Kinh nghiệm của 1 số trường trên thế giới

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của trường cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn i (Trang 41 - 46)

PHẦN 2 CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

2.2. CƠ SỞ THỰC TIỄN

2.2.1. Kinh nghiệm của 1 số trường trên thế giới

Các quốc gia trên thế giới đều ý thức được tầm quan trọng của nguồn tài nguyên nhân lực trong công cuộc phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Với vai trò là người thực thi công vụ tại các tổ chức cung ứng dịch vụ công, đội ngũ công chức là lực lượng quan trọng, tham mưu hoạch định chính sách cho công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế – xã hội. Do đó, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý luôn là một vấn đề quan trọng được ưu tiên ở nhiều quốc gia. Một số quốc gia có nền giáo dục đào tạo tiên tiến (Tạp chí Tổ chức nhà nước, 2014):

Singapore:

Nền công vụ Singapore luôn đặt chất lượng phục vụ, hiệu quả, hiệu lực lên hàng đầu và là nền công vụ luôn cải tiến để thích nghi với môi trường quốc tế luôn thay đổi và đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước. Đề cao chất lượng phục vụ của các cơ quan công quyền, Singapore quan niệm công chức là chìa khóa thành công nên luôn coi trọng yếu tố con người, trọng dụng nhân tài.

Đối với Singapore, đào tạo công chức trẻ sau khi tuyển dụng phải đảm bảo nguyên tắc hữu ích và kế thừa (đào tạo, bồi dưỡng phải phục vụ dài lâu cho công việc), khuyến khích áp dụng công nghệ thông tin để đa dạng hóa hình thức đào tạo, tăng cường tính tự giác của người học (mỗi công chức ngay từ khi bắt đầu sự nghiệp phải xây dựng kế hoạch học tập cá nhân (Bản đồ đào tạo cá nhân), và kiên trì nguyên tắc “Muộn còn hơn không” và nhất là nguyên tắc đào tạo song hành chuyên môn với các kỹ năng mềm (Quản lý sự thay đổi, phương pháp học tập của người trưởng thành (Adult Learning) và phát triển nhân cách. Từ khi được nhận vào làm việc, công chức trải qua 5 giai đoạn đào tạo: đào tạo ban đầu mang tính định hướng (orientation training), đào tạo cơ bản, đào tạo nâng cao, đào tạo mở rộng và đào tạo, bồi dưỡng cập nhất kiến thức để làm việc với chất lượng cao. Những công đoạn này tùy mức độ mà có nội dung khác nhau, nhưng có liên quan chặt chẽ với nhau, công đoạn sau bổ sung cho công đoạn trước, liên quan chặt chẽ đến con đường thăng tiến của công chức, cũng như việc chỉ định, bố trí công việc, đánh giá hiệu quả thực thi công vụ. Có thể thấy rằng, công đoạn đầu tiên, mang tính chất nền tảng nhất là đào tạo ban đầu mang tính định hướng (orientation), giúp công chức mới nhận việc hoặc ở nơi khác chuyển đến làm quen với công việc và môi trường mới, tiến tới chủ động trong công việc, thời gian từ 1 đến 3 tháng.

Công tác đào tạo và bồi dưỡng ở Singapore được tổ chức theo các hình thức chính quy và tại chức tùy theo từng đối tượng và nhu cầu công việc. Chính phủ hết sức quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức nhằm phát huy cao độ tiềm lực của con người cho phát triển.

Vấn đề đào tạo, bồi dưỡng công chức nhằm phát huy cao độ tiềm lực của mỗi người được Chính phủ Singapore đặc biệt quan tâm. Điều đó được thể hiện trước hết ở việc đầu tư rất lớn cho đào tạo (xây dựng cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; có chính sách ưu đãi như giáo dục phổ thông được miễn phí, bao gồm cả học phí, sách giáo khoa, máy tính, phí giao thông…). Việc đào tạo, bồi dưỡng công chức theo hướng mỗi người đều cần được phát triển tài năng riêng; tạo thói quen học tập suốt đời, liên tục học hỏi để mỗi công chức đều có đầy đủ phẩm chất, năng lực, trình độ phục vụ tốt cho nền công vụ.

