khoa học
Việc chuyển đổi đất rừng tự nhiên và đất ngập nước thành đất canh tác nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản, xây dựng cơ sở hạ tầng, khai thác khoáng sản, xây dựng hồ thuỷ điện hoặc công trình thuỷ lợi đã làm cho các hệ sinh thái và các sinh cảnh tự nhiên bị phá vỡ và biến mất, làm suy giảm tài nguyên ĐDSH, làm suy yếu các chức năng sinh thái đảm bảo an ninh môi trường như hạn chế lũ lụt, trượt lở đất, và duy trì nguồn nước.
Mở rộng diện tích sản xuất cây nông nghiệp, công nghiệp và nuôi trồng thuỷ sản
Nhiều vùng đất ngập nước nội địa như ao, hồ, đầm, phá, trảng cỏ ngập nước theo mùa của Việt Nam đã bị biến mất do bị chuyển đổi thành ruộng lúa, đồng muối, đầm tôm và khu định cư. Hàng trăm ngàn hecta rừng ngập mặn ở các tỉnh ven biển Bắc Bộ và Nam Bộ đã bị phá để nuôi tôm. ở miền Bắc, một phần rừng nguyên sinh đã bị phá hủy do tập quán du canh của đồng bào dân tộc. ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ, nguyên nhân lớn nhất gây mất rừng tự nhiên trong thập kỷ vừa qua là do phong trào mở rộng diện tích trồng cà phê, cao su, đều thiếu kế hoạch và kiểm soát chặt chẽ.
Phát triển cơ sở hạ tầng
Đến năm 2009, hơn 200 công trình nhà máy thuỷ điện và hồ chứa đã, đang và (dự kiến) sẽ được xây dựng ở Việt Nam. Phát triển thuỷ điện ồ ạt cùng với mở đường giao thông, đường dẫn điện và nhiều cơ sở hạ tầng khác đã trực tiếp phá huỷ hàng chục ngàn hecta rừng đầu nguồn và làm thay đổi dòng chảy của các con sông. Tác động trên đã và đang gây ra sự suy thoái, chia cắt nơi ở, hình thành rào cản sự di cư, và làm mất các sinh cảnh tự nhiên, gây tác hại nghiêm trọng và lâu dài tới sự sống còn của các quần thể động vật hoang dã. Ngoài ra, việc phát triển các công trình nói trên cũng làm tăng dân số cơ học, gián tiếp thúc đẩy suy thoái ĐDSH do các hoạt động khai thác trái phép như chặt gỗ, săn bắn và đốt nương làm rẫy...