2.4.1.1. Tổ chức công tác đánh giá rủi ro
Đánh giá rủi ro trong thẩm định cho vay dự án đầu tư bao gồm nhiều hoạt động liên quan chặt chẽ với nhau, kết quả của nó phụ thuộc nhiều vào việc tổ chức, điều hành, sự phối hợp các bộ phận trong quá trình tác nghiệp. Việc phân công tổ chức một cách hợp lý các bộ phận trong quả trình đánh giá rủi ro khi thẩm định sẽ tránh được sự chồng chéo, phát huy được những mặt mạnh, hạn chế được những mặt yếu của mỗi cá nhân trên cơ sở đó giảm bớt chi phí cũng như thời gian thẩm định. Vì vậy, cơ cấu tổ chức điều hành chung cũng như cơ cấu tổ chức điều hành công tác đánh giá rủi ro trong thẩm định cho vay dự án đầu tư tại NHTM là một trong các nhân tố ảnh hưởng đến mức độ hoàn thiện cả công tác này.
2.4.1.2. Chất lượng nguồn nhân lực
Có thể nói, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố cơ bản và quan trọng đối với thẩm định và đánh giá rủi ro trong cho vay nói chung và cho vay dự án đầu tư nói riêng. Cán bộ thẩm định chính là người trực tiếp tiến hành hoạt động đánh giá rủi ro trong thẩm định cho vay DAĐT. Chất lượng công tác đánh giá rủi ro có đạt hiệu quả hay không phụ thuộc rất nhiều vào cán bộ thẩm định. Hai điểm chính cần quan tâm ở vấn đề chất lượng nguồn nhân lực đối với hoạt động đánh giá rủi ro trong thẩm định cho vay dự án đầu tư đó là: phẩm chất đạo đức và năng lực, trình độ của cán bộ thẩm định.
Phẩm chất đạo đức là tiêu chuẩn quan trọng đối với rủi ro tín dụng, quyết định đến rủi ro trong kinh doanh của ngân hàng. Trong hoạt động tín dụng, đạo đức nghề nghiệp là rất quan trọng trong việc cấp đúng đối tượng khách hàng. Không ít trường hợp, cán bộ tín dụng bị ảnh hưởng về mặt vật chất nên đã cấp tín dụng sai cho
những đối tượng khách hàng không đủ năng lực pháp lý hoặc không đủ năng lực tài chính dẫn đến không thu hồi được tiền vay, gây thất thoát vốn cho ngân hàng.
Về năng lực, trình độ: nghiệp vụ đánh giá rủi ro trong thẩm định cho vay DAĐT là một nghiệp vụ khó và phức tạp, đòi hỏi cán bộ thẩm định không những phải nắm vững kiến thức về nghiệp vụ, chuyên môn mà còn phải có những hiểu biết tổng hợp về khoa học – kinh tế - xã hội. Hơn thế nữa, trong quá trình công tác, cán bộ thẩm định phải thường xuyên cập nhật thông tin về tất cả các lĩnh vực và tích lũy kinh nghiệm để nâng cao trình độ và chuyên môn bản thân. Có như vậy, họ mới có thể đánh giá rủi ro dự án cũng như chủ đầu tư một cách toàn diện và chính xác hơn. Như vậy, chất lượng nguồn nhân lực là một trong những nhân tố quyết định hiệu quả của công tác đánh giá rủi ro trong thẩm định cho vay DAĐT. Muốn nâng cao hiệu quả công tác đánh giá rủi ro trong thẩm định cho vay DAĐT, trước hết bản thân trình độ chuyên môn, năng lực, đạo đức của cán bộ thẩm định phải được nâng cao.
Ngoài ra, năng lực quản trị điều hành của ban lãnh đạo ngân hàng không tốt như: (1) Buông lỏng quản lý, khoán trắng mọi việc cho cán bộ tín dụng, (2) Việc quản lý con người chưa đúng mức cũng như các hoạt động khác trong quản lý ngân hàng dẫn đến những sai lầm trong các quyết định cho vay DAĐT đưa đến chất lượng tín dụng kém kéo dài. Vấn đề rủi ro đạo đức cũng xảy ra khi lãnh đạo ngân hàng có quan hệ lợi ích với khách hàng.
2.4.1.3. Quy trình, nội dung và phương pháp đánh giá rủi ro
Đây là yếu tố tác động trực tiếp tới chất lượng đánh giá rủi ro trong thẩm định DAĐT tại các NHTM. Khi tổ chức đánh giá rủi ro phải có quy trình, phương pháp đánh giá rủi ro khoa học và đầy đủ là cơ sở đảm bảo chất lượng của công tác đánh giá rủi ro trong thẩm định, ngược lại nếu là một quy trình, phương pháp bất hợp lý, sơ sài chắc chắn hướng tới kết quả thẩm định sẽ không cao, khó có thể dựa vào đó để ra quyết định cho vay chính xác.
