Trong công trình "Nghiên cứu động cơ, vấn đề cấp thiết" của Mạc Văn Trang (2010): Động lực lao động và động cơ lao động đều xuất phát từ bên trong bản thân người lao động và chịu sự tác động mang tính chất quyết định từ phía bản thân người lao động; Động cơ và động lực lao động mang tính trừu tượng, đều là những cái không nhìn thấy được mà chỉ thấy được thông qua quan sát hành vi của người lao động rồi phỏng đoán; Động cơ và động lực lao động có mối quan hệ chặt chẽ
mật thiết với nhau; Động cơ là cơ sở, tiền đề hình thành nên động lực lao động, ngược lại động lực lao động sẽ góp phần củng cố động cơ lao động; Động cơ lao động là cái dẫn dắt thúc đẩy con người đi tìm cho mình một công việc phù hợp và trong quá trình làm việc dưới sự tác động của nhiều yếu tố thì động lực lao động có thể xuất hiện với các mức độ khác nhau; Động cơ được hiểu là sự sẵn sàng, quyết tâm thực hiện với nỗ lực ở mức độ cao để đạt được các mục tiêu của tổ chức và nó phụ thuộc vào khả năng đạt được kết quả để thoả mãn được các nhu cầu cá nhân. Động cơ là kết quả của sự tương tác giữa các cá nhân và tình huống; Động cơ có tác dụng chi phối thúc đẩy người ta suy nghĩ và hành động. Các cá nhân khác nhau có các động cơ khác nhau, và trong các tình huống khác nhau động cơ nói chung là khác nhau. Mức độ thúc đẩy của động cơ cũng sẽ khác nhau giữa các cá nhân cũng như trong mỗi cá nhân ở các tình huống khác nhau.
Trong Luận án tiến sĩ "Quản lý tạo động lực làm việc cho giảng viên tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh" của tác giả Ngô Thị Hải Anh (2017): "Nhu cầu có thể được hiểu là trạng thái tâm lý mà con người cảm thấy thiếu thốn không thoả mãn về một cái gì đó". Tác giả luận án cũng cho rằng: "Nhu cầu chưa được thoả mãn tạo ra một tâm lý căng thẳng đối với con người khiến họ tìm cách để thoả mãn nhu cầu đó". Người lao động bị thúc đẩy bởi mong muốn thoả mãn những nhu cầu của cá nhân và để đạt được những mong muốn này họ phải nỗ lực. Mong muốn của họ càng lớn thì mức nỗ lực càng phải cao tức là động cơ càng lớn. Nếu những mong muốn này được thoả mãn thì mức độ mong muốn sẽ giảm đi. Nhu cầu và sự thoả mãn nhu cầu của người lạo động luôn gắn liền với trình độ phát triển của nền sản xuất xã hội và sự phân phối các giá trị vật chất và giá trị tinh thần trong điều kiện cụ thể của xã hội đó. Nhu cầu của người lao động gồm hai nhu cầu chính: Nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần. Trong đó nhu cầu vật chất là nhu cầu số một, nó đảm bảo cho người lao động có thể sống để lao động tạo ra của cải vật chất, thoả mãn được những nhu cầu cơ bản. Cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội, các nhu cầu về vật chất của con người ngày càng tăng lên về số lượng cũng như chất lượng. Trình độ phát triển kinh tế của xã hội ngày càng cao thì nhu cầu cũng ngày càng
nhiều hơn, càng đa dạng hơn, đặc biệt là những nhu cầu đơn giản nhất về vật chất cũng luôn thay đổi theo thời gian. Cùng với nhu cầu về vật chất, nhu cầu về tinh thần của người lao động cũng rất đa dạng, phong phú và không ngừng thay đổi. Nó đặt ra những điều kiện để con người phát triển về tri thức để tạo ra trạng thái tâm lý thoải mái trong quá trình lao động. Trên thực tế, mặc dù đời sống vật chất và đời sống tinh thần là hai lĩnh vực khác biệt song chúng lại có mối quan hệ chặt chẽ nhau. Trong các nhu cầu của đời sống vật chất cũng chứa đựng yếu tố về đời sống tinh thần và ngược lại, những động lực về tinh thần cũng phải được biểu hiện qua các yếu tố thuộc về vật chất thì sẽ có giá trị hơn.
Lợi ích vật chất và lợi ích tinh thần là mức độ thoả mãn nhu cầu vật chất và nhu cầu tinh thần của con người, trong đó nhu cầu là giữ vai trò quan trọng nhất của tạo ra động lực lao động. Với mỗi người lao động, mỗi loại lợi ích lại có ảnh hưởng đến việc tạo động lực khác nhau. Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể mà mỗi lợi trở nên cấp thiết hoặc trở thành thứ yếu đối với người lao động. Nhu cầu có mối quan hệ biện chứng với lợi ích. Nhu cầu là yếu tố có tính nền tảng, tiền đề của lợi ích. Nhu cầu là yếu tố nội dung còn lợi ích là yếu tố hình thức biểu hiện của nhu cầu. Bên cạnh đó, động lực làm việc có quan hệ rất chặt chẽ với lợi ích. Nhưng đôi khi lợi ích cá nhân người lao động lại mâu thuẫn với lợi ích của tổ chức. Để người lao động tự nguyện, tự giác thực hiện theo các định hướng của tổ chức cần phải truyền đạt cho họ nhận thức đầy đủ rằng những lợi ích của bản thân họ chỉ đạt được khi lợi ích của tổ chức đạt được như mục tiêu đề ra. Động lực lao động chỉ xuất hiện khi còn có khoảng nhất định cách giữa nhu cầu của cá nhân và sự thỏa mãn nhu cầu của cá nhân đó. Vì vậy, khi có khoảng cách này người lao động mới có động cơ và động lực thúc đẩy hành động để đáp ứng nhu cầu.