Nhằm giúp đỡ các ngân hàng thương mại nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng, NHNN cần thực hiện chức năng chỉ đạo và xây dựng các văn bản pháp luật chặt chẽ; nghiên cứu tập trung xây dựng hệ thống các chỉ tiêu trung bình ngành áp dụng cho toàn hệ thống ngân hàng tài chính Việt Nam. Bộ chỉ tiêu này sẽ cung cấp cho ngân hàng cái nhìn khách quan về tình hình của doanh nghiệp, đồng thời cũng giúp tiết kiệm thời gian và chi phí của các ngân hàng khi mỗi ngân hàng không cần tự lập cho mình một bộ chỉ tiêu ngành riêng.
Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường hỗ trợ về chuyên môn nghiệp vụ cho các cán bộ ngân hàng bằng các tổ chức các lớp huấn luyện đào tạo nghiệp vụ, chuyên môn. Có thể tổ chức các khóa học định kỳ, mời các chuyên gia về tài chính- ngân hàng từ các nước có hệ thống tài chính- ngân hàng phát triển, hoặc từ các tổ chức tài chính như WB, IMF, ADB đến giảng dạy. Cần có các khóa học đào tạo, tập huấn cho các cán bộ ngân hàng kỹ năng thực hành bằng các chương trình phần mềm thẩm định, đánh giá rủi ro trực tiếp trên máy tính. Bên cạnh đó, các cán bộ đi tham gia những khóa học này phải là những người đã có kiến thức và kinh nghiệm về thẩm định và đánh giá rủi ro, có khả năng tiếp thu và hướng dẫn lại nghiệp vụ khi về cơ quan công tác, để có thể hướng dẫn lại cho các cán bộ tại Ngân hàng mình.
Ngân hàng Nhà nước cần nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Trung tâm phòng ngừa rủi ro và Trung tâm tín dụng Ngân hàng (CIC), giúp cho các Ngân hàng thương mại nắm bắt thông tin của các tổ chức kinh tế một cách chính xác, kịp thời,
phục vụ cho công tác thẩm định và đánh giá rủi ro, đồng thời đảm bảo an toàn cho hoạt động của hệ thống Ngân hàng. Ngân hàng nhà nước nên mở rộng phạm vi cung cấp của CIC, cả thông tin về tín dụng và những thông tin kinh tế kỹ thuật khác có liên quan đến công tác thẩm định và đánh giá rủi ro. Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước có thể tăng cường hợp tác về thông tin giữa CIC với các cơ quan như Bộ Kế hoạch- Đầu tư, tổng cục thống kê,…để tổng hợp thông tin ngày một đầy đủ, chính xác và cập nhật hơn.
Công tác thanh tra giám sát cũng cần được đẩy mạnh hơn nhằm kịp thời phát hiện những sai sót trong công tác tín dụng, công tác thẩm định để hạn chế thấp nhất những sai lầm có thể gặp phải ở các Ngân hàng.