vụ chi cần thực hiện trong

năm kế hoạch. Điều này sẽ gây khó khăn cho đơn vị khi đưa dự toán vào triển khai thực hiện.

Trong thời gian tới, trường CĐN Vĩnh Phúc, cụ thể là Phòng Tài chính Kế toán của trường, có thể nghiên cứu, sử dụng phương pháp lập dự toán cấp không (phương pháp zero). Đây là phương pháp xác định các chỉ tiêu trong dự toán dựa vào nhiệm vụ, mục tiêu hoạt động trong năm kế hoạch, phù hợp với điều kiện cụ thể của đơn vị chứ không dựa vào kết quả hoạt động của năm trước. Lập dự toán theo phương pháp này, đơn vị phải xác định được chính xác các nhiệm vụ của năm kế hoạch, tính toán được nhu cầu kinh phí để thực hiện từng nhiệm vụ sau đó tổng hợp kinh phí thực hiện nhiệm vụ của năm kế hoạch. Khi sử dụng phương pháp này, đơn vị sẽ đánh giá được hiệu quả chi phí của từng loại hoạt động trong đơn vị, tránh được tình trạng mất cân đối giữa khối lượng công việc và chi phí thực hiện như hiện nay. Từ đó, có thể lựa chọn được cách thức phân bổ nguồn lực tối ưu nhất để đạt được mục tiêu đề ra.

Tuy nhiên, để có thể vận dụng được phương pháp này trong thực tiễn quản lý tài chính tại trường CĐN Vĩnh Phúc đòi hỏi nhà trường phải có đội ngũ cán bộ quản lý tài chính có trình độ cao. Có như vậy mới có đủ khả năng phân tích, xác định đầy đủ các nhiệm vụ cần thực hiện năm kế hoạch, đánh giá, so sánh giữa nhiệm vụ và điều kiện cụ thể của đơn vị để có phương án phân bổ nguồn kinh phí hợp lý.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) hoàn thiện công tác quản lý tài chính tại trường cao đẳng nghề vĩnh phúc (Trang 98 - 99)