2.2.1. Thực tiễn về phát triển nông nghiệp ven đô trên thế giới
Châu Á là nơi có hệ thống canh tác nông nghiệp lớn và hiện đại trên thế giới. Các nông trại ở khu vực đô thị châu Á cung cấp rau xanh, gia cầm, nấm, cá, tảo biển, hoa quả, rau thơm, thuốc chữa bệnh, gỗ để sản xuất đồ gia dụng. Các nước châu Á có xu thế đô thị hóa mạnh, phát triển nông nghiệp đô thị và ven đô trên cơ sở sử dụng các nguồn tài nguyên hiện có và tái sử dụng cho mục đích canh tác nông nghiệp. Nông nghiệp đô thị được nhìn nhận như điều tất yếu ở hầu hết các quốc gia châu Á và cũng được coi là một trong những chức năng cơ bản của đô thị. - Thái Lan: Mô hình phát triển nông nghiệp ở Bangkok là kiểu phát triển của đô thị với tốc độ cung cấp sản phẩm cho nội thành bị đẩy ra các vùng xa hơn trong đồng bằng. Hơn nữa, đô thị hóa nhanh cũng kéo theo nạn ô nhiễm nặng làm cho nông nghiệp khó có thể tồn tại được ở gần ngoại ô. Với sự phát triển khá nhanh của kết cấu hạ tầng, đặc biệt là giao thông đường bộ đã cho phép sản xuất rau phát triển tại một số vùng thuận lợi cách thành phố từ 40-100km để cung cấp cho thành phố. Kỹ thuật sản xuất rau quả trên liếp của nông dân vùng ngoại ô được phát triển mạnh cách thành phố khoảng 40 km. Tại vùng vành đai ngoài cách khoảng 100km, nông dân phát triển kiểu nông nghiệp hợp đồng với các công ty chế biến nông sản của Bangkok và phát triển kiểu nông hộ đa hoạt động. (Mollard, 1997; Srijantr, 1998).
- Hàn Quốc: Trong quá trình công nghiệp hóa, nông thôn Hàn Quốc phát triển theo hướng đô thị hóa. Các công trình thủy lợi được xây dựng, đồng ruộng được cải tạo, mương máng tưới tiêu nước được bê tông hóa. Sản xuất nông nghiệp được thực hiện trong nhà kính với thiết bị điện tử tự động hóa. Mô hình trồng hoa cẩm chướng và cà chua với quy mô 1,2 ha cạnh nhà máy luyện thép Kwangyang, thành phố Pohang, lắp đặt hệ thống máy vi tính và thiết bị tự động điều khiển trị giá 1,5 tỉ won (1,8 triệu USD). Hàng năm, sản phẩm của mô hình đã xuất sang Nhật Bản đạt lợi nhuận tới 300-400 triệu won/ năm.
- Nhật Bản: Là một trường hợp khá độc đáo khi nói đến NNVĐ. Mặc dù là một quốc gia CNH cao nhưng NNVĐ vẫn được ưu tiên phát triển. Theo số liệu năm 2010 từ Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản Nhật Bản (MAFF), lĩnh vực sản xuất NNVĐ mang lại giá trị kinh tế cao gấp nhiều lần so với nông thôn. Về doanh thu lợi nhuận trên mỗi nông dân, NNVĐ cao gấp hai lần so với nông
nghiệp nông thôn. Ngay cả ở Tokyo, một trong những thành phố lớn nhất và đông đúc nhất trên thế giới, với các mạng lưới phức tạp của đường sắt, đường giao thông, các tòa nhà và dây điện; NNVĐ vẫn sản xuất đủ rau để cung cấp cho gần 700.000 cư dân thành phố.
-Trung Quốc: Tại hai thành phố lớn nhất Trung Quốc, nông nghiệp ven đô đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp nguồn lương thực sạch cho những người dân. Trong năm 2010, tỷ lệ rau cung cấp cho thành phố Bắc Kinh là 55% và Thượng Hải là 50%. Do khoảng cách vận chuyển ngắn cũng làm giảm chi phí sản xuất lương thực. Giá rau được vận chuyển đến Bắc Kinh từ khu vực phía Nam Trung Quốc rất cao do giá dầu cao. Đồng thời, giảm vận chuyển sẽ làm giảm phát thải CO2. Khi có thảm họa, việc tự cung cấp lương thực sạch rất quan trọng. Những không gian mở ở đô thị như đất nông nghiệp có thể được sử dụng làm nơi cấp cứu như điểm định cư tạm thời. Mỗi năm, có khoảng 3,6 triệu người dân di cư ở Bắc Kinh. Trong số những người dân này, hơn 600.000 (khoảng 17%) người được tham gia vào các hoạt động liên quan đến NNVĐ. Các công việc này đã thu hút nhiều những dân di cư, họ là những nông dân có kinh nghiệm và bằng việc sử dụng các kĩ thuật tiên tiến như nhà kính, họ có thể kiếm nhiều tiền hơn, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình của họ ở nông thôn.
