1.3. Hoạt động XHHGD tại các trường tiểu học
1.3.1. Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về hoạt động
Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, Đảng và Nhà nước luôn khẳng định trong mọi chủ trương, chính sách từ trước đến nay là phải huy động toàn xã hội làm giáo dục, thể hiện sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Giáo dục là sự nghiệp của quần chúng. Cần phải phát huy đầy đủ tính dân chủ XHCN, xây dựng mối quan hệ thật tốt, đoàn kết giữa thầy và trò, giữa trò với nhau, giữa cán bộ các cấp, giữa nhà trường và nhân dân để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ đó” (Hồ Chí Minh, 1962).
Nghị quyết TW 6 (Khóa IX) của Đảng tiếp tục khẳng định: “Xây dựng xã hội học tập, coi giáo dục là sự nghiệp của toàn dân và XHHGD là một giải pháp quan trọng để tiếp tục phát triển giáo dục.” (Đảng Cộng Sản Việt Nam, 2002).
Nghị quyết 05/2005/NQ-CP ngày 18/4/2005 (Chính phủ, 2005) và Nghị định số: 69/NĐ-CP ngày 30/5/2008 (Chính phủ, 2008) của Chính phủ đã cụ thể hóa quan điểm: XHHGD là quá trình giáo dục hóa xã hội, vận động và tổ chức sự tham gia rộng rãi của nhân dân, của toàn xã hội vào phát triển sự nghiệp giáo dục, làm cho xã hội trở thành một xã hội học tập; tạo lập và phát triển môi trường giáo dục lành mạnh; là đa dạng hóa sự đầu tư vào các loại hình giáo dục, các hình thức giáo dục dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước.
Luật GD 2005: “Phát triển GD, xây dựng xã hội học tập là sự nghiệp của Nhà nước, của toàn dân. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong phát triển sự nghiệp GD; thực hiện đa dạng hóa các loại hình trường và các hình thức GD; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp GD”. (Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2003).
Trong Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo 2011- 2020 (Bộ Giáo dục và Đào tạo, 2011), Chính phủ đã chỉ rõ: XHHGD là quá trình làm cho mọi người có nghĩa vụ xây dựng và tạo điều kiện cho giáo dục, tham gia vào sự nghiệp giáo dục; đổi mới căn bản, toàn diện để chấn hưng giáo dục và đào tạo thành một nền giáo dục
chủ hóa và hội nhập quốc tế; tạo bước phát triển mạnh về phát triển nguồn lực. Vì vậy, thực hiện XHHGD để huy động sức sức mạnh tổng hợp của toàn dân vào giáo dục là điều kiện tiên quyết để phát triển giáo dục, góp phần thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững của đất nước.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng đã đề ra: “Đẩy mạnh XHHGD và đào tạo… bổ sung chính sách ưu đãi để phát triển các trường ngoài công lập và các trung tâm học tập cộng đồng. Có lộ trình cụ thể cho việc chuyển đổi một số cơ sở GD, đào tạo công lập sang dân lập, tư thục…”. (Đảng Cộng Sản Việt Nam, 2006).
Hiến Pháp nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 28 tháng 11 năm 2013, Điều 61 ghi rõ: “Phát triển GD là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Nhà nước ưu tiên đầu tư và thu hút các nguồn đầu tư khác cho GD; chăm lo giáo dục mầm non; đảm bảo giáo dục tiểu học là bắt buộc, Nhà nước không thu học phí; từng bước phổ cập giáo dục trung học; phát triển giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp; thực hiện chính sách học bổng, học phí hợp lý. Nhà nước ưu tiên phát triển giáo dục ở miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; ưu tiên sử dụng, phát triển nhân tài; tạo điều kiện để người khuyết tật và người nghèo được học văn hóa và học nghề” (Quốc hội Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, 2013).
Trên cơ sở quan điểm của Đảng và Nhà nước, Chính phủ đã ban hành các văn bản về chính sách khuyến khích và đẩy mạnh hoạt động XHHGD và các lĩnh vực xã hội khác, đó là:
+ Nghị quyết số 90/CP ngày 21 tháng 8 năm 1997 về phương hướng và chủ trương XHH các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa;
+ Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 19 tháng 8 năm 1999 về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao;
+ Nghị định số 53/2006/NĐ-CP, ngày 25/5/2006 của Chính phủ về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập;
+ Nghị định số 69/2008/NĐ-CP, ngày 30/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với các hoạt động trong lĩnh vực giáo dục, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể thao, môi trường;
+ Thông tư số 16/2018/TT-BGDĐT, ngày 03 tháng 8 năm 2018 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân.
Như vậy, có thể khẳng định, Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến hoạt động XHHGD; luôn nhất quán quan điểm về phát triển giáo dục và đào tạo theo phương châm xã hội hóa; thực hiện tốt hoạt động XHHGD để huy động sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội chăm lo cho sự phát triển sự nghiệp giáo dục và đào tạo, làm tiền đề để phát triển đất nước và hội nhập quốc tế.