1.5.1. Các yếu tố khách quan
1.5.1.1. Nhận thức của xã hội
Ngành giáo dục là cơ quan chuyên môn tham mưu cho các cấp lãnh đạo xây dựng kế hoạch XHHGD phù hợp với tình hình giáo dục của địa phương, thành lập Hội đồng giáo dục các cấp và tổ chức các hoạt động có hiệu quả (huy động các nguồn lựcxã hội, đa dạng hóa loại hình giáo dục để phát triển quy mô giáo dục, nâng cao chất lượng giáo dục,…) nhằm đáp ứng yêu cầu kinh tế- xã hộiở địa phương.
Nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ học sinh, của cộng đồng về hoạt động XHHGD là rất quan trọng, góp phần tích cực vào việc xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, bảo đảm điều kiện cho việc nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.
1.5.1.2. Về chính trị - xã hội
Đảng và Nhà nước ta đang có những chủ trương, chính sách cụ thể về hoạt động XHHGD thông qua các chỉ thị, nghị quyết về hoạt động XHHGD; đồng thời có kế hoạch tổ chức triển khai, quán triệt trong nội bộ Đảng, trong các tổ chức chính trị… Trên cơ sở đó, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư, tạo sự chuyển biến mạnh
mẽ về nhận thức, là cơ sở để huy động các lực lượng xã hội tham gia vào sự nghiệp giáo dục. Nhà nước đề ra các chính sách cụ thể nhằm tạo cơ hội học tập cho mọi người, nhất là thanh thiếu niên trong độ tuổi, tham gia học tập để nâng cao trình độ, từng bước tiến đến xây dựng một xã hội học tập; tăng cường huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục; chú trọng đến việc đa dạng hóa các loại hình trường lớp và phương thức đào tạo,… đặc biệt quan tâm đến việc quản lý Nhà nước về giáo dục trên địa bàn.
Với quan điểm GD là sự nghiệp của toàn xã hội, của toàn dân, thực hiện tốt hoạt động XHHGD trên cơ sở huy động các nguồn lực đầu tư cho giáo dục, huy động các lực lượng xã hội tham gia xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, là động lực thúc đẩy giáo dục phát triển, đáp ứng yêu cầu KT-XH của địa phương.
1.5.1.3. Điều kiện kinh tế - văn hóa
Yếu tố kinh tế, đời sống ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống xã hội và có tác động qua lại đối với giáo dục. Kinh tế phát triển là điều kiện thuận lợi tạo nguồn lực đầu tư để giáo dục phát triển. Khi địa phương có nền kinh tế chậm phát triển, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn thì sẽ hạn chế việc huy động các nguồn lực xã hội trong việc thực hiện các mục tiêu XHHGD.
Yếu tố văn hóa có ảnh hưởng đến điều kiện để phát triển giáo dục. Đời sống văn hóa phong phú góp phần thúc đẩy giáo dục phát triển. Môi trường xã hội có văn hóa là điều kiện để hình thành và phát triển nhân cách con người. Môi trường xã hội có văn hóa còn tạo điều kiện thuận lợi để mọi người có nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tham gia nghiên cứu, học tập; đồng thời tham gia vào quá trình sáng tạo các giá trị văn hóa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cuộc sống.
1.5.1.4. Truyền thống hiếu học
Địa phương có truyền thống hiếu học tốt sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần, thái độ học tập của học sinh và cộng đồng. Những tấm gương của gia đình hiếu học, của dòng họ hiếu học sẽ tác động mạnh mẽ đến ý thức học tập con cháu, tạo niềm tin để học sinh phấn đấu và rèn luyện, học tập. Đây là điều kiện thuận lợi để dấy lên phong trào học tập trong cộng đồng, góp phần phát triển giáo dục ở địa phương.
1.5.2. Các yếu tố chủ quan
1.5.2.1. Cán bộ quản lý với hoạt động XHHGD
Trong hoạt động XHHGD, ngành giáo dục luôn đóng vai trò quan trọng nhất. Cán bộ quản lý phải tham mưu kịp thời cho địa phương để xây dựng và thực hiện hoạt động XHHGD cho phù hợp và đạt hiệu quả. Vì vậy, đội ngũ cán bộ quản lý trước hết phải có những nhận thức đúng đắn về ý nghĩa, vai trò, nội dung của hoạt động XHHGD để tham mưu và tổ chức các hoạt động XHHGD trong nhà trường. Người cán bộ quản lý phát huy tốt vai trò của mình trong việc tham mưu cho chính quyền địa phương, tổ chức tốt các hoạt động XHHGD của nhà trường, sẽ nhanh chóng góp phần phát triển nhà trường và nâng cao chất lượng giáo dục. Ngược lại, khi cán bộ quản lý chưa nhận thức đúng đắn về hoạt động XHHGD, công tác tham mưu cho chính quyền địa phương hạn chế thì những nơi đó, hoạt động XHHGD sẽ khó khăn, chậm chạp, làm ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo.