Tấm gương mà cả thế giới khen ngợi là vành đai nông nghiệp của thành phố Thâm Quyến Trung Quốc. Thâm Quyến là thành phố phát triển rất nhanh, cần nhiều thực phẩm. Do đó, thành phố đã đầu tư cho vùng nông nghiệp cách xa đô thị chừng hơn chục cây số. Tại đây họ tổ chức sản xuất những thứ mà thành phố tiêu thụ. Vành đai 1 gần trung tâm hơn, tập trung sản xuất rau xanh, còn vành đai 2 sản xuất rau củ như khoai tây, cà rốt, hành. Do áp dụng công nghệ cao, tổ chức sản xuất tốt nên thu nhập của nông dân cũng cao không thua kém dân đô thị.
- Tây Âu: Hiện nay tồn tại một số mô hình nông nghiệp ven đô hiệu quả cao và bền vững dưới đây:
Nông nghiệp sinh thái ven đô: Rất được ưa chuộng ở các nước này, lúc đầu chỉ xây dựng ở ven các thành phố, sau đó mở rộng ra cả nông thôn. Đó là nền nông nghiệp tôn trọng các quy luật của tự nhiên, coi trọng vấn đề bảo vệ nguồn lợi sẵn có và chất lượng sản phẩm.
Lưu vực cung ứng sản phẩm: Là việc khoanh vùng để phát triển những sản phẩm mà vùng đó có ưu thế cung cấp cho thị trường lớn ở thành phố. Việc
khoanh vùng đó không chỉ cho phép khai thác được tiềm năng của vùng mà còn thuận tiện cho việc quản lý chất lượng sản phẩm.
Quản lý chất lượng ngành hàng: Ở Hà Lan để khắc phục khó khăn trong việc quản lý chất lượng rau xanh cung cấp cho các thành phố, người ta kiểm tra chất lượng sản phẩm một cách chặt chẽ tại nơi tiêu thụ. Xây dựng các mạng lưới chợ rau xanh ở thành phố để quản lý chất lượng sản phẩm,bảo vệ người tiêu dùng. Điều này đã tác động tích cực đến sản xuất, buộc các nhà sản xuất phải cải tiến quy trình sản xuất để có thể tuân thủ các quy định chất lượng thị trường nếu như họ muốn tiêu thụ được sản phẩm.
Ở Lon don (Anh), diện tích tổng thể của London (Greater London) vào khoảng 157.800 hecta, tỷ lệ không gian xanh 60%. Cư dân 12 triệu người sống và làm việc ở London, và 10 triệu du khách mỗi năm. Người dân London tiêu thụ 2.400.000 tấn thực phẩm mỗi năm và thải ra 883.000 tấn chất thải hữu cơ. Tỷ lệ diện tích đất có thể canh tác được của London rất lớn. Một số dưới dạng nông trại thương mại, một số là đất công (ví dụ: Nông trại của quận, đất phân chia cho hộ gia đình, vườn trường học, công viên…), trong khi một bộ phận khác lại được sử dụng như là nông trại đô thị, vườn hoa hoặc vườn cây trái của cộng đồng. Tỷ lệ đất dành cho sản xuất thực phẩm đang giảm dần vì chuyển qua đất thổ cư và các lý do khác. Tuy nhiên, khoảng một nửa hộ gia đình London có vườn và việc làm vườn rất phổ biến và ngày càng tăng. Kể cả ở những diện tích đất trồng cây cảnh, xu hướng trồng những loại cây có sản phẩm ăn được cũng thể hiện rõ.
2.2.2. Thực tiễn về phát triển nông nghiệp ven đô tại Việt Nam
Hiện nay, quá trình đô thị hóa ở Việt Nam đang diễn ra rất nhanh, diện tích đất NNVĐ đang bị thu hẹp dần do sự cạnh tranh sử dụng đất để xây nhà hay nhiều mục đích khác, nhưng nhu cầu cung cấp lương thực, thực phẩm ngày càng tăng với số lượng lớn. Trong bối cảnh quá trình ĐTH đang diễn ra hết sức nhanh và mạnh, thì việc quan tâm phát triển NNVĐ được xem như một hướng đi tối ưu và có tính khả thi cao giúp giải quyết nhu cầu lương thực, thực phẩm chất lượng cao.
