a. Căn cứ đề xuất giải pháp
- Hầu hết các hồ chứa chưa kiểm định an toàn đập, không có quy trình vận hành.
- Không có bản đồ ngập lụt vùng hạ du, chưa cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước
b. Nội dung của giải pháp
- Cải thiện an toàn hồ chứa và các công năng thiết kế của hồ chứa thông qua sửa chữa, nâng cấp, hồ đập thủy lợi. Hàng năm phải tổ chức kiểm tra hồ chứa định kỳ theo quy định để đánh giá mức độ tác động của thiên nhiên, khắc phục kịp thời những hư hỏng, lập kế hoạch vận hành và bảo trì để công trình sử dụng lâu dài và hiệu quả. Các hồ chứa có nguy cơ sự cố cao cần được sửa chữa, nâng cấp để tăng cường ổn định, bảo đảm thoát lũ và giảm thiểu rủi ro.
- Lập quy trình vận hành hồ chứa, quy trình vận hành cống, tràn xả lũ, quy trình điều tiết hồ chứa nước của các hồ chứa nước có công tác kiểm định an toàn đập phải được thực hiện theo quy định, triển khai phương án Phòng chống lụt bão tại các các hồ chứa đồng bộ, phù hợp với đặc điểm địa hình, phương tiện cơ giới và nhân lực ứng cứu tại chỗ.
- Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo các đơn vị quản lý hồ chứa nước phải lập QTVHĐT đối với hồ chứa nước đang khai thác nhưng chưa có QTVHĐT; bổ sung, sửa đổi QTVHĐT đối với hồ chứa nước đã có QTVHĐT nhưng không còn phù hợp thực tế (về yêu cầu cấp nước, phòng chống lũ, an toàn công trình...), lập hồ sơ trình cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt (UBND cấp tỉnh). Hàng năm, yêu cầu đơn vị quản lý hồ chứa nước phải tổng kết đánh giá việc thực hiện QTVHĐT. Trường hợp cần thiết kiến nghị cấp thẩm quyền bổ sung, sửa đổi QTVHĐT.
- Chỉ đạo việc thực hiện Kiểm định đập hồ chứa nước theo định kỳ 10 năm kể từ ngày hồ tích nước hoặc kể từ lần kiểm định gần nhất đối với các hồ chứa nước có dung tích trữ bằng hoặc lớn hơn 10.000.000 m3 (mười triệu mét khối); Đối với các hồ chứa có dung tích trữ dưới 10.000.000 m3 (mười triệu mét khối), theo định kỳ 7 năm, chủ đập phải tổ chức tính toán lại dòng chảy lũ đến hồ chứa, kiểm tra khả năng xả lũ của hồ chứa theo tiêu chuẩn thiết kế đập hiện hành, trên cơ sở cập nhật tài liệu quan trắc khí tượng thuỷ văn và các thay đổi về địa hình, địa mạo, độ che phủ của thảm thực vật trên lưu vực hồ chứa, lập hồ sơ báo cáo trình cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.
- Sở Nông nghiệp và PTNT chủ trì và chỉ đạo các đơn vị quản lý, vận hành hồ chứa có dung tích từ một triệu mét khối (1.000.000 m3) trở lên phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có hồ chứa xây dựng phương án cắm mốc giới hành lang bảo vệ nguồn nước hồ chứa.
- Tăng cường công tác chỉ đạo phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn và giảm nhẹ thiên tai tại tất cả các hồ chứa trên địa bàn toàn tỉnh. Hàng năm, trước mùa mưa lũ Ban chỉ đạo TKCN-GNTT của tỉnh phối hợp với huyện, xã và các đơn vị làm nhiệm vụ quản lý, vận hành, bảo vệ hồ chứa tổ chức diễn tập phòng chống lụt bão và thiên tai, giải quyết và xử lý các tình huống xảy ra.
- Đề ra các biện pháp tổng hợp nhằm phòng chống và hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra: Dự trữ vật tư, phương tiện cứu hộ; hàng hóa, thuốc men, nhu yếu phẩm cần thiết phục vụ công tác cứu hộ; thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ".
- Xây dựng bản đồ quy hoạch vùng hay xảy ra lũ lụt, thiên tai trên địa bàn toàn tỉnh. Từ đó đưa ra các biện pháp phòng tránh phù hợp và hiệu quả đối với từng hồ chứa.
- Bố trí thêm các trạm quan trắc dòng chảy trên sông thượng nguồn hồ chứa.
- Tăng cường công tác điều tra cơ bản về nguồn nước để chính xác hóa các giải pháp được đề xuất trong quy hoạch, có thể điều chỉnh kịp thời việc đầu tư khai thác hồ chứa cho phù hợp với thực tế và làm cơ sở dữ liệu phục vụ cho công tác chỉ đạo phòng tránh giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra: điều tra, thống kê số hồ chứa thượng, hạ lưu vực
sông; nguồn nước cấp bổ sung vào hệ thống hồ chứa; nguồn xả thải gây ô nhiễm nguồn nước vào hồ; lưu vực thoát lũ,...
c. Điều kiện thực hiện giải pháp
- Kinh phí để thực hiện lập quy trình, kiểm định đập, cắm mốc hành lang bảo vệ hồ chứa, thi công sửa chữa, gia cố, nâng cấp là rất lớn đòi hỏi UBND tỉnh bố trí nguồn vốn.
- Đòi hỏi sự quan tâm chỉ đạo sát sao của các cấp ủy chính quyền tỉnh, chính quyền địa phương, sự phối hợp giữa các Sở Nông nghiệp, Tài Nguyên môi trường, Sở xây dựng, trong việc nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ an toàn công trình.
d. Dự kiến kết quả giải pháp mang lại
- Các hồ chứa được đầu tư sửa chữa, nâng cấp kịp thời và ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến, hiện đại trong quản lý, dự báo, cảnh báo thiên tai nên nâng cao mức đảm bảo an toàn hồ chứa.
- Phòng tránh giảm nhẹ thiên tai đối với các khu vực sản xuất, sinh sống của cộng đồng dân cư nhất là vùng hạ du hồ chứa, ổn định phát triển kinh tế - xã hội.