Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc định hướng mọi hoạt động kinh tế, xã hội của quốc gia. Đối với lĩnh vực tài chính ngân hàng, để đảm bảo vai trò trung gian cung ứng nguồn vốn phục vụ công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, các Ngân hàng thương mại cần tiếp tục nhận được sự quan tâm và hỗ trợ từ nhiều phía của Chính phủ:
• Xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, đảm bảo sự bình đẳng và an toàn cho tất cả các NHTM, định chế tài chính hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam trong lĩnh vực tín dụng, dịch vụ ngân hàng, đầu tư và các nghiệp vụ tài chính khác.
• Sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về dịch vụ tài chính ngân hàng theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế.
• Tạo sự ổn định của môi trường kinh tế vĩ mô: Khi người dân tin tưởng vào sự ổn định của nền kinh tế và đồng tiền Việt Nam thì sẽ tích cực gửi tiền và ngược lại nó có thể cản trở, làm hạn chế đến kết quả huy động vốn. Ví dụ: tỷ lệ lạm phát cao khiến giá trị thực của đồng tiền giảm nên người dân chuyển qua tích lũy thông qua các hình thức đầu tư tài sản khác.
• Phát triển thị trường chứng khoán: Thị trường chứng khoán phát triển sẽ làm tăng tính lỏng cho các chứng khoán trong đó có các công cụ huy động nguồn vốn trung dài hạn như trái phiếu... Vì vậy, sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các ngân hàng trong huy động vốn, đặc biệt là nguồn vốn trung dài hạn. Chính sự khởi sắc trở lại của thị trường chứng khoán và bất động sản cũng làm cho nguồn vốn trong dân cư biến động mạnh.
• Để khắc phục tình trạng thanh toán dùng tiền mặt quá nhiều như hiện nay, Chính phủ cần đưa ra các quy định cụ thể yêu cầu các giao dịch thanh toán sẽ phải thanh toán qua ngân hàng. Quy định này vừa giúp phát triển hệ thống thanh toán của các ngân hàng thương mại Việt Nam vừa giúp Nhà nước kiểm soát chặt chẽ hơn tình hình của các tổ chức khi có những vấn đề phát sinh.