Đánh giá rủi ro trong thẩm định dự án đầu tư theo các nghiên cứu ở nước ngoài tập trung nhiều vào phân tích đánh giá dự án vay vốn:
- Kendar N.kohli (1993) trong “Economic Analysis of Investment Project: phân tích kinh tế dự án đầu tư”, Oxford University đã tập trung phân tích các khía cạnh tài chính của dự án và phân tích sự ảnh hưởng đến tài chính của dự án bởi các yếu tố rủi ro từ kinh tế vĩ mô như lạm phát, tỷ giá, giá dầu thô, giá các nguyên liệu chính đầu vào dự án, giá nhân công… và những rủi ro khác như: rủi ro chính trị, rủi ro thiên tại, rủi ro thị trường…
- Sawakis C.Sawides (Cyprus Development Bank, 1994) trong “Risk Analysis in Investment Financial Appraisal: phân tích rủi ro trong thẩm định tài chính dự án đầu tư”, Project Appraisal Journal, Volume 9 Number 1 March 1994 đã sử dụng phương pháp mô phỏng Monte Carlo để phân tích và đánh giá rủi ro trong thẩm định tài chính dự án.
- Ủy ban châu Âu (2014) “Guide to Cost Benefit analysis of Investment Projects: Hướng dẫn về phân tích chi phí lợi ích của các dự án đầu tư”. Tài liệu đã cung cấp phương pháp luận của châu Âu về phân tích chi phí và lợi ích của dự án trong quá trình lập và thẩm định dự án đầu tư, đồng thời cũng đưa ra các hướng dẫn về kỹ thuật để đánh giá rủi ro của dự án bao gồm: phân tích độ nhạy, phân tích rủi ro định tính, phân tích rủi ro xác suất và phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro.
Nhìn chung, các công trình nghiên cứu nước ngoài nghiên cứu về thẩm định và đánh giá rủi ro dự án đầu tư thường tập trung vào kỹ thuật phân tích, đánh giá lợi ích, chi phí, dòng tiền của dự án và kiểm tra tính hiệu quả, khả năng sinh lời của dự
án khi chịu tác động của các yếu tố rủi ro.
Các công trình nghiên cứu trong nước đa số tập trung nghiên cứu về thẩm định cho vay dự án vào một số ngành, lĩnh vực cụ thể hoặc một nội dung trong thẩm định dự án như thẩm định tài chính, đánh giá rủi ro. Một số công trình về quản trị rủi ro tập trung nghiên cứu về công tác quản trị rủi ro tín dụng tại các ngân hàng thương mại mà chưa đi sâu vào các kỹ thuật đánh giá rủi ro tín dụng trong thẩm định dự án.
- TS. Nguyễn Hồng Minh (2003) trong “Quản trị rủi ro trong đầu tư” đã cung cấp hệ thống cơ sở lý luận về rủi ro thường gặp trong dự án và quy trình cũng như các kỹ thuật đánh giá rủi ro. Tài liệu đề cập đến dự án đầu tư nói chung và đa phần đứng trên góc độ của chủ đầu tư dự án để xem xét vấn đề.
- TS. Ngô Đức Tiến (2015) trong “Giải pháp hoàn thiện công tác thẩm định cho vay dự án đầu tư tại Ngân hàng thương mại cổ phần ngoại thương Việt Nam”
đã hệ thống cơ sở lý luận về các phương pháp, kỹ thuật thẩm định cũng như đánh giá rủi ro dự án được áp dụng tại nhiều nước, đề xuất một số chỉ tiêu định tính và định lượng đánh giá chất lượng công tác thẩm định cho vay dự án đầu tư tại NHTM
- TS. Nguyễn Thị Bích Vượng (2016) trong “Chất lượng thẩm định tài chính dự án đầu tư trong hoạt động cho vay tại các ngân hàng thương mại Việt Nam (lấy thực tế từ ngân hàng thương mại cổ phần công thương Việt Nam)” đi sâu nghiên cứu về thẩm định tài chính dự án và lượng hóa các nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng công tác thẩm định tài chính dự án vay vốn của các NHTM. Trong đó có đề cập đến kỹ thuật phân tích rủi ro tác động đến hiệu quả tài chính của dự án.
- ThS. Trần Kiên Nghị (2017) trong “Các yếu tố ảnh hưởng đến quản trị rủi ro tín dụng tại Ngân hàng TMCP phát triển TPHCM – HDBank chi nhánh Vũng Tàu” đã góp phần hệ thống hóa vấn đề lý luận về rủi ro và quản trị rủi ro tín dụng trong ngân hàng, đặc biệt là hệ thống lý luận về các phương pháp đánh giá, đo lường rủi ro tín dụng đối với một khoản vay của khách hàng.
