Nội dung đánh giá rủi ro đóng vai trò hết sức quan trọng đối với kết quả của cả công tác đánh giá rủi ro trong thẩm định dự án vay vốn. Việc thực hiện đầy đủ, chính xác các nội dung đánh giá rủi ro một cách đầy đủ, chi tiết, chính xác sẽ giúp Ngân hàng đưa ra được những quyết định cho vay hợp lý, giảm thiểu rủi ro. Những giải pháp để ngày càng hoàn thiện hơn các nội dung đánh giá rủi ro là thực sự cần thiết, cụ thể như sau:
- Với nội dung đánh giá rủi ro khách hàng: Cán bộ cần thực hiện phân tích tổng thể từ khả năng quản lý, uy tín đạo đức, cũng như năng lực tài chính, kết quả hoạt động kinh doanh. Đặc thù của các doanh nghiệp vừa và nhỏ là bảng cân đối kế toán được kiểm toán thường thiếu hoặc kể cả với các doanh nghiệp lớn khách hàng cũng không sẵn sàng cung cấp đầy đủ hồ sơ theo quy định, do vậy, cán bộ thẩm định cần hết sức chú trọng khi phân tích tài chính khách hàng để có thể xác định được tính hợp lý của số liệu trên báo cáo tài chính khách hàng cung cấp, đưa ra đánh giá có căn cứ về tình hình tài chính tương lai của công ty. Cần chú trọng công tác xếp hạng tín dụng nội bộ để phân hạng khách hàng, phân loại dự án, cải thiện khả năng dự báo của các mô hình định lượng rủi ro khách hàng.
- Đối với nội dung đánh giá rủi ro về dự án:
Về đánh giá rủi ro về các yếu tố kỹ thuật: Khi đánh giá rủi ro dự án đầu tư, cán bộ thẩm định có chú ý đến nội dung này, nhưng thực sự nó chưa được quan tâm đúng mức. Việc đánh giá nội dung kỹ thuật là một khó khăn đối với cán bộ thẩm định, bởi lẽ hầu hết các cán bộ đều tốt nghiệp từ khối ngành kinh tế, nên chuyên môn và nghiệp vụ kỹ thuật của họ còn hạn chế. Do vậy, một giải pháp quan trọng cho vấn đề này là ngân hàng cần sớm nghiên cứu tổng hợp những chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật cơ bản làm tham chiếu cho cán bộ thẩm định. Nếu trong trường hợp dự án quá phức tạp thì Ngân hàng có thể thuê các chuyên gia kỹ thuật để đánh giá nội dung rủi ro kỹ thuật vận hành dự án, để có những đánh giá chính xác hơn. Cán bộ thẩm định cần nghiên cứu tình hình thị trường, các định mức kinh tế - kỹ thuật trong các văn bản quản lý hiện hành của Nhà nước. Việc lập tất cả các danh mục chi phí cho thẩm định tổng vốn đầu tư nên triển khai theo kế hoạch dựng sẵn, tùy từng dự án cụ thể mới đề xuất điều chỉnh, bổ sung. Qua đó, giúp Ngân hàng tiết giảm chi phí trong quá trình thẩm định tài chính dự án đầu tư, giảm thiểu tối đa những thiếu sót trong quá trình thẩm định và tạo điều kiện cho các nhà quản lý kiểm tra, giám sát.
Về đánh giá rủi ro cung – cầu thị trường, các yếu tố đầu vào thì cần phân tích sâu hơn nữa, cần đánh giá về tình hình cung cầu thị trường bằng những kết quả định lượng cụ thể chứ không chỉ đánh giá một cách chung chung cảm tính. Cán bộ thẩm định cần có sự nhận định về xu hướng biến động của các yếu tố giá cả trong quá khứ theo chiều hướng nào. Đồng thời, căn cứ vào diễn biến thị trường hiện tại và các yếu tố có ảnh hưởng để có được các con số dự báo chính xác hơn, nếu có sai lệch cũng nằm trong giới hạn cho phép và có khả năng chấp nhận. Bên cạnh đó cần chú ý đến các yếu tố khác dễ ảnh hưởng đến dự án ví dụ như khả năng thay đổi thị hiếu người tiêu dùng...
Về định lượng hiệu quả và khả năng trả nợ vay của dự án khi có yếu tố rủi ro: Trước tiên, cán bộ thẩm định cần phải lập được bảng kết quả kinh doanh, lưu chuyển tiền tệ của dự án và tính toán các chỉ tiêu tài chính của dự án. Cán bộ thẩm định cần đánh giá đúng doanh thu, chi phí ước tính của dự án, đối chiếu tính hợp lý so với dự án tương tự và công ty cùng ngành và phải đánh giá rủi ro tác động của
những yếu tố thị trường thường xuyên biến động như giá cả, lạm phát... Ngoài ra, cán bộ thẩm định cần chú ý tới tỷ trọng của dòng tiền trong từng hoạt động trên tổng số. Có như vậy mới đánh giá đúng tính chất hoạt động của dự án.
-Đối với nội dung đánh giá rủi ro về tài sản đảm bảo:
o Chú trọng các tác động của quy định pháp luật về giao dịch bảo đảm…
o Chú trọng phân tích đánh giá giá trị dự toán, thông tin trong luận chứng kinh tế kỹ thuật, kết hợp so sánh với giá trên thị trường
o Phân tích kỹ đặc điểm kỹ thuật, nguồn gốc xuất xứ của tài sản, đối với bất động sản cần chú ý đến vị trí khu đất có tài sản… Qua đó, phân tích đánh giá tính thanh khoản, khả năng phát mại của tài sản có thuận lợi hay không.