Nguyễn Văn Lượt (2013) cho rằng: Động lực giảng dạy của giảng viên là cái thúc đẩy, tạo ra sức mạnh tinh thần, được nảy sinh từ nhu cầu mà đối tượng thỏa mãn nó đã được giảng viên ý thức rõ ràng, có chức năng định hướng, thúc đẩy và duy trì hoạt động giảng dạy của giảng viên nhằm chiếm lĩnh đối tượng đó. Nghiên cứu của tác giả Cảnh Chí Hoàng (2018) đưa ra kết luận: Động lực để phát huy vai trò đội ngũ giảng viên trong hoạt động giáo dục, đào tạo của nhà trường là hệ thống các yếu tố được thiết lập nhằm thúc đẩy giảng viên tích cực tự đào luyện, tự nghiên cứu, tự nâng cao trình độ, trong đó quan trọng nhất là trình độ giảng dạy và nghiên cứu khoa học [8]. Nghiên cứu "Quản lý tạo động lực làm việc cho giảng viên Trường Đại học Nội vụ" của tác giả Đỗ Khánh Năm (2017) cho rằng: (1) Một hệ thống phúc lợi lợi tốt sẽ tạo ra một "đòn bẩy" mạnh mẽ khiến giảng viên tích cực làm việc nhằm nâng cao chất lượng đào tạo của nhà trường; (2) Thiết lập văn hóa nhà trường là yếu tố tác động rất lớn đối với tập thể giảng viên. Đây là môi trường và cũng là phương tiện để mỗi giảng viên xác định các mục đích cống hiến, động cơ và thái độ tích cực trong công tác giảng dạy. Đồng thời có cơ hội thể hiện năng lực của bản thân, cơ hội học hỏi cũng như nhận được sự hỗ trợ hữu ích từ tập thể giảng viên trong nhà trường trong việc phát triển nghề nghiệp của cá nhân, đặc biệt đối với giảng viên trẻ; (3) Tạo mọi điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách, cử giảng viên đi đào tạo trong nước và ngoài nước để giảng viên được học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm, trình độ lý luận chính trị, năng lực nghiên cứu khoa học cũng góp phần tạo động lực cho giảng viên tích cực làm việc; (4) Tổ chức tốt công tác kiểm tra, đánh giá sẽ mang lại hiệu quả và tiết kiệm các nguồn lực cho nhà trường, đồng thời tạo nên tính chuyên nghiệp và là động lực thúc đẩy cá nhân giảng viên tiến bộ và phát triển [17].