Để nhận diện đúng những rủi ro, phân tích đánh giá rủi ro một cách chính xác và hiệu quả thì một quy trình đánh giá rủi rõ ràng, chi tiết, cụ thể, hợp lý là rất cần thiết. Thực tế cho thấy quy trình đánh giá rủi ro đang được áp dụng tại Techcombank cũng đã đáp ứng được phần nào đó những điều kiện cần thiết phục vụ cho quá trình đánh giá rủi ro dự án, nhưng vẫn tồn tại những công việc đang được thực hiện lặp lại ở các bộ phận, thời gian thẩm định và đánh giá rủi ro vẫn còn dài. Do đó, việc hoàn thiện hơn về quy trình đánh giá rủi ro là một giải pháp quan trọng nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác đánh giá rủi ro.
Việc hoàn thiện quy trình cần sự cố gắng và nỗ lực của toàn bộ cán bộ nhân viên và ban lãnh đạo ngân hàng. Trên cơ sở áp dụng quy trình đánh giá rủi ro hiện tại, ngân hàng từng bước hoàn thiện, thiết lập riêng từng quy trình cho từng nhóm ngành nghề, lĩnh vực hoạt động của dự án. Trong mỗi quy trình cụ thể, cần xây dựng bảng phân định trách nhiệm của các bên đối với các công việc đang chồng chéo. Thiết lập SLA cập nhật hơn chi tiết cho mỗi khâu, mỗi bộ phận trong quy trình, đưa toàn bộ các bước có SLA lên hệ thống để thực hiện đo lường và đánh giá định kỳ. Ngân hàng cũng cần căn cứ vào quy mô đầu tư, độ khó của từng lĩnh vực
đầu tư để đưa ra hạn mức thời gian thẩm định phù hợp.
Việc cải tiến quy trình đánh giá rủi ro DAĐT trong bối cảnh hiện nay cần kết hợp giữa quy trình đánh giá rủi ro, quy trình thẩm định và quy trình quản lý. Tác giải đề xuất 3 giai đoạn cải tiến chủ yếu như sau:
Giai đoạn 1: Cải tiến quy trình kỹ thuật đánh giá rủi ro dự án đầu tư đang được thực hiện bởi chuyên viên thẩm định.
Song song, phòng mô hình rủi ro tín dụng thực hiện nghiên cứu và xây dựng mô hình định lượng rủi ro vỡ nợ (default-riskiness) của một dự án.
Giai đoạn 2: Đề xuất quy trình đánh giá rủi ro DAĐT mới gồm cả tác nghiệp giữa các bộ phận ở chi nhánh và Hội sở chính và thực hiện thí điểm với một số chi nhánh.
Giai đoạn 3: Cải tiến quy trình đánh giá rủi ro trên toàn bộ hệ thống của ngân hàng, kết hợp giữa cải tiến quy trình kỹ thuật, quy trình quản lý và cải cách hành chính.
Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực trạng hoạt động đánh giá rủi ro DAĐT tại Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam, tác giả xin đề xuất một quy trình đánh giá rủi ro dự án đầu tư như sau:
Trước hết, cần xác định mô hình dự án đầu tư. Tương ứng với mỗi mô hình dự án đầu tư sẽ áp dụng quy trình đánh giá rủi ro phù hợp.
