- Giao thông thuỷ Năng lượng (thuỷ điện)
b. Hiện trạng bảo tồn tại chỗ
Việt Nam đang có các hình thức tổ chức bảo tồn tại chỗ như sau:
Hệ thống khu bảo tồn rừng đặc dụng
Việt Nam là một trong những nước sớm quan tâm đến vấn đề bảo tồn ĐDSH. Từ năm 1962, Chính phủ Việt Nam đã thành lập khu rừng cấm Cúc Phương (nay là VQG Cúc Phương). Đây là khu bảo tồn đầu tiên ở miền Bắc và là tiền thân của hệ thống KBT hiện nay. Đến năm 1977, Việt Nam đã có 10 khu rừng cấm với tổng diện tích 44.310 ha. Vào năm 1986, tiếp tục có 73 khu rừng cấm bao gồm 2 vườn quốc gia (VQG), 46 khu dự trữ thiên nhiên (DTTN) và 25 khu rừng văn hoá, lịch sử, môi trường với tổng diện tích 769.512 ha đã được thành lập và các khu rừng cấm được đổi tên thành rừng đặc dụng. Đến hết năm 2006, Việt Nam đã có 128 khu rừng đặc dụng được phân bố trên các vùng sinh thái trong cả nước.
Thống kê hệ thống Rừng đặc dụng của Việt Nam đến năm 2006
Phân hạng Số lượng Diện tích (ha)
1. Vườn Quốc gia 30 984.987
2. Khu Bảo tồn thiên nhiên 60 1.341.461
2a. Khu Dự trữ thiên nhiên 48 1.255.612
2b.Khu Bảo tồn loài, sinh cảnh 12 85.849
3.Khu Bảo vệ cảnh quan 38 215.287
Tổng 128 2.541.675
Nguồn: Cục Kiểm lâm và Viện Điều tra quy hoạch rừng, 2006
Tuy nhiên, phần lớn các khu rừng đặc dụng Việt Nam đều có diện tích nhỏ, phân bố phân tán. Trong số 128 khu rừng đặc dụng có 14 khu có diện tích nhỏ hơn 1.000 ha; 52 khu có diện tích nhỏ hơn 10.000 ha. Chỉ có 12 khu có diện tích từ 50.000 ha trở lên. Trong nhiều khu rừng đặc dụng còn có diện tích đất nông nghiệp, đất thổ cư; và ranh giới một số khu bảo tồn trên thực địa chưa rõ ràng, còn có tranh chấp; tính liên kết các khu yếu, chưa hình thành được các hành lang liên kết các khu rừng đặc dụng gần nhau.
Các khu bảo tồn đất ngập nước
Hiện tại chưa hình thành hệ thống các khu bảo tồn đất ngập nước; tuy nhiên, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng được danh sách 68 khu đất ngập nước có giá trị ĐDSH và môi trường của Việt Nam làm cơ sở cho việc hình thành hệ thống các khu bảo tồn đất ngập nước trong tương lai.
Các khu bảo tồn vùng nước nội địa
Tháng 10 năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đã ra Quyết định phê duyệt quy hoạch hệ thống khu bảo tồn vùng nước nội địa đến năm 2020 gồm 45 khu. Về thực chất, các khu bảo tồn vùng nước nội địa, chính là các khu bảo tồn hệ sinh thái đất ngập nước.
Các khu bảo tồn biển
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã trình Chính phủ danh sách 15 khu bảo tồn biển, với tổng diện tích 308.161ha gồm 3 hạng: Vườn quốc gia (3 khu, diện tích 83.757ha); khu bảo tồn loài, sinh cảnh (4 khu, 70.350ha) và khu dự trữ tài nguyên thiên nhiên thuỷ sinh (8 khu, diện tích 154,053ha); tuy nhiên, theo quy định của Luật Đa dạng sinh học có hiệu lực từ tháng 7 năm 2009, hệ thống khu bảo tồn thiên nhiên của Việt Nam được chia thành 4 loại: (1) Vườn quốc gia, (2) Khu dự trữ thiên nhiên; (3) Khu bảo tồn loài - sinh cảnh; và (4) Khu bảo vệ cảnh quan. Với quy định như vậy, việc rà soát lại hệ thống các khu bảo tồn đã thành lập và điều chỉnh cho phù hợp với Luật Đa dạng sinh học là cần thiết.
