Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn
2.1. Cơ sở lý luận của đề tài
2.1.4. Những yếu tố ảnh hưởng đến quản lý môi trường nông thôn mới
Quản lý môi trường trong quá trình phát triển kinh tế nông thôn ngày càng được đặt ra. Thực tế trong những năm qua chúng ta tập trung nhiều vào mục tiêu phát triển kinh tế, việc thu hút các cơ sở sản xuất vào khu vực nông thôn đã giúp cho hàng vạn lao động nông thôn có việc làm ổn định với mức thu nhập khá; làm tăng giá trị tổng sản phẩm hàng hoá cho nền kinh tế; đa dạng hoá kinh tế nông thôn và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Các kết quả đó là bằng chứng cho một hướng đi đúng góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế khu vực nông thôn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì tình trạng ô nhiễm môi trường đã trở lên bức xúc, đòi hỏi cần phải thực hiện việc quản lý. Trong quản lý môi trường ở nông thôn hiện nay phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, trong đó có 4 nhóm lớn.
Một là, thể chế, chính sách: Dù đã có sự quan tâm từ các cấp chính quyền địa phương trong việc quản lý và cải thiện môi trường nhưng chưa có hiệu quả.
Các dự án bảo vệ môi trường những năm gần đây thường là những giải pháp tình thế. Việc tuyên truyền vận động người dân trong việc BVMT không thường xuyên, còn mang nặng tính hình thức, phong trào, công tác quản lý ô nhiễm không được chú trọng, quy hoạch thiếu đồng bộ… là những nguyên nhân làm cho tình trạng ô nhiễm môi trường.
Hai là, sự tham gia của người dân trong công tác quản lý môi trường: Nhận thức của người dân về công tác quản lý môi trường còn hạn chế, ý thực bảo vệ môi trường chung còn yếu. Phần lớn người dân nhận thức việc quản lý môi trường chung là trách nhiệm của nhà nước, của chính quyền. Tình trạng chất thải xả bừa bãi ở khu vực nông thôn trước hết là do người dân và các chủ cơ sở sản xuất còn thiếu ý thức bảo vệ môi trường. Nhiều người có tâm lý "sạch riêng, bẩn chung”, cứ xả chất thải xa chỗ ở và cơ sở sản xuất là được mà không cần quan tâm đến vệ sinh chung của cộng đồng. Mặt khác, hầu hết các hộ dân đều chưa tự phân loại và xử lý rác ngay tại gia đình, để lẫn lộn rác hữu cơ và vô cơ rồi đổ ra bãi. Thêm vào đó, thực trạng chạy theo lợi nhuận đã khiến các cơ sở sản xuất kinh doanh không mấy quan tâm đến trách nhiệm bảo vệ môi trường, tuy nhiên chính quyền không có các biện pháp xử lý thỏa đáng gây mất lòng tin của người dân. Mặt khác, các tổ chức cộng động không được trang bị các quyền cần thiết để quản lý môi trường sống của họ.
Ba là, nguồn lực cho bảo vệ môi trường
- Vốn đầu tư, do quá trình khai thác, vận chuyển nguyên liệu, các nghề tiểu thủ công nghiệp lại sử dụng những công cụ lao động thô sơ, kỹ thuật lao động và công nghệ sản xuất thì lạc hậu nên việc ô nhiễm môi trường là không thể tránh khỏi. Việc sản xuất không đi đôi với việc bảo vệ môi trường, các chất thải độc hại được thải ra từ những dây truyền sản xuất lạc hậu không được xử lý ngay trong quá trình sản xuất đã làm gia tăng thêm mật độ ô nhiễm. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn còn hạn chế, các cơ sở thu gom, xử lý rác thải, chất thải chưa được coi trọng. Cơ chế đãi ngộ cho cán bộ môi trường còn thấp so với khối lượng và tính chất công việc mà họ đảm nhiệm, nhiều địa phương không thành lập được tổ vệ sinh vì thiếu kinh phí hoạt động nên rác cứ đổ đống, không có ai dọn dẹp cũng đang gây nên tình trạng ô nhiêm môi trường nông thôn.
- Quy hoạch đất đai: Quy hoạch sử dụng đất (QHSDĐ) trước hết được hiểu là việc tổ chức, sắp xếp các đối tượng không gian phù hợp với chức năng và mục tiêu sử dụng trong một thời gian xác định. Như vậy, khi nói đến quy hoạch
(QH) có nghĩa là phải trả lời được những câu hỏi sau: "Làm gì ?", "ở đâu?", "Làm như thế nào?" và "Trong thời gian bao lâu?".Khi tiến hành lập quy hoạch môi trường (QHMT) cho một vùng, trước tiên phải trả lời những câu hỏi nêu trên. Tuy nhiên, QHMT là một dạng quy hoạch đặc biệt có nhiệm vụ điều hoà mối quan hệ kinh tế - xã hội - môi trường hướng tới mục tiêu phát triển bền vững. Để thực hiện được nhiệm vụ này, người làm QH phải xem xét, đánh giá tác động bất lợi tới môi trường của việc sử dụng từng đơn vị đất đai, từ đó đề xuất những giải pháp phù hợp nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu các tác động bất lợi đó.
Hiện nay các khu vực sản xuất ở liền và xen kẽ với khu dân cư, việc quy hoạch không có, hạ tầng cơ sở đã hư hỏng hoặc có làm mới nhưng lại chắp vá và không có quy hoạch để đảm bảo vệ sinh môi trường. Hàng ngày ô nhiễm từ khâu sản xuất đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân. Người lao động ở trong các cơ sở sản xuất hầu như phải hứng chịu trọn vẹn những loại ô nhiễm do việc nhà ở của mình cũng là công xưởng sản xuất, hoặc cơ sở sản xuất qua gần, cuối hướng gió với các hộ gia đình. Việc không có quy hoạch và hạ tầng cơ sở xuống cấp càng làm cho ô nhiễm môi trường trở lên trầm trọng do không xử lý được chất thải từ các khu sản xuất và sinh hoạt của người dân, các chất thải bị lắng đọng không có chỗ thoát đã làm cho môi trường nước và môi trường đất vốn đã bị ô nhiễm lại càng ô nhiễm hơn.
Những nhân tố trên đây lý giải phần nào về tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn trong những năm qua ngày càng gia tăng và trầm trọng. Tình trạng ô nhiễm này ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển bền vững. Bên cạnh các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp ở khu vực nông thôn hiện nay còn thiếu vốn đầu tư, khoa học kỹ thuật trong việc xử lý các chất thải cũng gây nên tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một lan rộng từ môi trường không khí, môi trường nước đến môi trường đất. Đối với các làng nghề thì hầu như chưa có hệ thống xử lý nước và chất thải. Nhiều trang trại, hộ chăn nuôi hay doanh nghiệp có hầm khí bi-ô-ga và bể xử lý nhưng lượng nước thải lớn nên chưa bảo đảm giải quyết triệt để. Các chất thải ngày ngày được tích tụ trong không khí, trong nước và trong đất không được xứ lý là những hiểm hoạ mà đời sau phải gánh chịu.