Kinh nghiệm giảm nghèo bền vững của các tỉnh, thành trong nước

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đoan hùng, tỉnh phú thọ (Trang 33 - 36)

Phần 2 Cơ sở lý luận và thực tiễn

2.2. Cơ sở thực tiễn

2.2.2. Kinh nghiệm giảm nghèo bền vững của các tỉnh, thành trong nước

2.2.2.1. Kinh nghiệm giảm nghèo ở Bình Định

Bình Định là một tỉnh nằm trong khu vực Duyên hải Nam Trung bộ có số dân khoảng 1,7 triệu người với gần 40 ngàn đồng bào dân tộc thiểu số và 3 huyện

nghèo 30a. Cấp ủy, chính quyền địa phương và các tổ chức chính trị xã hội đã xác định giảm nghèo là nhiệm vụ trọng tâm, đồng thời thu hút, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia, quyết tâm thực hiện thành công chính sách giảm nghèo góp phần hoàn thành mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2011-2015. Sau 5 năm thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, tỷ lệ hộ nghèo ở Bình Định đã giảm từ 16,31% (năm 2010) xuống 8,1% (năm 2014), dự kiến còn 6,25% (cuối năm 2015), vượt chỉ tiêu đề ra là 7,97%, bình quân mỗi năm giảm khoảng 4,77%. (Ngọc Nguyên, 2015)

Trong các chính sách giảm nghèo, Bình Định ưu tiên tập trung vào việc thực hiện chính sách về sinh kế cho hộ nghèo và người nghèo. Trong vòng 5 năm đã có hàng ngàn hộ thoát nghèo, hơn 29 ngàn hộ đã có chuyển biến về nhận thức và biết cách làm ăn, hơn 16 ngàn lượt hộ của các vùng khó khăn được vay vốn ưu đãi đã mua sắm máy móc, công cụ phục vụ sản xuất kinh doanh, dụng cụ đánh bắt chế biến hải sản và mở rộng các cơ sở tiểu thủ công nghiệp. Tính đến hết tháng 6/2015, tổng số vốn cho hộ nghèo vay sản xuất đạt hơn 764 triệu đồng. Các hộ nghèo còn được hỗ trợ vốn vay xuất khẩu lao động, hơn 1,8 ngàn lao động được vay với tổng số tiền trên 40 tỷ đồng. (Ngọc Nguyên, 2015)

Tỉnh Bình Định cũng thực hiện lồng ghép nguồn lực của chương trình mục tiêu Quốc gia việc làm và Đề án “Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” (gọi tắt là đề án 1956) hỗ trợ cho gần 110 lao động tham gia học nghề.

Các chính sách hỗ trợ cho người nghèo tiếp cận các dịch vụ xã hội được thực hiện có hiệu quả. Chính sách hỗ trợ trong giáo dục, y tế. Việc hỗ trợ gạo, chi phí học tập, vốn vay ưu đãi trong giáo dục đã mang lại ý nghĩa thiết thực, giảm bớt khó khăn cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, xa; thu hẹp về mức thụ hưởng giữa các vùng miền trên địa bàn. Chính sách hỗ trợ mức đóng thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) cho hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số góp phần chăm sóc sức khỏe và nâng cao tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân.

Chính sách hỗ trợ cho hộ nghèo trong giai đoạn 2011 - 2015 cơ bản được đảm bảo, không còn hộ nghèo ở nhà tạm, dột nát. Năm 2014 có 91,1% người dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, năm 2015 sẽ có khoảng 95% hộ được sử dụng nước sạch. (Ngọc Nguyên, 2015). Chính sách trợ giúp pháp lý đã được triển khai sâu rộng tập trung ở các xã ở huyện nghèo, các xã, thôn đặc biệt khó khăn trong chương trình 135, xã bãi ngang ven biển và hải đảo góp phần nâng cao nhận thức chính sách pháp luật, nâng cao niềm tin của người dân đối với Đảng và Nhà nước.

Ngoài ra, thông qua việc thực hiện lồng ghép các chính sách, dự án giảm nghèo nhanh và bền vững theo Nghị quyết 30a, các chính sách hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng đặc biệt khó khăn đã đem lại sự thay đổi lớn cho bộ mặt nông thôn. Trong 5 năm, toàn tỉnh đã ưu tiên hỗ trợ đầu tư kinh phí trên 1.640 tỷ đồng xây dựng 226 công trình kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thủy lợi phục vụ sản xuất và đời sống của người dân 26 xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang, ven biển, hải đảo.

