- Cần bảo đảm nguồn nhân lực, vật lực của ngành Toà án đáp ứng yêu cầu
B. Các tài liệu tham khảo khác Tiếng Việt
PHỤ LỤC Phụ lục 1: Mô hình Uỷ ban Giám sát Nhà nước Trung Quốc
Uỷ ban Giám sát Nhà nước là thiết chế mới được Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc thành lập vào năm 2018, được xác định là cơ quan giám sát tối cao, lãnh đạo công tác các cấp Uỷ ban Giám sát địa phương, có nhiệm kỳ hoạt động tương đồng với nhiệm kì mỗi khoá của Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc.
Là thiết chế mới được thành lập nên hiện vẫn chưa có văn bản pháp luật qui định về tổ chức, hoạt động của Uỷ ban Giám sát Nhà nước; tuy nhiên trên cơ sở nghiên cứu "Hồ sơ dự thảo Pháp luật giám sát nhà nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa hướng về xã hội trưng cầu ý kiến (văn bản xem xét thảo luận tại Hội nghị lần thứ 27 Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc khoá 12 vào tháng 06 năm 2017)” và Kiến nghị của Uỷ ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc liên quan đến tu sửa một phần nội dung Hiến pháp”, có thể nhận thấy: về địa vị pháp lý, cơ cấu nhân sự, phạm vi giám sát, chức năng và chức trách giám sát được phác thảo cụ thể như sau:
Xét về địa vị pháp lý, Uỷ ban Giám sát Nhà nước có cấp bậc ngang hàng với TAND Tối cao và Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao.
Xét về cơ cấu nhân sự, Uỷ ban Giám sát Nhà nước bao gồm Chủ nhiệm, một số Phó Chủ nhiệm và một số Uỷ viên. Chủ nhiệm do Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc tuyển cử ra, Phó Chủ nhiệm và Uỷ viên do Chủ nhiệm Uỷ ban Giám sát Nhà nước đề xuất bổ nhiệm và miễn nhiệm lên Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc. Chủ nhiệm Uỷ ban Giám sát Nhà nước chỉ được đảm đương nhiệm vụ tối đa hai nhiệm kỳ.
Xét về đối tượng giám sát: Uỷ ban Giám sát Nhà nước tiến hành hoạt động giám sát đối với cán bộ công chức của cơ quan Đảng Cộng sản Trung Quốc, Quốc hội (Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc), Chính phủ (Quốc vụ viện), TAND tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các cán bộ công chức khác do luật định.
Xét về chức năng giám sát của Uỷ ban Giám sát Nhà nước được phát thảo như sau: duy trì, bảo vệ Hiến pháp nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa và pháp luật; Giám sát tình hình cán bộ, công chức sử dụng quyền lực công dựa theo pháp luật; điều tra các hành vi trái phép và phạm tội có liên quan đến chức vụ; triển khai "Xây dựng tác phong liêm chính của Đảng Cộng sản Trung Quốc" và đẩy mạnh công tác chống tham nhũng.
Xét về thẩm quyền giám sát: Uỷ ban Giám sát nhà nước có quyền giám sát, điều tra và xử lý. Trong đó, quyền giám sát là quyền cơ quan giám sát tiến hành xem xét, kiểm tra về tình hình nhân viên công chức thực thi nhiệm vụ quyền hạn bảo đảm sự tuân thủ pháp luật, giữ gìn sự công bằng, ngay thẳng, liêm khiết và đạo đức và phẩm hạnh. Quyền điều tra là việc cơ quan giám sát có quyền tiếnhành điều tra về các hành vi có liên quan đến tham ô hối lộ, lạm quyền, lộng quyền, tư lợi mà xâm phạm đến lợi ích của Nhà nước và công dân. Quyền xử lý nghĩa là cơ quan giám sát có quyền ra các quyết định xử lý đối với cán bộ công chức có hành vi vi phạm pháp luật; nêu ra kiến nghị giám sát với vấn đề tồn tại trong việc thực thi nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ công chức; tiến hành xét hỏi cán bộ, công chức có hành vi vi phạm pháp luật; nếu xét thấy có dấu hiệu vi phạm thì sẽ chuyển kết quả điều tra đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.