Singapore xây dựng chiến lược cán bộ thể hiện bằng kế hoạch đào tạo ngắn hạn, dài hạn, đào tạo kế nhiệm, bài bản, từ xa. Thời gian đào tạo tối thiểu bắt buộc là 100 giờ trong một năm đối với mỗi công chức. Trong đó 60% nội dung đào tạo về chuyên môn, 40% nội dung đào tạo liên quan đến phát triển. Có nhiều khóa học khác nhau dành cho các đối tượng khác nhau. Khóa học làm quen với công việc dành cho công chức mới được tuyển dụng hoặc mới chuyển công tác từ nơi khác đến; khóa học đào tạo cơ bản được tổ chức cho người mới tuyển dụng trong năm đầu tiên công tác; khóa học nâng cao bổ sung, giúp công chức đạt hiệu quả cao nhất trong công việc và nâng cao khả năng làm việc của người đó trong tương lai; khóa học mở rộng tạo điều kiện cho công chức được trang bị những kiến thức và nghiệp vụ bên ngoài lĩnh vực chuyên môn chính để có thể đảm đương những công việc liên quan khi cần thiết. Các khóa học này liên quan chặt chẽ tới con đường sự nghiệp của công chức và việc chỉ định vị trí công việc của công chức. Hằng năm, Singapore dành 4% ngân sách cho đào tạo, bồi dưỡng. Cơ sở đào tạo của Singapore hiện nay gồm Học viện Công vụ và Viện Quản lý Singapore. Học viện Công vụ (CSC) được thành lập năm 1996, hiện nay bao gồm: Viện Phát triển chính sách, Viện Hành chính công và Quản lý. Ngoài ra, Học viện Công vụ còn thành lập thêm Tổ chức tư vấn công vụ làm công tác tư vấn về chính sách và thực thi công tác đào tạo, tư vấn về các chương trình giảng dạy. Đây là đầu mối liên hệ giữa Singapore và các nước trong việc trao đổi kinh nghiệm và phương thức cải cách khu vực công.

Viện Quản lý Singapore là nơi tổ chức nhiều chương trình ngắn hạn để học viên tự lựa chọn theo yêu cầu của cá nhân, từ cập nhật những kiến thức và lý luận mới về quản lý cho tới các khóa ngắn hạn, tại chức, mở tại các cơ quan theo yêu cầu.

Hoa Kỳ:

Luật Đào tạo công chức Hoa Kỳ (1958) yêu cầu các cơ quan nhà nước phải tạo các cơ hội đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao hiệu quả làm việc của công chức. Hoa Kỳ đặc biệt quan tâm đến việc tổ chức các chương trình đào tạo phù hợp với nhu cầu của công chức thể hiện tính chủ động của cơ quan, đơn vị trong quản lý và sử dụng nguồn nhân lực trong nhiều khâu, trong đó thể hiện cụ thể trong đào tạo và bồi dưỡng và hoạt động của cơ quan. Phương châm đào tạo nhưng nguyên tắc chính yếu bồi dưỡng và đào tạo công chức, viên chức trẻ phục vụ trong nền công vụ tập trung nhấn mạnh vào tính chủ động và thực tiễn. Luật pháp Hoa Kỳ yêu cầu mỗi cơ quan phải có các quy trình xác định nhu cầu cải tiến chất lượng hoạt động và xác định chương trình đào tạo gắn với nhu cầu đó. Tại Hoa Kỳ các nội dung đào tạo tập trung vào các kỹ năng lãnh đạo cho công chức, bao gồm kỹ năng phân tích, kỹ năng quản lý và kỹ năng cố vấn. Mỗi kỹ năng được thiết kế tương đương một khóa học với quan niệm rằng mỗi công chức cần lãnh đạo được chính mình, công việc của mình và đều có thể trở thành người lãnh đạo trong tương lai. Chương trình đào tạo cho cán bộ quản lý cao cấp (7 tuần) và Chương trình quản lý và lãnh đạo thực thi (3 tuần) và một loạt các chương trình đào tạo cho công chức từ bậc 16 trở lên, chương trình Đào tạo học tập đặc biệt (Ví dụ: đào tạo Bộ trưởng, Thứ trưởng); chương trình đào tạo chức năng đặc biệt (khóa đào tạo xây dựng nhóm, tổ công tác; khóa đào tạo về Lập kế hoạch và đánh giá). Trong quy trình đào tạo công chức trẻ, độ chênh lệch giữa chất lượng hoạt động hiện tại với chất lượng hoạt động theo yêu cầu được lấy làm thước đo để triển khai công tác đào tạo, đánh giá nhu cầu họ đào tạo, bồi dưỡng và dựa trên sự đánh giá này để đề ra các chính sách, chủ trương về đào tạo, bồi dưỡng. Các phương pháp phổ biến đang áp dụng là gắn kết mô hình lý thuyết với việc nghiên cứu phân tích. Các hình thức đào tạo chủ yếu dành cho công chức Hoa Kỳ bao gồm đào tạo trong nội bộ đơn vị (Bộ, Cục), đào tạo tại Bộ, cục khác của liên bang, đào tạo trong các trường cao đẳng chuyên ngành thuộc Bộ và đào tạo qua thực hành. Các hình thức đào tạo khác nhau hình thành lên các cơ sở đào tạo khác nhau, và các cơ sở đào tạo này cùng hợp thành một mạng lưới đào tạo. Ngoài hệ thống mạng lưới đào tạo trong công việc này, các