Nhóm 1: Các khoản đầu tư không làm thay đổi lớn về năng lực sản xuất, doanh thu. Các phương án đầu tư dạng này có thể kể đến:
- Đầu tư máy móc thiết bị hoàn thiện, hợp lý hóa dây chuyền sản xuất đã đầu tư, cải tiến chất lượng sản phẩm hoặc cải thiện điều kiện làm việc cho công nhân…; mua sắm máy móc thiết bị (thay thế cho máy móc thiết bị đã cũ và đang hoạt động), phương tiện vận tải, thiết bị văn phòng/ quản lý; ô tô chở công nhân, ô tô hỗ trợ công tác bán hàng; phần mềm kế toán, quản lý…;
- Đầu tư xây dựng mở rộng diện tích nhà xưởng để giãn mật độ bố trí máy móc hiết bị hoặc bổ sung năng lực kho chứa; đầu tư nhà văn phòng, mở đơn vị…
Trong trường hợp này, việc tính toán hiệu quả tài chính của phương án là không khả thi do thông thường, khách hàng không sẵn sàng hợp tác cung cấp quá nhiều số liệu của toàn bộ dự án cũ khi chỉ có nhu cầu vay bổ sung rất ít hoặc nếu
khách hàng hợp tác thì thời gian để đánh giá lại toàn bộ dự án mất rất nhiều thời gian. Vì vậy, việc đánh giá rủi ro về tài chính dự án cho vay sẽ dựa trên đánh giá rủi ro tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên báo cáo tài chính của khách hàng và thẩm định thực tế. Khách hàng được đánh giá là đủ khả năng trả nợ khi nguồn trả nợ trung dài hạn dự phóng > Nợ phải trả trung dài hạn trong năm.
Ứng với các dự án đầu tư thuộc nhóm này, tác giả đề xuất ngân hàng áp dụng phương pháp đo lường tổn thất dự kiến EL, sử dụng mô hình đo lường EL mà ngân hàng đã xây dựng để định lượng rủi ro của khách hàng tự động bằng hệ thống và căn cứ trên kết quả PD, LGD, EL đầu ra kết hợp với một số tiêu chí như quy mô khoản vay, ngành nghề… để xếp thành 3 nhóm: Rủi ro thấp, rủi ro trung bình và rủi ro cao. Cụ thể các ngưỡng giá trị PD, LGD, EL, quy mô khoản vay … để phân nhóm rủi ro sẽ được xem xét cụ thể ứng với chính sách rủi ro của ngân hàng.
Đối với nhóm rủi ro thấp, tác giả đề xuất rằng khoản vay DAĐT sẽ không cần phải đánh giá rủi ro lại bằng con người (cụ thể là không cần thực hiện tái thẩm định và đánh giá rủi ro bởi chuyên viên thẩm định) mà căn cứ kết quả đo lường của mô hình định lượng rủi ro, chuyên gia phê duyệt sẽ đánh giá thêm rủi ro của khoản vay (nếu có) bằng kinh nghiệm chuyên gia và phê duyệt khoản vay đồng thời đưa thêm các điều kiện kiểm soát (nếu cần).
Đối với nhóm rủi ro trung bình và cao, khoản vay DAĐT cần phải được đánh giá rủi ro bằng chuyên viên thẩm định. Do tính chất khoản vay của các DAĐT đang được xếp vào nhóm I, chuyên viên thẩm định sẽ không thực hiện đánh giá lại toàn bộ dự án mà sẽ căn cứ vào đánh giá rủi ro tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh dựa trên báo cáo tài chính của khách hàng và thẩm định thực tế để kết luận về dự án. Các khoản vay DAĐT thuộc nhóm rủi ro cao cần được kiểm soát bởi giám đốc thẩm định rủi ro ngành trước khi trình phê duyệt các chuyên gia phê duyệt độc lập/Hội đồng tín dụng.
Nhóm 2: Các dự án mới, mở rộng làm thay đổi quy mô hoạt động của khách hàng như tăng công suất, doanh thu… Các dự án này là các dự án quy mô lớn, phức tạp, rủi ro cao. Trong trường hợp này, việc đánh giá rủi ro khoản cho vay cần thực hiện đầy đủ theo các nội dung thông thường bao gồm: đánh giá rủi ro khách hàng, đánh giá rủi ro dự án đầu tư và đánh giá rủi ro tài sản đảm bảo.
