Cấu tạo kí hiệu bản đồ

Một phần của tài liệu Bài giảng bản đồ học (Trang 75 - 79)

Ký hiệu bản đồ được cấu tạo từ 6 kiểu phần tử đồ họa (còn gọi là 6 biến trị trực quan) như sau: hình dạng, kích thước, hướng, màu sắc, độ sáng, cấu trúc.

Mỗi ký hiệu có thể được cấu tạo nên từ một hoặc một số phần tử đã nêu. + Hình dạng: Các ký hiệu với hình dạng khác nhau thường được dùng để biểu thị các đối tượng khác nhau về nghĩa. Người ta phân biệt các đối tượng biểu thị trên bản đồ ra làm ba dạng: dạng điểm, dạng tuyến, dạng vùng (diện tích). Tương đương, ta có các ký hiệu dạng điểm, dạng đường, dạng vùng.

- Các ký hiệu dạng điểm dùng để biểu thị các đối tượng khi vẽ lên bản đồ chỉ xác định vị trí dạng điểm với tọa độ phẳng x, y (điểm tam giác, nhà thờ, điểm dân cư…), ký hiệu đại diện cho một vùng (ký hiệu than trong vùng phân bố than; ký hiệu con cá trong vùng biển đánh bắt cá)…

Hình 3.2. Cấu tạo của ký hiệu bản đồ

Các ký hiệu dạng điểm được phân biệt ra làm ba loại theo mức độ chi tiết của hình dạng: dạng hình học, dạng biểu tượng, tượng trưng và dạng tượng hình

Dạng hình học: Là những hình đơn giản nhất như: vuông, tròn, tam giác, chữ nhật, hình thoi, lục giác...

Dạng biểu tượng, tượng trưng: Là những hình đơn giản, có nét nào đó tiêu biểu, gần giống với đối tượng mà nó biểu thị. Ví dụ: Hình đầu bò biểu thị nơi có chăn nuôi trâu, bò; hình lá cờ biểu thị nơi có khởi nghĩa…

- Dạng tượng hình (dạng mỹ thuật), trực quan: Là hình ảnh ký hiệu như giống với hình ảnh thật của đối tượng mà nó biểu thị, ví dụ: hình con bò, hình ngôi đền, hình cái cây, hình chiếc xe tăng…

- Các ký hiệu dạng đường dùng để biểu thị các đối tượng khi vẽ lên bản đồ chỉ xác định vị trí theo chiều dài, với tập hợp các cặp tọa độ phẳng từ x1, y1, đến xn,yn. Ví dụ: ký hiệu đường sắt, đường ô tô, sông, kênh, ranh giới...

a) b) c)

Hình dạng của ký hiệu được tạo nên bởi:

- Hình dạng thực tế (độ cong, độ uốn khúc) của đối tượng được biểu thị.

- Kiểu ký hiệu đường: nét liền, nét đứt, nét chấm…

- Cấu trúc các hình đơn giản, ví dụ, các vòng tròn nhỏ liền nhau tạo thành ký hiệu hàng cây, các hình chữ nhật nhỏ liền nhau tạo thành ký hiệu tường thành.

- Các ký hiệu dạng vùng dùng để biểu thị các đối tượng khi vẽ lên bản đồ cần xác ranh giới vùng bởi tập hợp các cặp tọa độ phẳng x1, y1… xk, yn-k,… x1, y1 (khép kín), và bên trong phạm vi của vùng cũng cần có những phần tử đồ họa nào đó để biểu thị nghĩa của đối tượng, ví dụ: Vùng trồng lúa gồm đường ranh giới vùng và bên trong có ký hiệu các cây lúa phân bố đều nhau; vùng đất rừng gồm đường ranh giới và bên trong tô màu xanh lá cây.

+ Kích thước của ký hiệu (to - nhỏ, cao - thấp, rộng - hẹp, dầy - mỏng…) thường được dùng để phản ánh về mặt định lượng hoặc quy mô của đối tượng (lớn - nhỏ, nhiều - ít, mạnh - yếu…).

+ Màu sắc của ký hiệu là các sắc màu (xanh, đỏ, tím, vàng…) thường được dùng để phản ánh thuộc tính về tính chất đối tượng (ví dụ, phân biệt các loại hình sử dụng đất) hoặc trạng thái của đối tượng (ví dụ, hồ có nước quanh năm, hồ có nước theo mùa…).

+ Hướng của ký hiệulà dùng những ký hiệu giống nhau nhưng sắp đặt theo các hướng khác nhau trên bản đồ, thường được dùng để biểu thị hướng phân bố của đối tượng (ví dụ: hướng nhà), hoặc trạng thái (ví dụ: ký hiệu cửa hầm lò đang khai thác và ngừng khai thác có hướng ngược nhau 180o). Nhưng trong thực tế ít sử dụng các ký hiệu phân biệt hướng vì dễ nhầm lẫn.

+ Độ sáng là mức độ gần của màu so với màu trắng (được đo bằng hệ số phản chiếu của bề mặt nhận ánh sáng), thường được dùng để phản ánh mức độ khác nhau giữa các đối tượng, theo một quy ước phân bậc, phân khoảng theo chiều tăng dần hoặc giảm dần.

+ Cấu trúc là sự phối hợp một số kiểu phần tử đồ họa để tạo nên một ký hiệu có cấu trúc. Sự phối hợp này làm cho hệ thống ký hiệu trở nên phong phú và đa dạng và có khả năng truyền đạt được nhiều thông tin.

Một ký hiệu có thể được cấu tạo nên từ riêng rẽ từng phần tử hoặc từ sự phối hợp một số phần tử hoặc một số kiểu phần tử. Nói chung, hệ thống ký hiệu bản đồ rất phong phú, đa dạng và phức tạp.

Các biến trị trực quan Kí hiệu điểm Kí hiệu đường Ký hiệu vùng Kích cỡ Hình dạng Độ xám Cấu trúc Góc nghiêng Màu sắc

Hình 3.3. Các kiểu phần tử đồ họa (biến trị trực quan)

Một phần của tài liệu Bài giảng bản đồ học (Trang 75 - 79)