K hi các bạn không ở gần nhau, bạn cần thứ thay thế cho những cử chỉ thân mật. Vậy làm thế nào để tạo nên sự gần gũi khi hai bạn đang cách xa nhau hàng ngàn dặm?
Bạn cần phải làm gì để khiến cho người đang nói chuyện với bạn qua điện thoại cảm nhận được tình cảm của bạn khi bạn không thể vỗ nhẹ vào lưng hay ôm họ?
Câu trả lời rất đơn giản. Hãy sử dụng tên của người gọi điện nhiều hơn so với khi bạn nói chuyện trực tiếp với họ. Nhắc lại nhiều lần tên anh hay cô ấy trong cuộc nói chuyện. Việc nghe thấy tên mình giống như nhận được một sự quan tâm.
“Cảm ơn Sam.”
“Cậu làm được mà Betty.”
“Trò chuyện với em rất tuyệt vời, Kathi ạ.”
Nhắc lại tên một người nào đó quá nhiều trong cuộc trò chuyện nghe có vẻ buồn cười. Tuy nhiên, hiệu ứng đó lại trái ngược hoàn toàn khi nói chuyện qua điện thoại. Nếu bạn nghe ai đó gọi tên mình, dù đang chen chúc giữa một đám đông ồn ào, bạn cũng sẽ ngẩng đầu lên và lắng nghe. Tương tự như vậy, khi người bên kia đầu dây nghe thấy tên mình qua ống nghe, nó khiến họ phải tập trung và lấy lại sự thân mật đã mất đi vì khoảng cách. Nếu cô ấy chuẩn bị mở hòm thư, cô ấy sẽ dừng lại. Nếu anh ấy chuẩn bị xỉa răng, anh ấy sẽ vứt tăm đi. Tóm lại, nếu người nghe mất tập trung, thủ thuật này sẽ khiến anh ta chăm chú hơn.
Thủ thuật #61: Liên tục nhắc lại tên
Mọi người thường ngẩng đầu lên khi nghe thấy ai đó gọi tên mình. Hãy gọi tên của người đang nói chuyện với mình trên điện thoại nhiều hơn so với khi nói chuyện trực tiếp nhằm duy trì sự tập trung của họ. Gọi tên của người nói chuyện để bù lại thiếu hụt sự giao tiếp mắt, sự âu yếm mà bạn có thể sử dụng khi nói chuyện trực tiếp. Lặp lại tên của một ai đó nhiều lần khi đang đối diện với người ta
dường như kệch cỡm nhưng vì khi nói chuyện qua điện thoại, giữa hai bạn có một khoảng cách địa lý ‒ đôi khi khoảng cách đó là cả một châu lục ‒ thì bạn có thể nhắc lại nhiều lần tên của người ấy trong cuộc trò chuyện.