Các nhà nghiên cứu cũng như trong xã hội nói chung đều có cách hiểu tương đối thống nhất về định nghĩa “giảng viên” - những người giảng dạy ở trình độ cao đẳng, đại học và sau đại học. Luật Giáo dục 2005 (sửa đổi, bổ sung 2009) đã thống nhất về tên gọi nhà giáo dạy ở các cơ sở giáo dục: “Nhà giáo dạy ở cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp gọi là giáo viên; ở cơ sở giáo dục đại học gọi là giảng viên”. Giảng viên trước hết phải là những người có đủ kiến thức, kỹ năng nghề nghiệp trong lĩnh vực mà mình đảm trách giảng dạy. Cùng với đó người giảng viên nhất thiết phải có vốn tri thức bao quát về lĩnh vực chuyên môn mà mình đảm nhiệm, đồng thời cũng phải có tri thức liên ngành đáp ứng yêu cầu giảng dạy. Và quan trọng hơn nữa, giảng viên không những phải có hiểu sâu, nắm chắc những tri thức chuyên ngành mà còn phải có khả năng vận dụng những tri thức đó trong giải quyết những vấn đề thực tiễn đang đặt ra trong đời sống xã hội. Trình độ học vấn của giảng viên là yếu tố đầu tiên thể hiện điều này. Để đảm bảo thực hiện được và thực hiện có hiệu quả chức trách nghề nghiệp của người giảng viên, Luật Giáo dục đại học 2012 (Sửa đổi 2018) quy định về trình độ chuẩn giảng viên: “Trình độ chuẩn của chức danh giảng viên giảng dạy trình độ đại học là thạc sĩ trở lên" [46]. Nghiên cứu về hoạt động giảng dạy của giảng viên, Nguyễn Văn Lượt (2013) cho rằng: "Hoạt động giảng dạy của giảng viên đại học là hoạt động hướng
dẫn, điều khiển, điều chỉnh hoạt động học tập của sinh viên giúp họ chiếm lĩnh và sáng tạo thêm những tri thức, kỹ năng và thái độ do loài người phát hiện ra nhằm phát triển nhân cách toàn diện của họ, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước" [42].