Mục đích và ý nghĩa của chữ ghi chú trên bản đồ

Một phần của tài liệu Bài giảng bản đồ học (Trang 88 - 90)

3.4.1.1. Ghi chú trên bản đồ là một phần nội dung của bản đồ

Chữ viết (ghi chú) là thành phần rất quan trọng trên bản đồ, nếu không có chữ viết bản đồ sẽ trở thành bản đồ câm. Chữ viết giải thích nội dung bản đồ giúp người đọc hiểu rõ được nội dung. Chữ viết giải thích bản đồ làm bản đồ dễ đọc, dễ hiểu. Chữ viết khác nhau ở kiểu, kích thước, màu sắc, độ nghiêng, lực nét, in thường… để phản ánh thuộc tính của đối tượng. Chữ viết (ghi chú) trên bản đồ được chia ra các nhóm sau đây:

- Tên các đối tượng địa lý có trên bản đồ (địa danh):

+ Tên thủy hệ (đại dương, biển, vịnh, vũng, vụng, eo biển, hồ, đầm, ao, sông, ngòi, giếng nước, nguồn nước, thác, ghềnh…)

+ Tên các vùng đất thuộc về đường bờ biển: bờ biển, bãi biển, bán đảo,, mũi đất, quần đảo, bãi ngầm, bãi, đá, san hô, đá…

+ Tên các yếu tố hình thái dáng đất: dãy núi, núi, đỉnh núi, cao nguyên, bình nguyên, sơn nguyên, sa mạc, đồng bằng, đồng lầy, đèo, núi lửa, hang…

+ Tên các đơn vị lãnh thổ chia theo tự nhiên (đới, miền, vùng, rừng…), chính trị (châu, quốc gia...), hành chính (tỉnh, huyện, xã), kinh tế, xã hội…

+ Tên các điểm dân cư (thành phố, thị xã, thị trấn, làng, bản, phố…). + Các tên riêng khác.

- Ghi chú đặc điểm của đối tượng trên bản đồ:

Các đối tượng được phản ánh lên bản đồ bởi các ký hiệu, nhưng các đặc điểm kèm theo của nó (tính chất, số lượng, trạng thái, thuộc tính) có thể được bổ sung bằng các ghi chú, ví dụ mặn (hồ nước mặn), khoáng (mạch nước có khoáng chất), 2 (tỷ cao của bờ dốc là 2 m)…

Ghi chú số độ của lưới tọa độ địa lý hay số kilômet của lưới tọa độ phẳng của bản đồ thường được trình bày ở phần giữa khung trong và khung ngoài.

- Ghi chú giải thích:

Bản đồ còn có những ghi chú về chính bản đồ (không phải là những ghi chú về đối tượng), giống như một sơ yếu lý lịch của bản đồ, như:

+ Ghi chú trong bảng chú giải và các bảng, biểu phần trong khung bản đồ. + Ghi chú tên, số hiệu của bản đồ, khu vực bản đồ và khu vực giáp biên. + Ghi chú tỷ lệ bản đồ.

+ Ghi chú nơi xuất bản và người thành lập. + Các ghi chú và giải thích cần thiết khác.

3.4.1.2. Chữ ghi chú là một kiểu ký hiệu bản đồ

Nhiều khi người ta dùng chính các ký tự, con số để làm ký hiệu (là một kiểu ký hiệu dạng điểm) phản ánh một đối tượng hoặc một khía cạnh của đối tượng, thường thể hiện các đối tượng về khoáng sản, hoặc công nghiệp khai khoáng, ví dụ: Fe - sắt, Cu - đồng... hoặc trên các bản đồ khác, như: tre (rừng tre), lúa.

Ký hiệu dạng chữ có thể đứng độc lập, hoặc kết hợp với ký hiệu.

3.4.1.3. Chữ ghi chú có khả năng phản ánh ý nghĩa, tính chất, quy mô trạng thái, phạm vi của đối tượng

Các bộ chữ với kiểu, hình dạng, màu sắc, độ lớn, cách thức khác nhau có thể cho biết về ý nghĩa, tính chất, quy mô, trạng thái, phạm vi của đối tượng.

- Về ý nghĩa: Nếu muốn phản ánh đối tượng tính chất nghiêm túc hoặc quan trọng người ta thường dùng chữ thẳng, có chân (tên quốc gia, thành phố); Nếu muốn thu hút sự chú ý hay hấp dẫn người ta thường dùng chữ nghệ thuật (trên bản đồ du lịch)...

- Về tính chất: Màu sắc của chữ ghi chú trên bản đồ làm cho ta liên hệ đến tính chất tự nhiên của đối tượng. Ví dụ: Dùng màu xanh lam ghi chú về thủy hệ, giống với màu nước; Dùng màu nâu ghi chú về dáng đất, gần với màu của đất; Dùng màu lục (ve) ghi chú về các loài cây, gần với màu của lá cây. Màu đen được quy ước ghi chú về các đối tượng nhân tạo (điểm dân cư, đường giao thông).

- Về quy mô (lớn - nhỏ, cao - thấp, nhiều - ít…): Các đối tượng có quy mô lớn hơn sẽ được biểu thị với chữ ghi chú lớn hơn (hoặc cao hơn, đậm hơn).

- Phạm vi phân bố của đối tượng: Chữ viết thường được trải ra theo chiều dài hoặc chiều rộng của khu vực.

Một phần của tài liệu Bài giảng bản đồ học (Trang 88 - 90)