7. Kết cấu của luận văn
1.3.1.2 Hệ thống các biện pháp tạo động lực làm việc cho viên chức
Có rất nhiều biện pháp nhằm tạo động lực làm việc cho viên chức. Dưới đây là một số biện pháp cụ thể tùy thuộc vào thực tế hoạt động của tổ chức mà nhà quản lý lựa chọn biện pháp tạo động lực phù hợp.
• Tạo động lực làm việc thông qua các biện pháp tài chính
Theo thuyết nhu cầu của Maslow, thì các biện pháp tài chính là những biện pháp tác động đến nhu cầu cơ bản của người lao động, là những biện pháp mang tính kinh tế, vật chất là chủ yếu, có tác dụng duy trì động lực làm việc cho viên chức giáo dục.
Tạo động lực thông qua lương
Đối với viên chức thì tiền lương chính là khoản thu nhập chính trong hệ thống thù lao mà viên chức nhận được. Khi tiền lương quá thấp, không đủ để viên chức tái sản xuất sức lao động, không đủ cho họ chi tiêu trang trải cho gia đình thì tiền lương không thể trở thành động lực, thậm chí còn triệt tiêu động lực. Đối với tổ chức thì tiền lương lại là khoản chi phí của tổ chức. Vì vậy, tổ chức phải biết tận dụng tối đa chức năng của tiền lương nhằm tạo động lực làm việc mạnh nhất cho viên chức trong tổ chức.
Tạo động lực thông qua thưởng
Tiền thưởng là khoản tiền bổ sung thêm ngoài tiền lương nhằm khuyến khích viên chức mà tiền lương không làm được. Tiền thưởng không những kích thích vật chất mà còn có tác dụng kích thích tinh thần cho viên chức, vì tiền thưởng là cơ sở để đánh giá thành tích, tinh thần, trách nhiệm, trình độ làm việc...của viên chức. Khoản tiền thưởng sử dụng đúng cách, kịp thời sẽ có tác dụng thôi thúc lòng nhiệt huyết, sự nỗ lực phấn đấu, tinh thần trách nhiệm của viên chức để thi đua hoàn thành nhiệm vụ.
Tạo động lực thông qua phụ cấp, phúc lợi
Phụ cấp là khoản mà tổ chức trả thêm cho viên chức, do họ đảm nhận thêm trách nhiệm hoặc do họ phải làm việc trong những điều kiện không bình thường hoặc không ổn định. Phụ cấp có tác dụng kích thích viên chức thực hiện tốt hơn công việc của mình trong điều kiện phức tạp, khó khăn hơn mức bình thường đồng thời cũng tạo ra sự công bằng trong môi trường làm việc khác nhau. Qua đó, giúp viên chức yên tâm và có trách nhiệm hơn với công việc của mình.
Phúc lợi cho viên chức được hiểu bao gồm tất cả các khoản thù lao tài chính mà viên chức nhận được ngoài các khoản thù lao trực tiếp. Phúc lợi góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của viên chức sẽ thúc đẩy viên chức nâng cao năng suất lao động, tạo dựng niềm tin của viên chức với tổ chức.
Tóm lại, tiền lương và phụ cấp của viên chức là khoản thu nhập chính thức của viên chức nhận được hàng tháng từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập theo quy định của pháp luật. Tiền lương và phụ cấp được trả theo vị trí công việc trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh và hiệu quả thực thi công việc. Có thể nói, tiền lương và phụ cấp là nguồn sống chính, là khoản thu nhập chủ yếu, có ảnh hưởng trực tiếp đến mức sống của đại đa số VC. Vì vậy, khi tiền lương thấp, không đủ sống thì VC sẽ tìm mọi cách để gia tăng thu nhập từ những khoản ngoài lương. Trong nhiều trường hợp, tiền lương không còn là thu nhập chính của viên chức giáo dục, từ đó làm mất dần chức năng kích thích người lao động làm việc, tạo nên tâm lý bất mãn, chán nản, mất động lực làm việc.