Ở nước ta, NNVĐ tuy chưa định hình và chưa có định hướng phát triển cụ thể, nhưng nó vẫn diễn ra nhanh chóng ở các đô thị. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Biên Hòa, Tp.HCM, Cần Thơ, Bà Rịa Vũng Tàu, v.v… đều đã phát triển loại hình NNVĐ và tự phát theo điều kiện tự
nhiên, KT - XH đặc thù riêng. Đà Lạt đang phát triển NNVĐ tập trung vào hoa, cây cảnh, rau cận nhiệt đới và nhiệt đới, v.v... Các loại cây cảnh và hoa thì TP.HCM nhập từ các tỉnh Bến Tre, Đồng Tháp về tu sửa, chăm sóc cung cấp cho nhu cầu người dân thành phố.
Theo các chuyên gia, trình độ sản xuất của NNVĐ tại Việt Nam còn lạc hậu, manh mún, chủ yếu canh tác theo tập quán. Do chưa có định hướng cụ thể cho phát triển NNVĐ từng thành phố và vùng ven nên chưa có sự liên kết trong xây dựng và phát triển những đặc thù riêng. Từ trước đến nay các thành phố lớn chỉ xem phát triển đô thị là phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phục vụ nông nghiệp, thương mại, xem hoạt động nông nghiệp là thứ yếu.Vì thế cả một thời gian dài các đô thị tại Việt Nam chưa có quy hoạch về phát triển NNVĐ.
-Thành phố Hồ Chí Minh: Có một xu thế đang diễn ra rất mạnh hiện nay là nhiều gia đình ở thành phố Hồ Chí Minh cũng bắt đầu trồng rau để phục vụ bữa ăn gia đình . Để có rau sạch, nhiều hộ đã trồng rau vào chậu cảnh, hộp xốp, thậm chí cải tạo cả tầng thượng thành một vườn rau, tận dụng mọi góc ngõ để các chậu rau, một số hộ bắt đầu trồng rau theo phương pháp thủy canh trên ban công và sân thượng. Các loại rau được trồng đa phần đều dễ chăm sóc như rau muống, rau lang, cải cúc kèm với rau ăn sống như xà lách, rau diếp, rau má, tía tô, mùi tàu, v.v…
Tại một số khu công nghiệp, nhiều hộ công nhân đã rời bỏ căn hộ chung cư nhiều tầng để tạo lập nhà ở có vườn tr ồng rau và chăn nuôi nhằm bổ sung thực phẩm cho bữa ăn gia đình. Ngành thủy sản vẫn phát triển, nhiều hồ, nhiều ngư dân còn kiếm sống trên các đoạn sông chảy qua thành phố.
-Bình Dương: Là một trong những tỉnh có tốc độ ĐTH cao nhất nước. Chính vì thế, NNVĐ sớm được tỉnh quan tâm, giá trị sản xuất nông nghiệp vẫn liên tục tăng cao. Có thể lấy thành phố Thủ Dầu Một làm ví dụ điển hình cho những bước phát triển mạnh mẽ của NNVĐ. Do quá trình ĐTH, diện tích đất nông nghiệp của thành phố chỉ còn khoảng 2.655 ha, chiếm 22% diện tích đất tự nhiên và chỉ còn 4.118 lao động phục vụ cho nông nghiệp. Tuy nhiên, giá trị nông - lâm - thủy sản của thành phố đạt 50,6 tỷ đồng, giá trị sản lượng bình quân trên 1 ha canh tác/năm đạt đến 69,4 triệu đồng . Đây là nỗ lực chuyển dịch từ cây có giá trị kinh tế thấp (như cây lúa, mía, vườn tạp) chuyển sang cây có giá trị
kinh tế cao phù hợp với sản xuất NNVĐ như trồng rau màu, hoa lan, cây cảnh, vườn cây ăn quả, v.v... Các hộ dân chăn nuôi nhỏ lẻ cũng đã chuyển sang chăn nuôi tập trung với mô hình lớn hơn ở hộ gia đình và trang trại (phát triển theo hướng công nghiệp, bán công nghiệp).
-Đà Nẵng: Là một trong những địa phương có những mô hình NNVĐ khá độc đáo. Mấy năm gần đây, nhất là khi chỉ thị của Ủy ban Nhân dân Thành phố Đà Nẵng về cấm nuôi gia súc, gia cầm ở khu vực nội thị có hiệu lực, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng - vật nuôi diễn ra khá sôi động.
Thành quả đáng kể nhất là nghề làm sinh vật cảnh, trồng rau mầm, nấm ăn phát triển nhanh, nông dân không chỉ tạo ra sản phẩm có giá trị mà còn có cơ hội làm giàu. Cũng từ đây, hàng trăm nông dân tiếp cận với nghề trồng hoa, cây cảnh. Trung tâm Khuyến ngư - nông - lâm Đà Nẵng cùng Phòng Kinh tế Quận Hải Châu đã mở hàng chục lớp tập huấn kĩ thuật cho nông dân. Nhờ vậy, mô hình trồng hoa cây cảnh ở Đà Nẵng phát triển rất nhanh. Hiện quận, huyện nào cũng có Hội Sinh vật cảnh và khu trưng bày sản phẩm. Có hộ trồng tới 10.000 chậu cúc/vụ, hơn 5.000 gốc mai cảnh, thu nhập 300 - 400 triệu đồng/năm. Trên địa bàn thành phố có khoảng 300 hộ hoạt động trong lĩnh vực này, tạo ra lượng của cải trị giá 30 - 40 tỷ đồng/năm.
