Phần 4 Kết quả nghiên cứu và thảo luận
4.1. Thực trạng công tác quản lý chi bảo hiểm xã hội tại huyện Bình Giang, tỉnh
4.1.4. Các vấn đề cần tăng cường quản lý chi bảo hiểm xã hội tại huyện Bình
Giang, tỉnh Hải Dương
Quản lý chi BHXH là một công tác hết sức quan trọng, quản lý tốt hay không tốt nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người hưởng, việc chi tiêu ngân sách nhà nước, việc sử dụng và quản lý quỹ BHXH cũng như tình hình ổn định kinh tế chính trị tại địa phương. Thực trạng công tác quản lý chi BHXH tại huyện Bình Giang cho thấy còn nhiều hạn chế cần phải tăng cường.
4.1.4.1. Tăng cường quản lý người hưởng
Theo báo cáo thực hiện nhiệm vụ công tác hằng năm (2013, 2014, 2015, 2016), Bảo hiểm xã hội huyện Bình Giang hiện đang quản lý và chi trả cho trên 3.500 người hưởng chế độ hằng tháng, hơn 600 người hưởng BHXH một lần, trên 3.000 lượt người hưởng chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK. Nếu không được quản lý chặt chẽ, sát sao thì hiện tượng người hưởng chế độ BHXH hằng tháng đã chết nhưng không báo giảm kịp thời, người lao động vẫn đi làm hưởng lương nhưng vẫn đề nghị hưởng các chế độ ngắn hạn… sẽ xẩy ra. Chính vì vậy tăng cường quản lý người hưởng là rất cần thiết để giảm thiểu tình trạng chi sai, chi không đúng chế độ và lạm dụng quỹ BHXH.
4.1.4.2. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát Đại diện chi trả Bưu điện và các đơn vị sử dụng lao động đồng thời tập huấn, hướng dẫn nghiệp vụ
Bưu điện là đại diện chi trả các chế độ BHXH hằng tháng. Việc chi trả đảm bảo đúng nguyên tắc, đúng quy trình sẽ không có tình trạng lĩnh thay nhận hộ không có giấy ủy quyền, không có tình trạng tiền trợ cấp không đến tay đối tượng, không có tình trạng chi trả không kịp thời. Và như vậy thì sẽ không có việc chi sai do người hưởng đã chết, đi vắng khỏi địa phương, mất tích…mà đại diện chi trả vẫn chi cho người thân người hưởng. Tuy nhiên, tại huyện Bình Giang hiện tượng Nhân viên Bưu điện cho lĩnh thay, nhận hộ không có giấy ủy quyền hoặc giấy ủy quyền không đúng quy định vẫn còn nên đã dẫn đến việc người hưởng chết rồi vẫn chi trả trợ cấp sau một thời gian mới phát hiện và phải thu hồi; người hưởng chết không hướng dẫn thân nhân của họ làm hồ sơ giải quyết chế độ tử tuất kịp thời…Do đó BHXH huyện cần tăng cường thêm công tác giám sát, kiểm tra việc chi trả, quản lý đối tượng của Bưu điện, đồng thời tập huấn thêm nghiệp vụ cho nhân viên và bưu tá xã của Bưu điện để họ hiểu, biết các chế độ BHXH, tầm quan trọng của việc chi trả đúng nguyên tắc nhằm phục vụ tốt hơn người hưởng và quản lý người hưởng chặt chẽ hơn.
Đơn vị sử dụng lao động mà trực tiếp là cán bộ, nhân viên phụ trách công tác BHXH là người lập danh sách đề nghị cho người lao động hưởng chế độ ngắn hạn, là người phối hợp với các bộ phận liên quan để quản lý ngày công, tiền lương, chi trả tiền trợ cấp BHXH cho người lao động tham gia BHXH. Đây chính là nơi chủ yếu sẽ phát sinh việc giả mạo, “chế biến” hồ sơ hưởng các chế độ BHXH để trục lợi quỹ BHXH. Chính vì vậy cần phải tăng cường kiểm tra chặt chẽ và tập huấn nghiệp vụ để tránh trục lợi quỹ BHXH và hưởng sai chế độ. 4.1.4.3. Tăng cường công tác tuyên truyền chính sách BHXH
Nhận thức về chính sách, pháp luật BHXH của người lao động và thân nhân người lao động có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện trách nhiệm của mình trong việc tham gia, đóng nộp BHXH, làm thủ tục hồ sơ hưởng các các độ BHXH kịp thời cũng như trong việc đòi hỏi ĐDCT, chủ sử dụng lao động thực hiện đúng quy định trong việc lập hồ sơ, chi trả tiền trợ cấp BHXH. Có như vậy sẽ không có hiện tượng tiền không đến tay người hưởng hay người sử dụng lao động lạm dụng tiền trợ cấp BHXH của người lao động để đầu tư, kinh doanh hoặc dùng vào mục đích khác sau đó mới chi trả cho người lao động.
4.1.4.4.Tăng cường quán triệt tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức BHXH
Cán bộ, công chức, viên chức là người trực tiếp xét duyệt và ban hành quyết định hưởng các chế độ BHXH cho người hưởng. Chế độ hưởng, số tiền hưởng của người lao động có đúng hay không là do cán bộ, công chức, viên chức BHXH thực hiện. Hồ sơ giả mạo trục lợi quỹ BHXH có được ngăn chặn kịp thời hay không cũng phần lớn là do cán bộ, công chức, viên chức BHXH kiểm soát, kiểm tra khi thực hiện xét duyệt cũng như hậu kiểm tại đơn vị… Cán bộ, công chức, viên chức BHXH là nòng cốt trong việc thực hiện chính sách BHXH nói chung và trong công tác quản lý chi BHXH nói riêng. Vì vậy quán triệt tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp, đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức BHXH là đặc biệt quan trọng, rất cần được tăng cường.