- Giao thông thuỷ Năng lượng (thuỷ điện)
2. Sự tham gia của cộng đồng trong bảo tồn ĐDSH
Luật Bảo vệ và phát triển rừng năm 2004 (Điều 54) đã qui định việc ổn định đời sống dân cư sống trong khu rừng đặc dụng và vùng đệm bao quanh của rừng đặc dụng như sau:
- Không được di dân từ nơi khác đến rừng đặc dụng.
- Ban quản lý khu rừng đặc dụng phải lập dự án di dân tái định cư trình cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt để di dân ra khỏi phân khu bảo vệ nghiêm ngặt.
- Đối với phân khu bảo vệ nghiêm ngặt mà chưa có điều kiện chuyển dân ra khỏi khu vực đó, Ban quản lý khu giao khoán ngắn hạn rừng đặc dụng cho hộ gia đình, cá nhân để bảo vệ rừng.
- Đối với phân khu phục hồi sinh thái, Ban quản lý khoán rừng để bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng cho hộ gia đình, cá nhân tại chỗ.
- Đối với vùng đệm, uBND cấp có thẩm quyền giao rừng, cho thuê rừng của vùng đệm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để sử dụng theo quy chế quản lý rừng.
Luật Bảo vệ và Phát triển Rừng đã tạo nên sự thay đổi quan trọng là công nhận các cộng đồng thôn bản có thể được giao quản lý các khu vực rừng bên ngoài các khu bảo tồn. Rừng tự nhiên cũng được giao cho cộng đồng quản lý, nên tạo tiềm năng rất lớn cho sự tham gia của cộng đồng vào bảo tồn và sử dụng bền vững các khu rừng đó.
Đối với các khu bảo tồn biển và đất ngập nước, Luật thuỷ sản và Quy chế các khu bảo tồn biển Việt Nam đã qui định việc quản lý khu bảo tồn được “mở” hơn như đưa ra phân khu chức năng phát triển. Trong phân khu này có thể tiến hành các hoạt động được kiểm soát như: nuôi trồng thuỷ sản, khai thác thuỷ sản, du lịch sinh thái, đào tạo và nghiên cứu khoa học. Về đất ngập nước, Nghị định số 109/2003/NĐ-CP của Chính phủ năm 2003 đã khuyến khích khai thác các “tiềm năng kinh tế, văn hoá và xã hội” của các vùng đất ngập nước ở mức độ vẫn duy trì được các chức năng của hệ sinh thái.
Với những quy định mới của pháp luật hỗ trợ quyền quản lý rừng của các cộng đồng địa phương, vai trò của họ chắc chắn sẽ được tăng cường. Một loạt các sáng kiến dựa vào cộng đồng đã được các tổ chức Chính phủ và phi chính phủ thử nghiệm như thành lập uỷ ban cố vấn thôn tại Hòn Mun, thuộc vịnh Nha Trang (Khánh Hoà) có nhiệm vụ tổ chức các cuộc họp thường xuyên để thảo luận về các biện pháp quản lý khi ngư trường bị thu hẹp, hỗ trợ giúp tăng thu nhập cho cộng đồng qua hướng dẫn nuôi trồng thuỷ sản, làm đồ thủ công và cho hộ gia đình vay vốn đầu tư quy mô nhỏ; hay cộng đồng sản xuất hoa phong lan ở Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng.
Người dân địa phương thường đóng vai trò quan trọng trong bảo tồn thiên nhiên, như phối hợp với các cơ quan chức năng để kiểm soát vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã và thực thi pháp luật. Hoạt động nâng cao nhận thức rất đa dạng, từ xây dựng cẩm nang hướng dẫn thực địa, tổ chức các khóa tập huấn, chiến dịch truyền thông, chiếu phim, triển lãm, cho tới hoạt động diễn giải và học trải nghiệm môi trường do các cơ quan chính phủ và phi chính phủ tổ chức tại các vùng đệm vườn quốc gia và khu bảo tồn trên toàn quốc.