công chức mới tuyển dụng tại Hoa Kỳ còn được đào tạo thông qua một kênh khác, đó là đào tạo trong trường đại học. Hình thức dạy học chủ yếu trong các cơ sở đào tạo ở Hoa Kỳ là phương pháp giải quyết theo vấn đề để kích thích công chức phát huy tối đa sở trường và khả năng sáng tạo. Chính phủ cử công chức tham gia các chương trình đào tạo trong vòng từ 6 tháng đến 1 năm tại trường đại học và Chính phủ chi trả kinh phí đào tạo cho công chức này. Quy trình này thường bao gồm các bước sau đây:

+ Xác định chất lượng hoạt động theo yêu cầu đề ra của cơ quan, phòng, ban và của từng công chức.

+ Xác định sự chênh lệch giữa chất lượng hoạt động hiện tại với chất lượng hoạt động theo yêu cầu.

+ Tìm hiểu nguyên nhân của sự chênh lệch về chất lượng và xác định liệu các phương pháp, chương trình tập huấn có giúp nâng cao chất lượng hoạt động theo yêu cầu hay không.

+ Đánh giá nhu cầu họ đào tạo, bồi dưỡng và dựa trên sự đánh giá này để đề ra các chính sách, chủ trương về đào tạo, bồi dưỡng.

Phương pháp đào tạo ở Hoa Kỳ khá phong phú cùng với việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật giúp người học có thể thấy trước vấn đề (dự kiến được những tình huống của tương lai) thay vì chỉ biết những gì đã có. Các phương pháp phổ biến đang áp dụng là gắn kết mô hình lý thuyết với việc nghiên cứu phân tích các điển hình thực tiễn hoặc nghiên cứu, tình huống, lựa chọn ưu tiên… Ngoài việc sử dụng các phương pháp để nâng cao năng lực tư duy nhất là tư duy phán đoán, các trường cũng chú trọng đến việc nâng cao các năng lực khác như khả năng truyền đạt, tạo cảm hứng công việc.v.v…

Hàn Quốc:

Hàn Quốc đặc biệt chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực, nhất là những người tài, khuyến khích và tạo điều kiện để nguồn nhân lực tài năng phát triển. Chương trình đào tạo khác nhau cho những đối tượng công chức khác nhau: Công chức mới được tuyển dụng phải tham gia một số chương trình đào tạo bắt buộc. Công chức sắp được thăng chức phải tham gia 3 chương trình học tại hệ thống các trường đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức thì mới được xem xét nâng bậc. Công chức trẻ có triển vọng (dưới 40 tuổi) bắt buộc phải qua các khóa đào tạo tập trung theo quy định.

Về cơ sở đào tạo, ngoài các trung tâm, viện nghiên cứu của Nhà nước, hầu như các doanh nghiệp đều có các viện, trung tâm nghiên cứu về khoa học, công nghệ theo chuyên môn sâu của ngành, trong đó tập hợp được một số lớn các chuyên gia, tiến sĩ đầu ngành. Các tập đoàn công nghiệp lớn như Sam Sung, Hyundai, Posco… đều có những trường đại học riêng, chuyên ngành để đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực có chất lượng cao. Công chức có thể tham gia các khóa học của các trường đại học này để cập nhật kiến thức về chuyên ngành nhằm nâng cao chất lượng quản lý những ngành nghề này.