Về quy trình đánh giá rủi ro: Quy trình đánh giá rủi ro của mỗi NHTM là căn cứ cho cán bộ thẩm định thực hiện công việc một cách khách quan, khoa học, tiên tiến, thống nhất và hợp lý với năng lực, trình độ và khả năng quản trị rủi ro tín dụng
của ngân hàng, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho ngân hàng thu hồi nợ và lãi đúng hạn. Quy trình đánh giá rủi ro bao gồm nhiều hoạt động khác nhau, liên kết chặt chẽ với nhau, trong đó quy định quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cá nhân, bộ phận tham gia, trình tự tiến hành cũng như mối liên hệ giữa các cá nhân và các bộ phận trong quá trình thực hiện. Việc thiết lập và không ngừng hoàn thiện quy trình đánh giá rủi ro trong thẩm định cho vay dự án đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng đối với hoạt động tín dụng chung của ngân hàng. Điều này góp phần nâng cao chất lượng và giảm thiểu rủi ro tín dụng.
Về nội dung đánh giá rủi ro: Nội dung đánh giá rủi ro trong thẩm định cho vay DAĐT được biểu hiện theo một hướng dẫn đánh giá rủi ro thống nhất với các bước tác nghiệp cụ thể. Một hướng dẫn đánh giá rủi ro đầy đủ cần có đầy đủ các bước đánh giá rủi ro theo trình tự, nội dung đánh giá chi tiết, phương thức đánh giá /nguồn thông tin/hồ sơ chứng minh. Ngoài ra, trong hướng dẫn cần bổ sung những lưu ý về các rủi ro hay gặp phải với mỗi nội dung đánh giá chi tiết, các mẫu biểu và ví dụ minh họa (nếu có). NHTM cần cố gắng xây dựng các checklist câu hỏi đánh giá rủi ro đối với từng nội dung thẩm định cũng như quyết định sẽ đưa ra, bước tiếp theo cần thực hiện nếu khách hàng gặp phải rủi ro đó, tiến đến lượng hóa dần những rủi ro gặp phải sẽ tác động bao nhiêu % đến quyết định cho vay cuối cùng.
Nội dung đánh giá rủi ro là cấu phần phức tạp nhất của công tác đánh giá rủi ro trong thẩm định cho vay DAĐT, cần phải luôn luôn được cải tiến, cập nhật để phù hợp với yêu cầu quản trị rủi ro ngày càng phức tạp của ngân hàng. Việc hoàn thiện nội dung đánh giá rủi ro trong thẩm định cho vay DAĐT luôn hướng đến mục tiêu sau cùng là phòng ngừa được rủi ro tín dụng.
Về phương pháp đánh giá rủi ro: Với thông tin, dữ liệu thu thập được, do mỗi dự án có một đặc trưng nhất định nên cán bộ thẩm định phải lựa chọn và sử dụng phương pháp đánh giá rủi ro phù hợp căn cứ trên ưu, nhược điểm của mỗi phương pháp và thực hiện đầy đủ nội dung, quy trình đánh giá rủi ro đã quy định. Trong giai đoạn hiện nay, những phương pháp đánh giá rủi ro đã giúp cho việc phân tích, đánh giá được toàn diện, chính xác và hiệu quả hơn. Song điều quan trọng là ngân hàng
phải biết áp dụng đồng bộ các phương pháp để đảm bảo tính toàn diện và phù hợp với tình hình thực tế của ngành, của dự án cũng như khả năng điều kiện cụ thể của ngân hàng.
2.4.1.4. Hệ thống trang thiết bị, công nghệ phục vụ công tác đánh giá rủi ro
Hiện nay, việc đưa vào sử dụng các phần mềm hiện đại trong nghiệp vụ ngân hàng đã làm tăng khả năng thu thập, xử lý và lưu trữ thông tin hiệu quả, giảm các thao tác thủ công trong quy trình. Với việc đầu tư các hệ thống phân tích, xử lý, lưu trữ dữ liệu giúp cung cấp các dữ liệu cần thiết một cách nhanh chóng, kịp thời, giúp cho cán bộ thẩm định có thể có một cái nhìn toàn cảnh về chân dung của khách hàng, từ đó đưa ra các đánh giá rủi ro hiệu quả. Với các phần mềm chuyên dụng phục vụ cho quy trình thẩm định và ra quyết định tín dụng ngày càng được hiện đại hóa, tích hợp các tính năng mới, cán bộ có thể xử lý một lượng thông tin lớn mà vẫn tiết kiệm được thời gian, các chỉ tiêu cần tính toán đã được cài đặt sẵn.
Trang thiết bị, công nghệ hiện đại sẽ làm giảm thời gian, tăng năng suất xử lý đối với đánh giá rủi ro cho vay DAĐT. Do vậy, đây là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác đánh giá rủi ro trong thẩm định cho vay DAĐT.