- Giao thông thuỷ Năng lượng (thuỷ điện)
a. Quỹ bảo tồn Việt Nam (VCF)
Phần lớn các khu bảo tồn ở Việt Nam có nguồn tài trợ thấp, một số trường hợp còn thiếu cả chi phí để vận hành. Một sáng kiến lớn hiện nay về tài trợ cho bảo tồn ở Việt Nam là Quỹ Bảo tồn Việt Nam (VCF) được khởi động vào năm 2005. Cơ chế tài trợ này là một thử nghiệm cho việc bảo tồn tính đa dạng sinh học có tầm quan trọng quốc tế trong các rừng đặc dụng trên toàn quốc. VCF cung cấp các khoản tài trợ nhỏ cho các ban quản lý rừng đặc dụng trên cơ sở cạnh tranh. Nguồn tài trợ sẽ hướng đến các hoạt động quản lý bảo tồn như kiểm soát săn bắt/ buôn bán động vật hoang dã, nâng cao nhận thức bảo tồn, đưa người dân tham gia vào công tác quản lý bảo tồn và giám sát sinh thái. Hiện nay, các nhà tài trợ cho VCF gồm có GEF, Chính phủ Hà Lan và Quỹ Ủy thác lâm nghiệp (TFF), cùng với sự hỗ trợ nguồn lực từ các nhà tài trợ khác. Nhiệm vụ của Ban quản lý Quỹ Bảo tồn Việt Nam (VCF) là thực hiện giải ngân nguồn vốn từ VCF và xây dựng một cơ chế dài hạn để tài trợ cho các khu bảo tồn ở Việt Nam. Ban đầu VCF sẽ chỉ tập trung vào các rừng đặc dụng. Trong tương lai, quỹ này có thể sẽ trở thành quỹ tín thác hay quỹ ủy thác, hoặc mở rộng hoạt động sang các hình thức quản lý rừng và các loại hình khu bảo tồn khác. VCF cũng có thể được bổ sung từ các nguồn thu sáng tạo khác như “hoá đơn du lịch” hay “chi trả cho các dịch vụ môi trường”. Với cách làm này, VCF có thể mở rộng và tăng cường tính bền vững của nguồn tài trợ cho công tác bảo tồn ở Việt Nam. Thách thức đối với vấn đề này là việc lồng ghép được VCF vào hệ thống tài chính chung của Chính phủ.