Một số hình thức bảo tồn tại chỗ khác
Ngoài hệ thống khu bảo tồn được Chính phủ ra quyết định thành lập, một số hình thức bảo tồn khác đã được các tổ chức quốc tế ra quyết định công nhận như: 02 vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế (gọi tắt là Khu Ramsar), 08 khu dự trữ sinh quyển, 02 khu di sản thiên nhiên thế giới và 04 khu di sản thiên nhiên ASEAN.
CÁC HÌNH THỨC BẢO TỒN TẠI CHỖ KHÁC
Khu Ramsar
Xuân Thuỷ
Khu DTSQ Khu DSTN TG Khu DSTN ASEAN
Bàu Sấu Cần Giờ Cát Tiên Cát Bà Châu thổ sông Hồng Ba Bể Vịnh Hạ Long Phong Nha -
Kẻ Bàng Hoàng Liên Sơn Chư Mom Ray
Kon Ka Kinh Kiên Giang Miền Tây Nghệ An Mũi Cà Mau Cù Lao Chàm c. Hiện trạng bảo tồn chuyển chỗ
Các hình thức tổ chức bảo tồn chuyển chỗ (ex-situ) ở Việt Nam gồm có: vườn thực vật, vườn thú, các trung tâm và trạm cứu hộ, và ngân hàng giống. Một số thông tin cụ thể về các hình thức bảo tồn này như sau:
Vườn thực vật
Việt Nam đã có 02 vườn thực vật có lịch sử khoảng 100 năm ở hai thành phố lớn là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh. Từ năm 1990 đến nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thành lập thêm 10 vườn thực vật ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên lớn như Cúc Phương, Phong Nha Kẻ Bàng, Cát Tiên. Ngoài ra, có một số vườn thực vật được thành lập để phục vụ công tác nghiên cứu, sưu tập của các viện nghiên cứu hay các trường đại học như: Vườn thực vật Đại học Lâm nghiệp (Xuân Mai - Hà Nội), Vườn thực vật Trảng Bom (Đồng Nai), Vườn
Vườn thú
Hai vườn thú lớn nhất của Việt Nam hiện nay là Thảo Cầm Viên tại thành phố Hồ Chí Minh và Thủ Lệ tại Hà Nội. Những nơi này đang lưu giữ, trưng bày và nghiên cứu nhiều loài động vật, trong đó có nhiều loài quý hiếm, đặc hữu của Việt Nam và của một số quốc gia khác. Ngoài các chức năng lưu giữ nguồn gen, trưng bày và nghiên cứu các loài động vật hoang dã, vườn thú còn nhằm mục đích tuyên truyền, giáo dục mọi tầng lớp nhân dân lòng yêu thiên nhiên và ý thức bảo vệ động vật.
Các trung tâm và trạm cứu hộ động vật
Đây là những mô hình còn khá mới ở Việt Nam, chủ yếu do các tổ chức bảo tồn quốc tế hỗ trợ, nhằm chăm nuôi và sau đó trả lại thiên nhiên các cá thể động vật hoang dã bị cơ quan chức năng thu hồi từ các hoạt động vận chuyển, nuôi nhốt và buôn bán phi pháp. Hoạt động của các trung tâm cứu hộ động vật bước đầu đã có những kết quả tích cực, như Trung tâm cứu hộ linh trưởng nguy cấp và Trung tâm cứu hộ rùa ở Vườn Quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình), Trung tâm cứu hộ động vật Sóc Sơn (Hà Nội), Trung tâm cứu hộ gấu ở Tam Đảo (Phúc Yên), Trung tâm cứu hộ động vật Củ Chi (Tp. Hồ Chí Minh).
Ngân hàng giống
Việc lưu giữ nguồn cây giống cây trồng, vật nuôi mới được thực hiện ở một số cơ sở nghiên cứu. Các đối tượng được lưu giữ chủ yếu là các hạt giống cây lương thực với các phương pháp bảo quản trong kho lạnh. Hiện nay, ngành nông nghiệp Việt Nam có 5 cơ quan có kho bảo quản lạnh là Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp Việt Nam, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam, Trường Đại học Cần Thơ, Viện Cây lương thực và Thực phẩm và Viện nghiên cứu Ngô. Tuy nhiên, các kho lạnh đều có dung lượng nhỏ, công nghệ lạc hậu, chỉ bảo quản được hai chế độ ngắn hạn và trung hạn. Chưa có kho đạt tiêu chuẩn bảo quản dài hạn.