Hạ tầng CSVC về CNTT tuy đã được đầu tư khá đầy đủ, tuy nhiên do các thiết bị điện tử có tuổi thọ sử dụng nên một số đã xuống cấp, các nhà trường chưa đầu tư sửa chữa kịp thời. Các trường đều có website riêng nhưng tầng suất cập nhật thông tin rất ít dẫn đến việc kết nối thông tin còn hạn chế, chưa phục vụ được người dân và phụ huynh học sinh kịp thời.
Nhận thức của một số CBQL, GV, NV có tư tưởng ngại đổi mới phương thức quản lý và thiếu kỹ năng CNTT. Một số CBQL và nhân viên chưa cố gắng tự học, tự rèn để nâng cao khả năng ứng dụng CNTT vào công việc của mình. Chủ yếu các đối tượng này ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của nhóm giáo viên tin học là chính.
Số ít CBQL còn chưa nhận thức đầy đủ, còn xem nhẹ công tác này nên chưa quan tâm chỉ đạo sâu sát. Dẫn đến chưa xây dựng được đội ngũ cốt cán, chưa có cán bộ đủ tầm để tham mưu cho lãnh đạo trong việc phát triển CNTT trong nhà trường. Trình độ về tin học của đội ngũ giáo viên cốt cán giúp việc về tin học trong nhà trường còn chưa cao để tự xây dựng được các phần mềm tiện ích đơn giản, thiết thực phù hợp với thực tế để phục vụ cho công tác quản lý tại các nhà trường.
Nhà trường có chú ý xây dựng kế hoạch ứng dụng CNTT, tuy nhiên chưa xây dựng được kế hoạch, chiến lược phát triển CNTT đảm bảo tính khoa học, chi tiết, khả thi. Khi xây dựng chưa khảo sát đánh giá thực trạng và đánh giá đúng, khai thác hợp lý các nguồn lực CNTT trong nhà trường. Công tác đào tạo bồi dưỡng nhân lực tại chỗ chưa được chú trọng quan tâm, mặc dù có kiến thức cơ bản về tin học nhưng kỹ năng sử dụng, khai thác các phần mềm
của đội ngũ CBQL, GV, NV còn yếu, dẫn đến chưa phát huy hết các tiện ích của phần mềm. Hằng năm chưa có sự chỉ đạo cụ thể việc cập nhật, nâng cấp các tính năng, thông tin trong phần mềm.
Trình độ tin học của CBQL, GV, NV thể hiện trên số liệu đạt tỷ lệ rất cao, tuy nhiên qua khảo sát chính những CBQL, GV, NV họ còn khiêm tốn và đánh giá khả năng sử dụng tin học trong ứng dụng CNTT của họ còn thấp so với trình độ được công nhận. Đặc biệt đối với đội ngũ nhân viên làm công tác gián tiếp hỗ trợ công tác quản lý như: Kế toán, Thủ quỹ, Văn thư, Y tế, Thư viện, … đa số chưa có trình độ đại học, kỹ năng sử dụng máy vi tính không cao nên cũng là yếu tố trở ngại cho việc ứng dụng CNTT, mà đây lại là lực lượng nòng cốt hỗ trợ cho công tác quản lý của CBQL.
Nhà trường chưa đưa ra được mô hình ứng dụng CNTT, công tác kiểm tra đôn đốc, đánh giá việc ứng dụng CNTT trong các nhà trường chưa thường xuyên, liên tục. Qua kiểm tra chưa có các tiêu chí đánh giá khen thưởng kịp thời các tập thể, cá nhân điển hình trong công tác ứng dụng CNTT.
Cán bộ chuyên trách về nội dung ứng dụng CNTT ở các nhà trường không có biên chế, tất cả đều kiêm nhiệm nên chất lượng, hiệu quả công việc còn bị hạn chế. Chế độ chính sách cho công tác ứng dụng CNTT chưa khuyến khích, thu hút đội ngũ thực hiện.