Đối với 3 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a: huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão, từ năm 2009 đến nay, tỉnh đã tập trung chỉ đạo giảm nghèo nhanh và bền vững. Có 117 công trình được ngân sách đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng với kinh phí trên 532 tỷ đồng. Ngoài ra, nguồn kinh phí sự nghiệp trên 148 tỷ đồng cũng đã hỗ trợ trực tiếp cho người dân trên địa bàn, (Ngọc Nguyên, 2015), nhất là người nghèo và dân tộc thiểu số trong các chính sách như: trồng và phát triển rừng, hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm tăng thu nhập thông qua việc hỗ trợ cây, con, giống vật nuôi có giá trị kinh tế cao, hỗ trợ gạo cho hộ nghèo… Tỉnh còn thực hiện và triển khai nhân rộng 40 mô hình giảm nghèo về khuyến nông – lâm – ngư như: nuôi heo rừng, gà an toàn sinh học, trồng mì rải vụ thâm canh, lạc xen sắn trên đất cát bạc màu, vỗ béo bò thịt và cá rô phi đơn tính năng suất cao, nuôi Dông trên cát, thỏ cao sản, keo lai cấy mô, cá nước ngọt… vừa hỗ trợ trực tiếp cho hộ nghèo vừa nhân rộng mô hình sản xuất có hiệu quả đến trực tiếp người dân, giúp họ vươn lên thoát nghèo bền vững.

2.2.2.2. Kinh nghiệm giảm nghèo ở Hải Dương

Trong 5 năm (2007-2011) tổng giá trị thu nhập bình quân của tỉnh tăng 9,4%/năm; năm 2012 tăng 5,3%. Quy mô kinh tế của tỉnh nâng lên, tổng sản phẩm năm 2011 gấp hơn 2,5 lần so với năm 2006. GDP bình quân đầu người tăng từ 9 triệu đồng/người (2006) lên 22,7 triệu đồng/người (2011). Đồng thời, với lãnh đạo phát triển kinh tế, triển khai Chương trình giảm nghèo, chống tái nghèo nhằm hỗ trợ những hộ nghèo phát triển sản xuất, giảm thiểu những bất lợi do hội nhập kinh tế quốc tế mang lại. Thực hiện hỗ trợ lãi suất vay vốn phát triển sản xuất cho các hộ nghèo và hộ chính sách; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho người nghèo, miễn giảm chi phí khám chữa bệnh cho bệnh nhân thuộc diện khó khăn; thực hiện các chương trình, dự án đầu tư phát triển kinh tế - xã hội cho người nghèo; tỷ lệ hộ nghèo đã giảm từ 16% (2006) xuống còn 9,49% (2011), tiếp tục được giảm xuống còn 7,74% năm 2012. (Nguyễn Văn Tuân, 2015)

Trong những năm qua, tỉnh Hải Dương đã thực hiện chính sách XĐGN với nhiều cách làm sáng tạo, những giải pháp cụ thể nhằm thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, số hộ thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng tăng nhanh, mô hình XĐGN của tỉnh là một trong những điểm sáng cần được triển khai nhân rộng nhằm góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp CNH, HĐH nông thôn.

Với tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao trong một thời gian dài (trên 11%), hàng loạt các chính sách giảm nghèo đã được Tỉnh triển khai đồng bộ, làm cho đời sống vật chất, điều kiện nhà ở, sinh hoạt của các hộ nghèo đã được cải thiện rõ rệt. Kinh tế nông thôn tiếp tục có bước chuyển dịch tích cực: tiểu thủ công nghiệp và làng nghề được khuyến khích phát triển, số làng có nghề tăng, quy mô nhiều làng nghề được mở rộng.

Công tác khuyến nông, dạy nghề, tập huấn cho nông dân được duy trì. Cơ giới hoá các khâu trong sản xuất nông nghiệp có bước tiến đáng kể. Toàn Tỉnh đã có 2.523 trang trại, tăng hơn 3 lần so với năm 2005, nhiều trang trại mở rộng quy mô và nâng cao giá trị sản xuất.

Tỉnh Hải Dương đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tích cực tham gia thực hiện chương trình giảm nghèo, góp phần vào bảo đảm bền vững: Nhiều phong trào, cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân phát động, thu hút đông đảo nhân dân tham gia và đạt hiệu quả cao, sự quan tâm, giúp đỡ của cá nhân, cộng đồng, doanh nghiệp, các tổ chức phi chính phủ, hỗ trợ hàng tỷ đồng cho chương trình giảm nghèo như: “Ngày vì người nghèo”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xoá đói giảm nghèo”,… Kết quả cho thấy, năm 2013, việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững đã có 9.138 phụ nữ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được giúp với nhiều hình thức: tiền, cây, con giống, ngày công, trị giá trên 23,2 tỷ đồng; có 1.459 hộ thoát nghèo. (Nguyễn Văn Tuân, 2015)

Chương trình giảm nghèo bền vững đã được nhiều địa phương trong tỉnh gắn với chính sách an sinh xã hội, góp phần làm cho chính sách giảm nghèo thêm hiệu quả và bền vững. Thông qua các chương trình giảm nghèo, tỉnh Hải Dương đã thực hiện tốt các chính sách trợ giúp, trợ cấp xã hội; chính sách đối với người cao tuổi và người tàn tật; chính sách chăm sóc và bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Một phần của tài liệu (LUẬN văn THẠC sĩ) giải pháp giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện đoan hùng, tỉnh phú thọ (Trang 33 - 36)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(129 trang)