Ngoài nghề trồng hoa, cây cảnh, việc sản xuất rau xanh phục vụ cho Thành phố cũng được ưu tiên phát triển và mang lại hiệu quả cao.
-Tại Đà Lạt (Lâm Đồng): Không chỉ mang lại lợi ích xã hội, NNVĐ còn mang lại lợi ích kinh tế khá lớn. Ở vị trí cửa ngõ thành phố Đà Lạt, xã Hiệp An có lợi thế về giao thông thuỷ lợi, đất đai phì nhiêu, v.v… Thực hiện chủ trương phát triển nông nghiệp công nghệ cao, từ năm 2004, xã Hiệp An được tỉnh đầu tư xây dựng các mô hình thí điểm trồng rau, hoa trong nhà kính, nhà lưới. Hàng trăm hécta đất trồng lúa của xã trước đây đã được chuyển sang trồng rau, hoa. Có những hộ chuyên trồng các loại hoa cao cấp như layơn, hồng, đồng tiền, địa lan, v.v… thu nhập mỗi năm vài trăm triệu đồng. Trước đây, chủ yếu trồng rau để bán cho thị trường nội địa, nhưng nay đã có rau thương phẩm chất lượng cao phục vụ xuất khẩu.
2.2.3. Một số nghiên cứu có liên quan
Ở Việt Nam, có rất nhiều tổ chức quốc tế đã và đang tham gia vào nghiên cứu phát triển nông nghiệp ven đô bền vững và hiệu quả dưới nhiều hình thức khác nhau, tuy nhiên còn ít nghiên cứu về lý luận.
Các nhà khoa học trong nước cũng rất quan tâm đến các thuật ngữ nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp bền vững và nông nghiệp đô thị vì các thuật ngữ này còn khá mới mẻ và còn nhiều tranh luận ở Việt nam. Đã có những nghiên cứu khá công phu nhằm làm rõ các khái niệm này. Có thể kể ra một số nghiên cứu như “Nông nghiệp sinh thái hay nông nghiệp bền vững” của Đào Thế Tuấn đăng trong tạp chí “Phát triển nông thôn”, số 37 tháng 3, 4 năm 2003; “Nghiên cứu khái niệm, nội dung nông nghiệp đô thị” cũng của tác giả Đào Thế Tuấn, thực hiện năm 2003; “Nghiên cứu khái niệm về nông nghiệp đô thị-sinh thái và hiện đại hoá nông thôn” của Nguyễn Trung Quế, thực hiện năm 2003. Các định nghĩa riêng về nông nghiệp đô thị hiệu quả cao về bền vững chưa có trong các nghiên cứu trong nước.
Nghiên cứu về nông nghiệp ven đô của Viện khoa học nông nghiệp Việt Nam (2002) đã cho thấy kết quả:
- Về phân bố không gian, đối với những thành phố lớn như TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, những nghiên cứu chỉ ra rằng nông nghiệp hiện nay phát triển phù hợp với những quy luật phát triển do R. Sinclair (1967), CR. Bryant (1973), hay Boal (1970) đề xuất. Có nghĩa là quá trình đô thị hoá thường diễn ra nhanh ở xung quanh các thành phố và nhanh hơn nhiều so với sự tăng về chi phí vận chuyển. Điều đó làm cho nông dân quanh thành phố giảm đầu tư của họ trong sản xuất nông nghiệp. Kết quả là có sự đảo ngược về lợi nhuận trong sản xuất nông nghiệp và nó hình thành nên các vành đai lợi nhuận khác nhau kể từ trong thành phố ra ngoài. Có thể chia ra 3 vành đai chính của nông nghiệp thành phố:
• Vành đai thứ nhất của thành phố có bán kính nhỏ hơn 15 km kể từ trung tâm trở ra (có thể lớn hơn dọc theo các trục giao thông lớn), lợi nhuận nông nghiệp/đơn vị diện tích thấp do quy hoạch đất chưa ổn định, nông dân không muốn đầu tư vào sản xuất mà trông vào sự gia tăng giá đất nhờ chuyển mục đích sử dụng (sang đất ở hay công nghiệp…), giá trị địa tô cao và sự cạnh tranh lao động giữa phi nông nghiệp và nông nghiệp hạn chế nhiều khả năng thâm canh của các hoạt động sản xuất ở đây.