Muốn duy trì động lực làm việc, chế độ tiền lương cần phải đảm bảo nguyên tắc công bằng, chi trả lương tương xứng với sức lao động và sự cống hiến cho tổ chức của viên chức giáo dục. Đối với đơn vị sự nghiệp giáo dục công lập hiện nay, việc trả lương được tự chủ hơn khi có quỹ lương riêng của đơn vị, do đó bên cạnh hệ thống trả lương theo ngạch, bậc, thang, bảng lương cần xây dựng hệ thống trả lương theo thành tích, hiệu quả thực hiện công việc.
• Tạo động lực làm việc thông qua các biện pháp phi tài chính
Khi nhu cầu tài chính được đảm bảo thì nhu cầu về tinh thần cũng được nâng cao. Do vậy, sử dụng những biện pháp nhằm thoả mãn nhu cầu về mặt tinh thần tức là dùng lợi ích tinh thần sẽ góp phần nâng cao tính tích cực làm việc của viên chức.
Tạo động lực làm việc thông qua công việc
Công việc bao gồm tất cả những hoạt động mà cơ quan, tổ chức giao cho người lao động và họ phải có trách nhiệm, nghĩa vụ hoàn thành nó.
Phân tích công việc là quá trình thu thập các tư liệu và đánh giá một cách có hệ thống các thông tin quan trọng có liên quan đến các công việc cụ thể trong tổ chức nhằm làm rõ bản chất của từng công việc. Đối với người lao động, phân tích công việc rõ ràng sẽ giúp người lao động hiểu được công việc của họ, họ biết được các hoạt động mà mình phải làm.
Đánh giá thực hiện công việc được hiểu là sự đánh giá có hệ thống và chính thức tình hình thực hiện công việc của viên chức trong quan hệ so sánh với các tiêu chuẩn đã được xây dựng và thảo luận về sự đánh giá đó với người lao động.
Tạo động lực thông qua đào tạo và thăng tiến
Đào tạo giúp bồi đáp những kiến thức và kỹ năng cần thiết cho công việc của người lao động để họ có khả năng vận dụng vào công việc. Thăng tiến là việc một người lao động được chuyển lên một vị trí làm việc cao hơn, có uy tín và trách nhiệm lớn hơn, có các điều kiện làm việc tốt hơn và các cơ hội phát triển nhiều hơn. Thăng tiến có thể đáp ứng được nhu cầu về nhân lực và phát triển của doanh nghiệp, đồng thời sử dụng được tài năng của người lao động. Do vậy, đào tạo và cơ hội thăng tiến đều là những hình thức tạo động lực làm việc cho người lao động.
Tạo động lực thông qua điều kiện làm việc
Môi trường và điều kiện làm việc là một yếu tố quan trọng có ảnh hưởng lớn đến sức khỏe về thể chất và tinh thần, từ đó tác động đến khả năng làm việc, thái độ làm việc và hiệu quả công việc của VC. Do vậy, việc xây dựng môi trường làm việc thân thiện, hợp tác, bầu không khí lao động lành mạnh, lề lối làm việc chuẩn mực, các mối quan hệ cá nhân hòa đồng, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau... cũng góp phần duy trì động lực làm việc cho viên chức, giúp họ cảm thấy thoải mái, yêu thích gắn bó với đồng nghiệp, với công việc và với tổ chức. Để xây dựng môi trường làm việc, văn hóa công sở lành mạnh, thân thiện phải có quá trình lâu dài với sự góp sức của tập thể người lao động, trong đó chịu ảnh hưởng lớn từ phong cách của nhà lãnh đạo.
Tạo động lực thông qua bầu không khí làm việc
Trong tổ chức luôn duy trì được bầu không khí làm việc thân thiện, mọi người tôn trọng lẫn nhau, thường xuyên giúp đỡ lẫn nhau, quan hệ giữa cấp trên và cấp dưới không quá căng thẳng, phong cách làm việc chuyên nghiệp…sẽ tạo tâm lý làm việc thoải mái cho nhân viên, mỗi nhân viên luôn luôn có nỗ lực phấn đấu không ngừng và luôn duy trì được không khí vui vẻ, thân thiện trong suốt quá trình làm việc, tạo điều kiện nâng cao hiệu quả làm việc.