Việc thiết lập Uỷ ban giám sát Nhà nước, đồng thời hợp nhất Bộ Giám sát (thuộc Quốc Vụ Viện), Cục Dự phòng tham nhũng vào Uỷ ban Giám sát Nhà nước được coi là bước cải cách thể chế giám sát nhà nước, nhằm tăng cường tăng cường lãnh đạo thống nhất của Đảng cộng sản Trung Quốc về công tác chống tham nhũng. Việc hiến định địa vị của Uỷ ban Giám sát Nhà nước, đồng thời xác định rõ vị trí tính chất và chức trách chức năng của nó được kỳ vọng là giải pháp hữu hiệu thúc đẩy việc giám sát toàn bộ các hoạt động của các công chức mà sở hữu sử dụng quyền lực công được tiến hành một cách triệt để, hiệu quả [180,181].
Phụ lục 2: Hoạt động xem xét các báo cáo công tác của Chính phủ tại các kỳ họp Quốc hội, nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII
Trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, Quốc hội đã thực hiện thường xuyên, nghiêm túc việc xem xét báo cáo công tác của Chính phủ, xem đây là trọng tâm của hoạt động giám sát đối với Chính phủ. Nghiên cứu thực tiễn hoạt động xem xét báo cáo tại các kỳ họp Quốc hội từ năm 2011 đến năm 2015 (nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội) cho thấy, Quốc hội đã xem xét 164 báo cáo công tác của Chính phủ (trong tổng số 215 báo cáo được Quốc hội xem xét trong nhiệm kỳ khoá XIII, có 06 báo cáo về công tác của các cơ quan; 15 báo cáo về kinh tế - xã hội; 11 báo cáo về tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; 25 báo cáo về tài chính - ngân sách; 13 báo cáo về các công trình quan trọng quốc gia; 16 báo cáo về hoạt động tư pháp và 129 báo cáo về chuyên ngành.), cụ thể là trong năm 2011 xem xét 18 báo cáo; năm 2012 xem xét 39 báo cáo; năm 2013 xem xét 24 báo cáo; năm 2014 xem xét 48 báo cáo; năm 2015 xem xét 35 báo cáo [107]. Về nội dung, các báo cáo của Chính phủ mà Quốc hội đã xem xét bao quát các mảng hoạt động của Chính phủ trong việc hoạch định và điều hình chính sách quốc gia, như báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước; báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; báo cáo về quyết toán ngân sách nhà nước; báo cáo về công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; báo cáo tình hình, kết quả thực hiện Luật thực hành tiết tiệm, chống lãng phí; báo cáo tình hình thực hiện các dự án quan trọng quốc gia (điện hạt nhân Ninh Thuận, Thuỷ điện Sơn La và Thuỷ điện Lai Châu, Dự án Thuỷ điện Thượng Kon Tum, Dự án Thuỷ điện Sông Bung 4, Dự án đầu tư xây dựng Cảng hàng không Quốc tế Long Thành, Dự án mở rộng Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Cần Thơ và đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh…); báo cáo về công tác triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013; báo cáo về sử dụng vốn vay, quản lý nợ công; báo cáo về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác bảo vệ môi trường; công tác quản lý, sử dụng quỹ bảo hiểm xã hội; báo cáo về việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới [107].