Để có thể thực hiện áp dụng theo quy trình này, quan trọng nhất là ngân hàng cần thực hiện xây dựng mô hình định lượng rủi ro vỡ nợ (default-riskiness) của một dự án. Mặc dù các mô hình định lượng rủi ro tín dụng đã được ngân hàng xây dựng nhưng các mô hình này chủ yếu nhắm vào mức độ tín nhiệm của khách hàng nói chung mà chưa được gắn với dự án cụ thể. Vì vậy, để có thể phản ánh rủi ro của dự án, ngân hàng cần thiết lập một mô hình định lượng để đánh giá khả năng vỡ nợ của chủ đầu tư dự án bằng cách ước tính khoản lỗ không trả được của một khoản vay dựa trên lợi nhuận tiền mặt của một dự án và các chỉ số tài chính của chủ đầu tư. Tương tự, căn cứ trên kết quả xác suất vỡ nợ PD, tỷ trọng tổn thất ước tính LGD, giá trị vỡ nợ ước tính EDL (Expected Default Loss) đầu ra kết hợp với một số tiêu chí như quy mô khoản vay, ngành nghề… để xếp thành 3 nhóm: Rủi ro thấp, rủi ro trung bình và rủi ro cao. Quy trình phân nhánh thực hiện tiếp theo tương tự như đối với nhóm DAĐT 1. Khác biệt chủ yếu là đối với nhóm DAĐT 2, chuyên viên thẩm định cần thực hiện đánh giá rủi ro chi tiết, kỹ lưỡng toàn bộ dự án đầu tư để có thể đi sâu nhận diện và lượng hóa được các rủi ro mà dự án có thể gặp phải.
Ngoài ra, để giải quyết các vấn đề về việc mất nhiều thời gian tương tác, phối hợp giữa các bộ phận để cùng thấu hiểu khách hàng, tác giả đề xuất rằng: Trong quá trình tác nghiệp, ngân hàng có thể xem xét thành lập “Đội dịch vụ khách hàng” chuyên trách làm việc với khách hàng ngay từ giai đoạn đầu bao gồm các bên: chuyên viên tín dụng, chuyên viên thẩm định, chuyên gia phê duyệt, chuyên gia ngành…, áp dụng cho nhóm khách hàng mục tiêu, chiếm 80% doanh thu của ngân hàng; qua đó, đảm bảo cả nhóm chuyên trách đều thấu hiểu nhu cầu của khách hàng và, nắm được thực tế dự án và đề xuất giải pháp tài chính tốt nhất và giải quyết thủ tục thẩm định, phê duyệt nhanh gọn cho khách hàng. Trong đó, các chuyên viên khách hàng – RM (relationship manager) giàu kinh nghiệm sẽ chịu trách nhiệm chính và phối hợp với các đội giải pháp, thẩm định, các chuyên gia tư vấn để triển khai được công tác thẩm định khoản vay và cung cấp giải pháp hợp lý nhất cho khách hàng.
Hình 4.1 Mô hình đề xuất về “Đội dịch vụ khách hàng” phục vụ các khoản vay DAĐT của nhóm khách hàng mục tiêu
Ngân hàng cũng cần rà soát lại mẫu tờ trình khoản vay DAĐT đảm bảo các thông tin phục vụ cho công tác đánh giá rủi ro phải được ghi rõ trong yêu cầu nội dung của tờ trình. Thông tin nào chuyên viên tín dụng không có do khách hàng không cung cấp cần được ghi chú trong tờ trình trước khi chuyển lên phòng thẩm định hội sở, tránh việc đẩy hồ sơ qua lại do thiếu hồ sơ theo yêu cầu làm kéo dài thời gian xử lý hồ sơ.
Một điều quan trọng cần thực hiện là: sau mỗi dự án vay vốn được đánh giá rủi ro thì cán bộ thẩm định cần xem xét, đánh giá lại để tổng hợp những thiếu sót, hạn chế của các bước cụ thể trong quy trình đã thực hiện. Từ đó sẽ sửa chữa, hoàn thiện dần cho những dự án sau.