Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn về quản lý chi bảo hiểm xã hội
2.2. Cơ sở thực tiễn
2.2.2. Bài học kinh nghiệm
Đối với công tác quản lý chi chế độ ốm đau, thai sản, DSPHSK:
Thực tế đã và đang có hiện tượng lạm dụng quỹ BHXH thông qua việc lập hồ sơ tham gia BHXH tại các đơn vị sử dụng lao động đặc biệt là các doanh nghiệp đến khi đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì dừng đóng hoặc hưởng xong thì dừng không tham gia BHXH. Vì vậy cần tăng cường công tác thanh, kiểm tra tình hình đóng nộp BHXH tại các đơn vị sử dụng lao động. Đồng thời phối hợp với ngành y tế để hướng dẫn, quán triệt y bác sỹ cấp giấy nghỉ hưởng BHXH đúng quy định.
Hiện nay việc đăng ký chữ ký của các bác sỹ cấp giấy nghỉ ốm chỉ được tổng hợp trong tỉnh mà thực tế huyện Bình Giang nằm giáp danh với tỉnh Hưng Yên, một số cụm công nghiệp thu hút nhiều lao động ở tỉnh ngoài nên nhiều người lao động cũng thường xuyên khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế ngoài tỉnh, việc xét duyệt chế độ ốm đau gặp nhiều khó khăn trong việc xác định giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH thật hay giả mạo. Do đó cần có sự liên thông trong hệ thống về việc đăng ký chữ ký bác sỹ cấp giấy chứng nhận nghỉ hưởng BHXH.
Tại các đơn vị sử dụng lao động, khi cơ quan BHXH chuyển tiền chi chế độ BHXH cho người lao động thì họ thường chậm chễ trong việc thanh toán cho người lao động để lạm dụng kinh phí đó vào sản xuất, kinh doanh. Do đó cần có chế tài cụ thể để hạn chế hành vi trên và tăng cường tuyên truyền để người lao động và người sử dụng lao động đề nghị cơ quan BHXH thực hiện chi trả trực tiếp cho người lao động qua tài khoản cá nhân.
Đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ nghiệp vụ cho cán bộ xét duyệt chế độ BHXH để tránh sai sót xẩy ra trong quá trình xét duyệt dẫn đến chi sai, chi không đúng trợ cấp được hưởng. Đồng thời phối hợp với bộ phận tiếp nhận hồ sơ kiểm soát chặt hồ sơ đầu vào.
Đối với công tác quản lý chi BHXH hằng tháng:
cấp BHXH hằng tháng, việc báo tăng, giảm đối tượng hưởng có kịp thời, đúng quy định hay không hoàn toàn phụ thuộc vào trình độ, nghiệp vụ và sự nắm bắt kịp thời đối tượng hưởng di chuyển, tăng mới hay từ trần. Chính vì vậy kinh nghiệm cho thấy cần phải tập huấn, hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý, chi trả cho các đại diện chi trả kịp thời theo quy định hiện hành; rà soát đội ngũ đại diện chi trả, lựa chọn những người đủ năng lực, uy tín thực hiện công tác quản lý và chi trả cho người hưởng trên địa bàn.
Hiện nay, thực hiện quản lý người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng qua hệ thống Bưu điện cũng bộc lộ một số hạn chế như để tình trạng báo giảm chậm, dẫn đến phải thu hồi lương hưu và trợ cấp, đặc biệt chưa trả lời, giải thích các chế độ BHXH cho người hưởng và thân nhân người hưởng một cách thấu đáo trong quá trình quản lý bởi họ không chuyên sâu vào nghiên cứu các văn bản hướng dẫn do họ có quá nhiều dịch vụ. Vì vậy cơ quan BHXH cần phối hợp với Bưu điện để tập huấn, bồ dưỡng thêm về nghiệp vụ, thực hiện rà soát hệ thống bưu tá xã, nhân viên bưu điện để lựa chọn những người có năng lực thực hiện việc quản lý người hưởng và chi trả lương hưu, trợ cấp BHXH tại các xã, thị trấn.
Việc chi trả thông qua hệ thống Bưu điện và chi trả chủ yếu bằng tiền mặt nên tiềm ẩn yếu tố mất an toàn tiền mặt trong qua trình chi trả. Trong khi chi trả qua thẻ ATM còn rất hạn chế do hệ thống ATM trên địa bàn huyện còn thưa gây khó khăn cho người hưởng và tâm lý những người hưởng cao tuổi muốn được nhận trực tiếp lương hưu và trợ cấp BHXH bằng tiền mặt. Vì vậy Bưu điện cần phối hợp với Ngân hàng để có xe chuyên dụng chuyên chở tiền, phối hợp với Công an huyện để cử người áp tải tiền cùng xuống các địa điểm chi trả; phối hợp với ủy ban nhân dân xã để cử công an viên hỗ trợ bảo vệ tiền trong suốt quá trình chi trả.