Sau khi xem xét báo cáo, nhiều nội dung đã được Quốc hội ban hành nghị quyết về công tác của Chính phủ, cụ thể như Nghị quyết số 10/2011/QH13 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015; Nghị quyết số 17/2011/QH13 về Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và Kế hoạch sử dụng đất 5 năm (2011- 2015) cấp quốc gia; Nghị quyết số 29/2012/QH13 về ban hành một số chính sách thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho tổ chức và cá nhân; Nghị quyết số
46/2013/QH13 về phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2011; Nghị quyết số 62/2013/QH13 về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện; Nghị quyết số 72/2014/QH13 về phân bổ, sử dụng nguồn tăng bội chi ngân sách nhà nước và giảm chi ngân sách trung ương năm 2013; Nghị quyết số 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình,sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Nghị quyết số 94/2015/QH13 về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; Nghị quyết số 143/2016/QH13 về công tác nhiệm kỳ 2011-2016 của Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước [107].
Phụ lục 3: Kết quả đạt được của Chính phủ trong việc xây dựng chính sách, pháp luật trong nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII
Trên cơ sở thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, tại các kỳ họp Quốc hội, Chính phủ đã nghiêm túc báo cáo Quốc hội về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Đồng thời, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương tiến hành rà soát toàn diện các luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội đã có hiệu lực hoặc sẽ có hiệu lực để xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành theo quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật và Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội nhiệm kỳ khóa XIII. Thông qua hoạt động rà soát, “các bộ, ngành, địa phương đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, bãi bỏ hoặc ban hành mới đối với 286 văn bản. Cụ thể: 92 Luật; 02 Nghị quyết của Quốc hội; 27 Pháp lệnh của Ủy ban thường vụ Quốc hội; 124 văn bản của Chính phủ, TTCP, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ; 41 văn bản của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp (06 địa phương)” [108]. Ngoài ra, công tác xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã được Chính phủ, TTCP đặc biệt quan tâm, chú trọng. Qua kết quả rà soát, thống kê từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII (tháng 7 năm 2011) đến tháng 10 năm 2015, “Quốc hội, Uỷ ban hường vụ Quốc hội đã thông qua 99 luật, pháp lệnh, trong đó 91/99 luật, pháp luật có nội dung giao Chính phủ, TTCP và các Bộ, cơ quan ngang Bộ qui định chi tiết, hướng dẫn thi hành” [107]. Để qui định chi tiết các luật, pháp lệnh nêu trên, “Trong khoảng thời gian từ tháng 7 năm 2011 đến tháng 10 năm 2015, Chính phủ, TTCP đã ban hành 1.069 văn bản quy phạm pháp luật, trong đó 715 nghị định và 354 quyết định” [40].
Dưới sự giám sát của Quốc hội, công tác xây dựng, ban hành văn bản qui định chi tiết của Chính phủ đã có những cải thiện: chất lượng các văn bản do Chính phủ ban hành ngày càng được nâng cao; Chính phủ đã có những phản ứng chính sách nhanh chóng, kịp thời để tháo gỡ những vướng mắc, bức xúc của nhân dân liên quan đến tính khả thi của các quy định; tiến độ ban hành văn bản qui định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh nhanh hơn; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành đã giảm rõ rệt qua từng năm công tác (năm 2011 nợ 33 văn bản, năm 2012 nợ 24 văn bản, năm 2013 nợ 17 văn bản, năm 2014 nợ 6 văn bản, năm 2015 nợ 4 văn bản) [40], tính đến 21/10/2015, Chính phủ chỉ còn nợ 57 văn bản chưa ban hành bao gồm 12 Nghị định, 36 Thông tư, 09 Thông tư liên tịch [107] qua giám sát đã làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu khi để xảy ra tình trạng chậm trễ ban hành văn bản, công tác xây dựng, ban hành văn bản qui định chi tiết bảo đảm thống nhất, gắn kết công tác xây dựng với thi hành [40].
Phụ lục 4: Hoạt động giám sát chuyên đề của Quốc hội nhiệm kỳ Quốc hội khoá XIII.