- Một số các công trình nghiên cứu của luận văn thạc sỹ kinh tế về công tác đánh giá rủi ro trong thẩm định dự án vay vốn tại ngân hàng thương mại ở Việt Nam như: Nguyễn Thành Trung (2015) trong “Đánh giá rủi ro trong thẩm định dự án
xây dựng tại Ngân hàng TMCP đầu tư và phát triển chi nhánh Bắc Hải Dương”, Trần Văn Thành (2015) trong “Hoàn thiện công tác đánh giá rủi ro trong thẩm định các dự án đầu tư bất động sản tại Vietinbank”, Trần Đình Trung (2018) trong “Đánh giá rủi ro trong công tác thẩm định dự án tại ngân hàng nông nghiệp và phát triển nông thôn chi nhánh huyện Hưng Hà”… Các công trình này đã vận dụng cơ sở lý luận cơ bản kết hợp nghiên cứu hoạt động đánh giá rủi ro, thẩm định dự án đầu tư được triển khai tại các ngân hàng, tại lĩnh vực cụ thể, từ đó đưa ra giải pháp hoàn thiện nghiệp vụ đánh giá rủi ro trong thẩm định.
- Một số ngân hàng thương mại đã tự xây dựng bộ cẩm nang thẩm định và đánh giá rủi ro cho vay nói chung và cho vay dự án đầu tư nói riêng để áp dụng cho toàn hệ thống. Trong đó là sự vận dụng có chọn lọc những kiến thức, lý luận đã có về thẩm định khách hàng, thẩm định dự án đầu tư, tài sản đảm bảo… có thể kể đến như “Cẩm nang tín dụng trung, dài hạn” của Ngân hàng công thương Việt Nam, “Hướng dẫn thẩm định” của Ngân hàng Á Châu, “Hướng dẫn thẩm định chung khách hàng doanh nghiệp” của Ngân hàng Kỹ Thương Việt Nam… Nhìn chung, các tài liệu này đều sẽ đưa ra hướng dẫn đánh giá rủi ro chung cho các khoản vay và khái quát hướng dẫn về thẩm định và đánh giá rủi ro dự án đối với khoản vay DAĐT đang được áp dụng tại NHTM đó, vì vậy chưa thực sự đi sâu về các rủi ro thường gặp trong dự án, các phương pháp đánh giá rủi ro đối với dự án.
Về cơ bản, các nghiên cứu đã đóng góp cho nền tảng cơ sở lý luận về đánh giá rủi ro trong thẩm định cho vay DAĐT. Các công trình ở nước ngoài đã đóng góp nhiều nội dung nghiên cứu về kỹ thuật phân tích, đánh giá lợi ích, chi phí của dự án dựa trên nhiều loại chỉ tiêu, với sự tác động của các yếu tố rủi ro. Các công trình này đa phần đề cập đến đánh giá và thẩm định DAĐT nói chung, chưa đứng trên giác độ của NHTM với vai trò người cho vay. Các công trình nghiên cứu ở trong nước về thẩm định và đánh giá rủi ro đã đóng góp cơ sở lý luận, phân tích thực trạng đánh giá rủi ro trong thẩm định và đưa ra giải pháp hoàn thiện, nâng cao hiệu quả công tác đánh giá rủi ro trong thẩm định cho vay DAĐT đối với một số ngành, lĩnh vực kinh doanh ở Việt Nam như: bất động sản, xây dựng hạ tầng… hoặc một chi nhánh NHTM nào đó. Ở một số công trình, có đưa ra các chỉ tiêu định lượng và
định tính phản ánh kết quả của công tác đánh giá rủi ro trong thẩm định DAĐT, tuy nhiên, các tiêu chí chưa được cập nhật với thực tế hoạt động ngày càng phức tạp đòi hỏi các thước đo quản trị ngày càng chi tiết và tuân theo chuẩn quốc tế Basel II tại các NHTM hiện tại. Một số công trình cũng đề cập đến những nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng đánh giá rủi ro trong thẩm định DAĐT nhưng còn chưa thực hiện được khảo sát hoặc đo lường để đánh giá mỗi nhân tố, chưa lượng hóa được cụ thể mức độ ảnh hưởng của mỗi nhân tố đó đến đâu.