Trung Quốc:

Trung Quốc đặc biệt chú trọng nâng cao trình độ chính trị, phẩm chất, năng lực chuyên môn cho đội ngũ công chức nhằm xây dựng một đội ngũ công chức chuyên nghiệp và có chất lượng cao, đây là một phần trong chiến lược thực hiện và đẩy nhanh quá trình cải cách hệ thống công vụ.

Nội dung đào tạo, bồi dưỡng công chức của Trung Quốc tập trung vào: lý luận xây dựng CNXH mang bản sắc Trung Quốc và chiến lược phát triển; quản lý hành chính nhà nước trong nền kinh tế thị trường; quản lý vĩ mô nhà nước với những nội dung cụ thể như thể chế hành chính, chính sách công, đào tạo và phát triển nhân tài. Tất cả các khóa đào tạo đều phải học chủ nghĩa Mác – Lênin và lý luận Đặng Tiểu Bình.

Nội dung chương trình đào tạo chủ yếu được xây dựng dựa vào vị trí việc làm của từng công chức để đào tạo, bồi dưỡng. Thông thường một khóa học của công chức bao gồm khóa học cơ bản và khóa học chuyên môn, gọi là mô hình “cơ bản + chuyên môn”. Trong đó, khóa học cơ bản đi sâu vào các nội dung như: về học thuyết chính trị, về luật hành chính, về hành chính công, về phát triển kinh tế – xã hội..; khóa học chuyên môn thường được thiết kế dựa vào các nhu cầu khác nhau của công chức ở các nhóm và các cấp khác nhau, thể hiện tính chuyên môn trong đào tạo cho các cấp và các loại công chức khác nhau. Tỷ lệ của các khóa học thường được sắp xếp là 30% cơ bản và 70% chuyên môn. Cấu trúc và thời lượng bài học có thể được sắp xếp: bài giảng là 70%, thảo luận và trao đổi là 10%, điều tra là 10%, giấy tờ và văn bản là 5%, các khóa học kinh nghiệm là 5%. Có thể nói công tác đào tạo, bồi dưỡng công chức của Trung Quốc khá linh hoạt song vẫn theo đúng nguyên tắc: công khai, công bằng, cạnh tranh, chọn được người giỏi; lý luận gắn với thực tế, học tập gắn liền với ứng dụng, coi trọng hiệu quả thiết thực; không bồi dưỡng đủ thì không đề bạt. Đặc biệt, Trung Quốc

rất chú trọng rèn luyện năng lực thực hành của công chức trong thực tiễn, coi đây là một trong ba tố chất chủ yếu tạo nên phẩm chất công chức, đó là trình độ lý luận chính trị, năng lực hoạt động thực tiễn và đức tính tự trọng, tự lập.

Giảng viên ở các trường hành chính, trường Đảng các cấp và các cơ sở đào tạo khác, bên cạnh đội ngũ giảng viên chuyên trách được đào tạo bài bản và thường xuyên được bồi dưỡng cập nhật kiến thức, còn có đội ngũ giảng viên kiêm chức. Nguồn giảng viên kiêm chức rất đa dạng, bao gồm những công chức có năng lực chuyên môn cao, các chuyên gia hoặc các học giả từ các trường cao hơn và từ các viện nghiên cứu khoa học. Một số quan chức của Chính phủ và cán bộ từ các ủy ban của Đảng hoặc giáo sư nước ngoài cũng được mời giảng dạy.

Để nắm bắt được sự thay đổi trong quá trình thực thi công vụ của công chức, Trung Quốc chú trọng đánh giá quá trình đào tạo, bồi dưỡng của họ. Có hai cách thức đánh giá chủ yếu là đánh giá thái độ học tập và kết quả học tập. Việc đánh giá thái độ học tập dựa vào việc học viên tham gia đầy đủ thời gian đào tạo theo quy định và việc chấp hành kỷ luật nghiêm túc. Nội dung đánh giá bao gồm cả tỷ lệ tham dự các giờ học trên lớp, các sáng kiến hội thảo và quan điểm đúng đắn. Kết quả học tập được đánh giá dựa trên số điểm của các bài kiểm tra, tiểu luận, đề tài. Việc đánh giá học viên trong trường được thực hiện dưới hình thức “Mẫu đăng ký đánh giá đào tạo công chức”, đó là những thông tin phản hồi tới cơ quan, đơn vị mà học viên đang công tác. Đây là một trong những cơ sở cho quy trình kiểm tra và đánh giá hàng năm của bộ phận tổ chức nhân sự.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo của trường cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn i (Trang 41 - 46)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(133 trang)