Nhận thức của cán bộ quản lý được thể hiện qua việc xây dựng kế hoạch cho hoạt động XHHGD, thành lập các tổ chức, phân công trách nhiệm các thành viên, tổ chức hoạt động, kiểm tra đôn đốc,…Nếu năng lực của cán bộ quản lý tốt, các hoạt động XHHGD trên sẽ lan tỏa đến thầy cô giáo, nhân viên, học sinh đến xã hội. Khi đó, hoạt động XHHGD của nhà trường sẽ được xã hội đồng thuận cao, hiệu quả hoạt động của XHHGD đem lại không nhỏ.
1.5.2.2. Giáo viên, nhân viên đối với hoạt động XHHGD
Giáo viên, nhân viên là những thành viên tích cực trực tiếp tham gia các hoạt động của hoạt động XHHGD. Họ là cầu nối giữa nhà trường với hội cha mẹ học sinh, giữa nhà trường với các đoàn thể xã hội. Thông qua hoạt động chủ nhiệm lớp, hoạt động dạy học, mối gắn kết của giáo viên và hội cha mẹ phụ huynh ngày càng chặt chẽ hơn trong việc giáo dục học sinh. Vì vậy, để hoạt động XHHGD có hiệu quả cao, không ngừng nâng cao nhận thức về XHHGD cho giáo viên, nhân viên là việc làm thường xuyên. Nếu tập thể giáo viên, nhân viên có nhận thức tốt, tham gia, đóng góp bằng sức lực và trí tuệ một cách tích cực vào các hoạt động XHHGD của nhà trường thì kết quả đạt được sẽ rất cao. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên động viên, đánh giá khen thưởng kịp thời để hoạt động XHHGD được duy trì thường xuyên và có kết quả tốt.
KẾT LUẬN CHƯƠNG 1
Qua việc nghiên cứu cơ sở lý luận của hoạt động XHHGD tại các trường TH chúng tôi nhận thấy rằng, XHHGD là việc tăng cường tính xã hội của giáo dục, gắn nhà trường với cộng đồng xã hội để phát huy tối đa vai trò và tạo điều kiện xã hội phát triển. Để đạt được mục tiêu của nó phải có sự quản lý của chủ thể quản lý. Nghĩa là phải có định hướng, có tổ chức của chủ thể quản lý đến đối tượng quản lý nhằm tạo ra sự phối hợp các lực lượng xã hội tham gia vào các hoạt động giáo dục của nhà trường trên địa bàn dân cư.
Thủ trưởng là người chịu trách nhiệm quản lý các hoạt động của đơn vị. Là người thực hiện các chủ trương về mục tiêu, dự án, kế hoạch và phương hướng phát triển của đơn vị. Giám sát việc thực hiện các quyết nghị của đơn vị. Xây dựng quy hoạch phát triển đơn vị. Quản lý nguồn lực, nhân lực của đơn vị. Trong hoạt động XHHGD toàn bộ trách nhiệm đặt trên vai thủ trưởng, là người đứng đầu, chịu trách nhiệm quản lý, điều hành mọi hoạt động quản lý của đơn vị. Muốn đạt được những yêu cầu đề ra, thủ trưởng phải có năng lực quản lý tốt các công việc, từ công tác chuyên môn đến nhân sự, tổ chức, tài chính … Chất lượng và hiệu quả giáo dục của các đơn vị là cái cơ bản nhất để tạo nên niềm tin của nhân dân, của các tổ chức đoàn thể đối với và thủ trưởng. Có như vậy, người đứng đầu cơ quan mới thành công trong hoạt động XHHGD.
Tóm lại, XHHGD là xu hướng phát triển tất yếu phù hợp quá trình XHH, quốc tế hóa nền kinh tế, phù hợp với cơ cấu kinh tế nhiều thành phần vận động trong cơ chế thị trường theo định hướng XHCN ở Việt Nam. Thực hiện XHHGD đảm bảo cho giáo dục thực sự là sự nghiệp của toàn dân, toàn xã hội, đảm bảo huy động mọi nguồn lực của xã hội để giáo dục nói chung, giáo dục TH nói riêng phát triển đáp ứng yêu cầu CNH-HĐH đất nước.
Chương 2
CƠ SỞ THỰC TIỄN VỀ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG XÃ HỘI HÓA GIÁO DỤC TẠI CÁC TRƯỜNG TIỂU HỌC
QUẬN 3, THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH