Bên cạnh những phương pháp cũ đang được sử dụng gồm: phương pháp so sánh đối chiếu, phương pháp phân tích độ nhạy, phân tích kịch bản… cần đổi mới và bổ sung thường xuyên các phương pháp mới. Cụ thể như:
Đối với phương pháp nhận diện rủi ro:
Ngân hàng cần sử dụng kết hợp linh hoạt 4 phương pháp nhận diện rủi ro đã có thay vì tập trung vào 2 phương pháp chính là phương pháp so sánh, đối chiếu và phương pháp phân tích BCTC. Đặc biệt là
Việc áp dụng phương pháp phân tích SWOT cần được áp dụng rộng rãi hơn, bao gồm cả tập khách hàng doanh nghiệp vừa được xếp loại rủi ro cao và trung bình (thay vì chỉ áp dụng với khách hàng lớn như hiện tại) và áp dụng với tất cả các khoản vay dự án đầu tư.
Để có thể áp dụng hiệu quả hơn phương pháp checklist, ngân hàng cần xây dựng bộ tiêu chí nhận diện rủi ro khách hàng doanh nghiệp và dự án đầu tư sâu rộng hơn dựa trên nguồn thông tin từ những hồ sơ dự án cũ và tham khảo từ các bộ công cụ nhận diện rủi ro gian lận hay cảnh báo sớm của các đối tác tư vấn hàng đầu như Moody’s, Experian, Ernst &Young…
Ngoài ra, khi sử dụng phương pháp so sánh, đối chiếu bên cạnh việc sử dụng báo cáo tài chính trong 3 năm gần nhất, cán bộ thẩm định cần nghiên cứu sâu hơn vào quá trình hoạt động phát triển của doanh nghiệp từ khi thành lập tới nay. Đặc biệt, cán bộ thẩm định cần kết hợp với phương pháp xây dựng kịch bản để lường trước những tình huống xấu nhất có thể xảy ra, nhất là trong quá trình dự báo doanh
thu và chi phí.
Đối với phương pháp phân tích rủi ro:
Để có được hiệu quả cao nhất, cán bộ thẩm định cần kết hợp hiệu quả phương pháp phân tích ma trận rủi ro với các phương pháp định lượng rủi ro dự án đầu tư. Việc áp dụng phương pháp ma trận rủi ro cần được thực hiện một cách kỹ lưỡng hơn và cần đánh giá mối tương quan với biến đầu vào của phân tích định lượng.
Cán bộ thẩm định cũng cần kết hợp phương pháp phân tích độ nhạy với phương pháp dự báo, qua đó tìm ra những nhân tố có thể ảnh hưởng tới kết quả hoạt động của dự án trong tương lai. Đặc biệt, cần phân tích độ nhạy khi có nhiều thông số cùng biến đổi, vì nếu chỉ phân tích ảnh hưởng riêng rẽ của một nhân tố sẽ không đánh giá chính xác sự biến động của dự án trong tương lai do một dự án đầu tư luôn chịu sự tác động của nhiều yếu tố khác nhau, với mức độ và tầm ảnh hưởng cũng khác nhau. Cán bộ thẩm định cần đi sâu tìm hiểu về trạng thái thị trường, xu hướng biến động của nền kinh tế, từ đó dự báo được sự thay đổi của các yếu tố một cách khách quan, khoa học.
Ngân hàng cần có kế hoạch áp dụng phương pháp toán xác suất, phương pháp mô phỏng… đồng thời bổ sung những khoản chi phí cho việc mua bán hay chuyển nhượng công nghệ mới; bồi dưỡng cán bộ sử dụng thành thạo công nghệ mới này là một điều thực sự cần thiết.
Ngoài ra, để có thể thực hiện được đơn giản và tự động hóa quy trình đánh giá rủi ro như đề xuất tại mục 4.2.1 mà vẫn đảm bảo đo lường, kiểm soát được rủi ro, ngân hàng cần áp dụng phương pháp ước tính tổn thất dự kiến để đo lường rủi ro vỡ nợ (default-riskiness) của dự án đầu tư. Để thực hiện được điều này, ngân hàng cần xây dựng mô hình định lượng để đo lường khả năng vỡ nợ của chủ đầu tư dự án bằng cách ước tính khoản lỗ không trả được của một khoản vay dựa trên lợi nhuận tiền mặt của một dự án đầu tư và các chỉ số tài chính của chủ đầu tư cũng như một số tiêu chí định tính khác.
Sơ đồ 4.8 Tổng quan các cấu phần mô hình đo lường rủi ro vỡ nợ (default-riskiness) của dự án đầu tư
Trong đó: Chỉ số chất lượng tín dụng (ký hiệu là Zt) là trạng thái tín dụng của chủ đầu tư trong khoảng thời gian từ t đến t +1, là dấu hiệu cho thấy mức độ tín nhiệm của chủ đầu tư khi đi vay và có liên quan chặt chẽ với tỉ lệ vỡ nợ. Ứng với mỗi điều kiện chỉ số chất lượng tín dụng riêng biệt, ngân hàng cần xây dựng ma trận chuyển đổi xếp hạng tín dụng cụ thể ứng với dự án. Ma trận này thể hiện xác suất chuyển hạng của chủ đầu tư từ hạng này sang hạng khác và tới trạng thái vỡ nợ.