Cụ thể là từ Kỳ họp thứ 2 (20/10/2011- 26/11/2011) đến Kỳ họp thứ 9 (20/5/2015 -19/6/2015) Quốc hội đã lần lượt tiến hành giám sát chuyên đề sau:
- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về môi trường tại các khu kinh tế, làng nghề (Kỳ họp thứ 2);
- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư công cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn (Kỳ họp thứ 3); - Việc thực hiện chính sách, pháp luật trong giải quyết khiếu nại tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai (Kỳ họp thứ 4);
- Việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006- 2012 (Kỳ họp thứ 5);
- Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế, giai đoạn 2009- 2012 (Kỳ họp thứ 6); - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012 (Kỳ họp thứ 7);
- Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng theo Nghị quyết số 10/2011/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2011-2015 (Kỳ họp thứ 8);
- Tình hình oan sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự
và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo qui định của pháp luật (Kỳ họp thứ 9); - Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất đai tại các nông trường, lâm trường quốc doanh, giai đoạn 2004-2014 (Kỳ họp thứ 10) [107].
Phụ lục 5: Các vụ án lớn về kinh tế, tham nhũng được đưa ra xét xử trong năm 2018
Năm 2018, hệ thống Toà án nhân dân cả nước đã đưa ra xét xử kịp thời, nghiêm minh các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp và các vụ án dư luận xã hội quan tâm, góp phần đấu tranh phòng chống tham nhũng, xây dựng môi trường sản xuất, kinh doanh lành mạnh. Điển hình là:
- Vụ án Đinh La Thăng phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Lạm dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản” liên quan đến việc góp vốn 800 tỷ đồng của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) vào Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại Dương (Oceanbank).
- Vụ án Trịnh Xuân Thanh phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “Tham ô tài sản” xảy ra tại Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC và Công ty Cổ phần Bất động sản Điện lực dầu khí Việt Nam – PVP Land.
- Vụ án Phan Văn Vĩnh (nguyên Trung tướng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát), Nguyễn Thanh Hoá (nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao), Nguyễn Văn Dương và đồng phạm phạm tội “Sử dụng mạng Internet thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, “Tổ chức đánh bạc”, “Đánh bạc”, “Mua bán trái phép hoá đơn”, “Rửa tiền”, “Đưa hối lộ” và “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ” xảy ra tại tỉnh Phú Thọ và một số địa phương.
- Vụ án Hà Văn Thắm và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng”, “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và “tham ô tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đại dương – Ocean Bank.
- Vụ án Trần Phương Bình và đồng phạm phạm tội “Cố ý làm trái qui định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” và “lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông A – DAB; vụ án Phạm Ngọc Ngoạn phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty in, thương mại và dịch vụ AGRIBANK.
- Vụ án Bùi Văn Khen phạm tội “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính thuộc Ngân hàng Đầu tư và phát triển Việt Nam.
- Vụ án Châu Thị Thu Nga phạm tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty cổ phần tập đoàn đầu tư xây dựng nhà đất (Housing Group) [88].
Phụ lục 6: Những phát hiện của Kiểm toán Nhà nước liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ trong năm 2017 và 2018
Trong năm 2017, 2018, Kiểm toán Nhà nước thông qua việc kiểm toán quyết toán ngân sách Nhà nước đã đã tập trung kiểm toán những lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực thuộc phạm vi quản lý của Chính phủ như: đầu tư xây dựng cơ bản; đất đai: khai thác tài nguyên, khoáng sản: dự án đầu tư xây dựng theo hình thức hợp đồng BT, BOT... Với tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm KTNN đã phát hiện ra nhiều vấn đề liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của Chính phủ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ được dư luận đánh giá cao và có ý nghĩa quan trọng trong việc kiểm soát quyền hành pháp của Chính phủ. Cụ thể là:
Trong năm 2017, KTNN đã tiến hành kiểm toán tại 229 đơn - vị, đầu mối (trong đó có 13 Bộ, ngành, cơ quan trung