3.2. Nhóm các biện pháp nhằm năng cao hoạt động quản lý công tác
3.2.3. Biện pháp 3: Tổ chức hợp lí bộ máy vận động công tác XHHGD
3.2.3.1. Mục đích của biện pháp
Nâng cao trách nhiệm của BGH về công tác tổ chức bộ máy XHHGD tại các trường.
Hoàn thiện bộ chuyên trách của trường về công tác XHHGD, nhằm nâng cao hiệu quả của hoạt động này.
Đa dạng hóa các thành phần tham gia công tác XHHGD tại các trường tiểu học. Động viên khuyến khích các cá nhân tham gia công tác XHHGD dưới nhiều hình thức khác nhau.
3.2.3.2. Nội dung và cách thức thực hiện biện pháp
Hiệu trưởng chủ động tham mưu với hội đồng giáo dục về thành phần tham gia Ban chỉ đạo hoạt động XHHGD do lãnh đạo UBND làm trưởng ban (Chủ tịch hoặc phó chủ tịch), đại diện Ban giám hiệu các trường đóng trên địa bàn làm phó ban thường trực và đại diện lãnh đạo một số ban ngành, đoàn thể làm thành viên.
Tham mưu xây dựng quy chế làm việc, kế hoạch hoạt động hàng năm của Ban chỉ đạo hoạt động XHHGD, quy chế phối hợp giữa các ban ngành, đoàn thể để tạo cơ sở pháp lý cho việc điều hành hoạt động XHHGD. Hiệu trưởng cần định hướng những vấn đề cốt lõi, cụ thể hóa các văn bản chỉ đạo gồm: Nghị quyết, chỉ thị của các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương về hoạt động XHHGD ở trường TH; Điều lệ tổ chức và Quy chế hoạt động của Hội đồng giáo dục cơ sở, quy chế hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh. Tham mưu thành lập, củng cố kiện toàn Hội đồng GD, Hội khuyến học, Ban đại diện cha mẹ học sinh nhằm hỗ trợ các hoạt động GD.
Hiệu trưởng cần nắm vững các yêu cầu cơ bản về phân công nhiệm vụ cho các thành viên, các nhóm sao cho phù hợp với năng lực, sở trường, điều kiện làm việc để ít tốn kém thời gian, công sức nhưng đạt hiệu quả cao. Hiệu trưởng dựa vào bộ máy tổ chức, cơ cấu nhân sự hiện có để quản lý, điều hành việc tham gia của tập thể cán bộ GV. Trực tiếp tham mưu cho Ban chỉ đạo hoạt động XHHGD về nguồn kinh phí để bộ máy hoạt động và các nguồn kinh phí có được từ vận động các lực lượng xã hội đóng góp.
Để các nội dung trên thực hiện có hiệu quả, trước hết yêu cầu về năng lực và phẩm chất đạo đức của Hiệu trưởng là yếu tố quan trọng để tạo nên thành quả giáo dục của nhà trường. Thành quả giáo dục sẽ ảnh hưởng tốt đến dư luận, tạo niềm tin của toàn xã hội đối với nhà trường.
Tiến hành công tác tham mưu, hiến kế, đề xuất với các cấp ủy Đảng, HĐND, UBND các cấp của Hiệu trưởng để biến các yêu cầu, mục tiêu XHHGD của nhà trường thành các Nghị quyết, chủ trương của lãnh đạo địa phương. Từ đó, nhà trường có cơ sở pháp lý cho việc triển khai thực hiện hoạt động XHHGD.
Hiệu trưởng nhà trường khi tiến hành xây dựng kế hoạch nhà trường cần thật cụ thể, khoa học thể hiện đúng các chức năng quản lý trong giáo dục từ xây dựng kế hoạch đến tổ chức thực hiện, chỉ đạo cũng như kiểm tra và rút kinh nghiệm.
Nhà trường luôn phải là vị trí trung tâm trong hệ thống các mối quan hệ về tổ chức, sự tham gia của các lực lượng xã hội, tạo ra cơ chế phối hợp khi thực hiện các hoạt động XHHGD nhà trường.
Các hoạt động của Hiệu trưởng luôn luôn thể hiện sự quan tâm, hỗ trợ, động viên cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng khối đoàn kết nội bộ, thống nhất cao từ ý chí và hành động, suy nghĩ và việc làm.
Đảm bảo chỉ đạo việc dạy và học có hiệu quả, phù hợp với đối tượng học sinh. Luôn phát huy tính chủ động, sáng tạo của thầy cô giáo đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp giáo dục hiện nay.