Ngay ngày hôm sau, cửa hàng L.L. Bean không chỉ chuyển đến chiếc quần thay thế mà còn kèm theo một bức thư xin lỗi viết tay và một phiếu mua hàng miễn phí có giá trị. Liệu tôi có tiếp tục mua hàng của cửa hàng này hay không? Chắc chắn là có. Liệu tôi có tiếp tục giới thiệu quần áo của cửa hàng này cho người khác không? Chắc chắn là có. Những nhân viên chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp luôn sẵn sàng nhận những sai sót vì họ biết rằng nó tạo cơ hội để cửa hàng của họ đánh bóng lại tên tuổi. Bất cứ khi nào bạn gây ra lỗi lầm và một ai đó gặp phải rắc rối do lỗi lầm đó, phải bảo đảm rằng bạn khiến họ cảm thấy thoải mái. Tôi gọi thủ thuật nhỏ này là “Sai lầm của tôi, lợi ích của bạn.”
Một lần, khi đi thăm văn phòng của một khách hàng quan trọng, tôi vấp chân vào chiếc thảm trải sàn, ngã sấp mặt và quờ tay vào chiếc bình trên bàn cô ấy. Chiếc bình vỡ tan tành. Sau khi dùng hết hai lọ keo dán, chiếc bình lại được đặt lên bàn của cô, trông nó cũng tạm ổn. Tuy nhiên, ngay ngày hôm sau, tôi nhờ người chuyển cho cô một chiếc bình rất đẹp, còn đắt gấp mười lần chiếc bình nguyên vẹn trước với một tá hoa hồng cắm trong đó.
Mỗi lần nói chuyện, khách hàng của tôi đều nói rằng mỗi khi nhìn vào chiếc bình mới, cô ấy đều mỉm cười. Có thể lần sau khi tôi đến thăm văn phòng của cô ấy, khách hàng của tôi sẽ cất những món đồ giá trị dễ vỡ đi. Nhưng nhờ vào phương pháp “Lỗi lầm của tôi, lợi ích của bạn”, mà tôi có cơ hội tiếp theo.
Bây giờ, giả sử đó không phải là lỗi lầm ngu ngốc của bạn mà là của người khác. Làm thế nào để biến lỗi lầm của người khác trở thành lợi ích của bạn? Hãy đọc phần tiếp theo.
Bất cứ khi nào bạn mắc phải một lỗi ngớ ngẩn, hãy làm cho nạn nhân của lỗi lầm đó được lợi. Điều đó vẫn chưa đủ để sửa chữa sơ suất của bạn. Hãy tự hỏi “Mình có thể làm gì để bù đắp cho người đang chịu đựng kia để anh ấy/cô ấy cảm thấy vui vì mình đã gây ra lỗi lầm đó?” Sau đó nhanh chóng làm điều mà bạn cho là thoả đáng. Bằng cách đó, lỗi lầm của bạn sẽ trở thành lợi ích cho chính bản thân bạn.