Kênh phân phối là công cụ giúp phân phối sản phẩm và giao tiếp với thị trường rất hiệu quả. Các kênh phân phối chủ yếu bao gồm:
• Kênh phân phối truyền thống: là những kênh phân phối dựa chủ yếu vào các giao dịch trực tiếp giữa nhân viên ngân hàng với khách hàng để cung ứng các dịch
vụ. Nó bao gồm các chi nhánh cung cấp đầy đủ các dịch vụ, các chi nhánh cung cấp hạn chế hoặc chi nhánh cung cấp một dịch vụ. Đây là kênh phân phối có tính ổn định cao, an toàn, tạo được hình ảnh của ngân hàng trong tâm trí khách hàng. Để thực hiện được kênh này cần phải có cơ sở vật chất lớn, gắn với một địa điểm cụ thể và đội ngũ nhân viên đông đảo trực tiếp giao dịch với khách hàng. Điều này rất có lợi để ngân hàng làm tốt hoạt động Marketing với khách hàng. Tuy nhiên, kênh phân phối này bị hạn chế lớn về không gian và thời gian trong giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng; đồng thời nó cũng đòi hỏi chi phí lớn để xây dựng văn phòng, trụ sở giao dịch cũng như chi phí nhân công cao.
• Kênh phân phối hiện đại: ra đời trên cơ sở của tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là ứng dụng các thành tựu của công nghệ thông tin trong lĩnh vực ngân hàng. Kênh phân phối này có ưu điểm là nâng cao khả năng phục vụ, kéo dài thời gian giao dịch và mở rộng không gian giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng. Tuy nhiên, kênh phân phối này cũng có những hạn chế nhất định, đặc biệt là những sự cố về kỹ thuật, lỗi đường truyền, hacker...
Ngày nay, kênh phân phối hiện đại đang phát triển và thay thế dần các kênh phân phối truyền thống. Tại các nước phát triển, một xu thế phổ biến là Ngân hàng thương mại thường kết hợp giữa các kênh phân phối hiện đại với kênh phân phối truyền thống để tận dụng, khai thác mặt mạnh của từng kênh cũng như hạn chế được một số nhược điểm của chúng.