tỉnh Thái Nguyên
Trong những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Thái Nguyên đã ban hành các văn bản phân công chỉ đạo, điều hành và thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm, triển khai đồng bộ, thống nhất trên địa bàn tỉnh; trong đó tập trung xây dựng kế hoạch triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19, xây dựng 08 chương trình, 16 đề án, 20 dự án công trình trọng điểm. Do vậy, việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và giai đoạn 2016 - 2020 cơ bản được thực hiện đúng theo kế hoạch đề ra.
Đáng chú ý, Thái Nguyên đã đạt được những kết quả lớn trên lĩnh vực đầu tư và xây dựng. Tổng vốn đầu tư trên địa bàn đạt 45,8 nghìn tỷ đồng. Riêng hoạt động xã hội hóa thu hút nguồn lực đầu tư đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2016, đã có nhiều tổ chức, doanh nghiệp, doanh nhân tham gia đóng góp xây dựng các công trình điện, đường, trường, trạm. Từ nguồn lực xã hội hóa đã có nhiều công trình đầu tư xây dựng như: công trình đường giao thông nông thôn, nhà văn hóa, các công trình trường, lớp học, kè, kênh mương, hồ đập... Số kinh phí xã hội hóa hoạt động đầu tư lên đến hàng trăm tỷ đồng. Tính lũy kế, trên địa bàn có 677 dự án đầu tư ngoài ngân sách với tổng mức đầu tư là 143 nghìn tỷ đồng. Đến nay, có 5.384 doanh nghiệp, tỷ lệ người dân/doanh nghiệp là 230 người/doanh nghiệp (cả nước là 160 người/doanh nghiệp).
Hiện nay, tại Thái Nguyên nhu cầu vốn cho đầu tư XDCB nói chung và thủy lợi nói riêng là rất lớn. Trong điều kiên ngân sách Nhà nước còn nhiều khó khăn, nguồn vốn viện trợ phát triển chính thức (ODA) có vai trò rất quan trọng. Trong lĩnh vực thủy lợi, sau Dự án Khôi phục thủy lợi và chống lũ bằng nguồn vốn ADB đầu tiên vào năm 1994, đến nay đã có thêm khá nhiều những dự án đầu tư bằng nguồn vốn ADB, WB, JICA... triển khai trên hầu hết các vùng miền của Tổ quốc, trong đó có tỉnh Thái Nguyên đã góp phần nâng cấp các hệ thống công trình thủy lợi, phục vụ phát triển nông nghiệp và các ngành kinh tế - xã hội khác, từng bước nâng cao mức đảm bảo an toàn trước thiên tai.
Tình hình thực hiện các dự án thường bị chậm ở nhiều khâu: chậm thủ tục, chậm triển khai, giải ngân chậm, tỷ lệ giải ngân thấp. Do vậy, thời gian hoàn thành dự án kéo dài làm phát sinh các khó khăn, đặc biệt là vốn đầu tư thực tế thường tăng hơn so với dự kiến và cam kết, đồng thời cũng làm giảm tính hiệu quả của dự án khi đi vào vận hành, khai thác.
Công tác theo dõi, đánh giá tình hình đầu tư dự án chưa đầy đủ, còn nhiều hạn chế. Đặc biệt là công tác theo dõi, thống kê, kiểm tra và đánh giá hiệu quả của công trình sau đầu tư còn bỏ ngỏ, ngoại trừ các dự án vay lại và đang trong thời gian trả nợ.