1.3.2.1. Môi trường, điều kiện làm việc và cơ hội thăng tiến Môi trường, điều kiện làm việc
Môi trường làm việc là một khái niệm rộng bao gồm tất cả những gì có liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động và sự phát triển, nâng cao năng lực công tác của mỗi cá nhân, cán bộ, công chức (bao gồm môi trường bên trong và môi trường bên ngoài).
Môi trường làm việc đối với công chức phường (được tiếp cận là môi trường bên trong) bao gồm: Cơ sở vật chất, tinh thần, chế độ chính sách, mối quan hệ giữa lãnh đạo đối với nhân viên và giữa nhân viên với nhân viên… trong một cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Môi trường làm việc tốt là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến sự phát triển của cán bộ, công chức cũng như quyết định đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Điều kiện lao động tại nơi làm việc là tập hợp các yếu tố của môi trường lao động, bao gồm các yếu tố vệ sinh, tâm sinh lý, tâm lý xã hội và thẩm mỹ có tác động tới trạng thái chức năng cơ thể con người, khả năng làm việc, thái độ lao động, sức khỏe, quá trình tái sản xuất sức lao động và hiệu quả lao động của họ ở hiện tại và trong tương lai. Nếu môi trường làm việc thuận lợi, phù hợp, các thành viên trong tổ chức sẽ cảm thấy thoải mái về tinh thần, giảm stress, có khả năng phục hồi làm việc cao... qua đó động lực làm việc sẽ tăng lên.
Môi trường làm việc tốt là một yếu tố góp phần tạo nên động lực làm việc cho công chức phường. Ngược lại, nếu môi trường làm việc hạn chế, thiếu thốn điều kiện, trang thiết bị, thiếu sự hợp tác giữa các thành viên vừa ảnh hưởng đến kết quả làm việc, vừa làm cho công chức phường cảm thấy chán nản, thiếu động lực làm việc.
Cơ hội thăng tiến
Động lực làm việc của công chức trong các cơ quan hành chính nhà nước nói chung chịu tác động rất lớn của những cơ hội thăng tiến. Đó có thể là thăng tiến trong
một ngạch bậc lương, đề bạt từ ngạch thấp đến ngạch cao đòi hỏi thông qua các kỳ thi tuyển, thăng tiến trong một chức vụ chuyên môn, chính trị,... Những cơ hội thăng tiến này cũng là yếu tố thúc đẩy, tạo động lực làm việc hăng say cho công chức.
Đối với công chức phường, cơ hội thăng tiến là động lực phấn đấu rất quan trọng, nó khẳng định những gì công chức có thể làm được, đạt được và mong muốn những vị trí cao hơn họ có thể đảm nhận. Cơ hội thăng tiến có thể là việc được xếp vào ngạch công chức, nâng ngạch lương, luân chuyển, quy hoạch để đảm nhận những vị trí cán bộ chủ chốt của Đảng và chính quyền hoặc được điều động, luân chuyển công tác lên các cấp cao hơn.
1.3.3.2. Phong cách lãnh đạo, văn hoá tố chức Phong cách lãnh đạo
Có 3 phong cách lãnh đạo cơ bản: Phong cách lãnh đạo chuyên quyền, Phong cách lãnh đạo dân chủ, Phong cách lãnh đạo tự do. Tuy nhiên, có thể thấy, không có phong cách lãnh đạo nào là hoàn hảo, là tối ưu trong mọi trường hợp. Người lãnh đạo cần xác định cho mình một phong cách lãnh đạo phù hợp nhất với đặc điểm của tổ chức mình, với môi trường làm việc để có thể phát huy cao nhất khả năng của bản thân nhà lãnh đạo cũng như khai thác năng lực, tiềm năng của nhân viên, lôi cuốn họ vào việc đạt mục tiêu của tổ chức. Khi cấp dưới luôn cảm thấy họ có ý nghĩa, họ là một phần của công việc, của tổ chức, họ thấy hưng phấn trong công việc cũng có nghĩa là họ có động lực để làm việc.
Văn hóa tổ chức
Là toàn bộ các giá trị được gây dựng nên trong suốt quá trình tồn tại và phát triển của một tổ chức, đó là các giá trị, các quan niệm và tập quán, truyền thống ăn sâu vào hoạt động của tổ chức ấy và chi phối tình cảm, nếp suy nghĩ và hành vi của mọi thành viên của tổ chức trong việc theo đuổi và thực hiện các mục đích.
Văn hóa tổ chức là điều khó thấy, khó nhận biết, tiềm ẩn nhưng sự tồn tại, sự hiện diện của nó đều được tất cả mọi người thừa nhận. Sự ảnh hưởng của văn hóa tổ chức tới các hoạt động của tổ chức được biểu hiện rất đa dạng dưới nhiều góc độ với những mức độ khác nhau. Với động lực làm việc của người lao động trong tổ chức, văn hóa tổ chức cũng có những ảnh hưởng khá rõ ràng.